QUẢN LÝ CHẶT CÁC CƠ SỞ BẢO TRỢ TRẺ EM NGOÀI CÔNG LẬP - Kỳ 1: Mái ấm chở che trẻ kém may mắn
- Con ở đây từ bao giờ?.
- Dạ, con vào đây từ nhỏ ạ!
- Thế người thân có hay đến thăm con không?
- Con không biết ba mẹ là ai. Nhưng ở đây con vui lắm, có các bạn chơi cùng, được đi học, được các sơ dạy kèm học bài mỗi tối.
Đây là đoạn trò chuyện giữa PV Báo BR-VT với các trẻ đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở bảo trợ trẻ mồ côi Hồng Ân (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức).
Cơ sở bảo trợ trẻ mồ côi Hồng Ân (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) dành một góc riêng làm nơi học tập cho trẻ. |
Cưu mang trẻ bất hạnh
Theo chân Đoàn kiểm tra, PV Báo BR-VT có dịp gặp gỡ và được nghe em Bùi Trần Phương Uyên (11 tuổi) kể về cuộc sống trong ngôi nhà chung - Cơ sở bảo trợ trẻ mồ côi Hồng Ân (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức). Đây là cơ sở được chính quyền địa phương cấp phép nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Uyên là 1 trong số 24 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cơ sở cưu mang. Mỗi em một hoàn cảnh: Mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, cha hoặc mẹ tù tội. Sơ Trần Thi Quang, Phó Giám đốc Cơ sở bảo trợ trẻ mồ côi Hồng Ân (gọi tắt là cơ sở Hồng Ân) kể, nhiều em rất đáng thương, là con của những người mẹ trẻ lầm lỡ với người đã có gia đình, con của những cặp đôi đã có gia đình nên không ai đủ can đảm nhận nuôi...
“Nhiều bà mẹ lầm lỡ nhất quyết đòi bỏ con từ khi còn thai nghén, nhưng được chúng tôi khuyên bảo, sinh xong vài ba ngày họ bỏ rơi con, rời đi không tung tích. Thương những đứa trẻ bất hạnh, nên chúng tôi cưu mang, nuôi dưỡng bằng tất cả tình thương yêu để bù đắp phần nào thiệt thòi cho các em”, sơ Trần Thi Quang chia sẻ.
Trẻ ở cơ sở Hồng Ân được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, nơi ăn, phòng ngủ đầy đủ, phòng ốc sạch sẽ, các trẻ trong độ tuổi đi học được tạo điều kiện đến trường. Những năm qua, cơ sở Hồng Ân cũng cố gắng kết nối với chính quyền địa phương, nhà hảo tâm để vận động vật chất, mua thẻ BHYT, tặng điện thoại thông minh cho trẻ học online. Ngoài ra, cơ sở Hồng Ân còn tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, mở phòng khám chữa bệnh, nhận nuôi trẻ bán trú để có thêm thu nhập nuôi dưỡng các trẻ của cơ sở Hồng Ân.
Em Trần Văn Thông, sống tại cơ sở Hồng Ân hiện đang học lớp 8, Trường THCS Võ Trường Toản (xã Đá Bạc) cho biết, vừa qua, em được lãnh đạo huyện Châu Đức tặng một chiếc điện thoại thông minh, giúp em có điều kiện học online trong mùa dịch COVID-19. “Em sẽ cố gắng chăm học để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho nhiều người”, Thông nói về con đường tương lai.
BR-VT hiện có 28 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đang chăm sóc và nuôi dưỡng hơn 700 trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần đem lại cuộc sống tốt hơn cho trẻ kém may mắn. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 12 cơ sở được cấp phép, các cơ sở còn lại vẫn đang hoạt động không phép. |
Cho trẻ cuộc sống tốt đẹp hơn
Tại TP. Bà Rịa, chùa Kiên Linh và chùa Long Nguyên được UBND xã Hòa Long cấp phép nuôi dưỡng trẻ em từ tháng 6/2020. Hiện chùa Kiên Linh đang nuôi dưỡng 9 trẻ . Còn chùa Long Nguyên nuôi dưỡng 8 trẻ, trong đó 2 trẻ bị bỏ rơi. Theo trụ trì các chùa, hầu hết các trường hợp này đều do gia đình gửi vào chùa với mục đích xuất gia. Các em sống tại 2 chùa đều được đến trường, mua BHYT để khám, chữa bệnh. Các chùa đều có người chăm sóc trẻ và bố trí nơi sinh hoạt đầy đủ, sạch sẽ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn mà người thân không thể nuôi dưỡng. Như Mái ấm Hồng Quang (thuộc chùa Hồng Quang, thôn Phước Tấn, xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ) do Đại đức Thích Thiện Thông, Trụ trì chùa Hồng Quang thành lập từ năm 2005, bắt nguồn từ việc có vài bé bị cha mẹ bỏ rơi trước cổng chùa. Mái ấm Hồng Quang đang nuôi dưỡng 80 trẻ mồ côi từ sơ sinh đến 18 tuổi. Các em ở đây được chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, được dạy tâm thiện, học võ, học múa lân - sư - rồng và được làm thủ tục khai sinh để đi học, có thẻ BHYT, được miễn giảm học phí.
Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTXH tỉnh cho biết, nhờ có các cơ sở bảo trợ trẻ em mà đa phần do các tổ chức tôn giáo lập, nên hàng trăm trẻ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, trẻ bị người thân bỏ rơi được đón nhận, nuôi dưỡng chu đáo. Dù thiếu thốn tình thân, nhưng khi sống trong ngôi nhà chung, các em được lo từng bữa ăn, giấc ngủ, học kỹ năng sống, được tạo điều kiện đến trường. Nhìn chung, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tương đối tốt.
Bài, ảnh: THI PHONG
(Còn nữa)