Phụ nữ nông thôn vượt khó, làm giàu

Thứ Năm, 03/03/2022, 18:39 [GMT+7]
In bài này
.

Phong trào “Phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững” của huyện Châu Đức thời gian qua được triển khai hiệu quả. Nhiều mô hình thực hiện thành công đã giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bà Trần Thị Cam (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba) may thảm lót ghế sô pha để có thêm thu nhập.
Bà Trần Thị Cam (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba) may thảm lót ghế sô pha để có thêm thu nhập.

Hưởng ứng phong trào “Phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững” do Hội LHPN xã Nghĩa Thành phát động, bà Võ Thị Mẹo (thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, trở thành hộ khá giả và giúp đỡ cho nhiều hội viên phụ nữ khó khăn khác.

Bà Mẹo cho biết, sau nhiều năm trồng tiêu không mang lại hiệu quả kinh tế vì tiêu bệnh, mất mùa, năm 2019, gia đình bà chuyển đổi 3 sào đất trồng tiêu sang trồng rau sạch. Các loại rau được bà chọn trồng là: rau cải, rau muống, xà lách, hẹ, đậu cô ve… rồi bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ Suối Nghệ. Thương lái cũng vào tận vườn của bà để mua và cắt chuyển đi bán tại các chợ. Để rau bán ra bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, bà tự ủ phân hữu cơ bón cho rau và không dùng thuốc hóa học. Bà cũng đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động nhằm tiết kiệm điện, nước tưới và thời gian tưới.

Hiện nay, vườn rau mỗi ngày mang lại thu nhập 500 ngàn đồng cho gia đình bà Mẹo. Ngoài ra, bà còn nuôi bò, dê mỗi năm thu về hơn 60 triệu đồng. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, bà còn luôn sẵn lòng giúp đỡ những hội viên phụ nữ trên địa bàn gặp khó khăn. “Vươn lên từ khó khăn nên tôi hiểu hoàn cảnh các chị em, tôi luôn chia sẻ kinh nghiệm, sẵn sàng hỗ trợ vốn để tạo đà cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp”, bà Mẹo chia sẻ.

Bà Võ Thị Mẹo (thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành) hái đậu cô ve  bỏ mối cho các chợ tại địa phương.
Bà Võ Thị Mẹo (thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành) hái đậu cô ve bỏ mối cho các chợ tại địa phương.

Đến ấp Suối Lúp (xã Bình Ba), nhắc đến bà Trần Thị Cam, ai cũng cảm phục về ý chí, nghị lực thoát nghèo và tinh thần tương thân, tương ái của bà. Bà là một tấm gương tiêu biểu được Hội LHPN tuyên dương về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trước năm 2008, gia đình bà là một trong những hộ nghèo của xã. Chồng mất sớm, nhà chỉ có 2 sào đất bạc màu trồng tiêu, bà vất vả làm lụng nuôi 6 con ăn học. Năm 2008, sau khi được hỗ trợ vay 10 triệu đồng từ Quỹ giảm nghèo của địa phương, bà đầu tư mua 1 con bò và đàn gà 50 con để chăn nuôi. Cần cù và chịu khó học hỏi kỹ thuật từ những người đi trước, số lượng đàn gà và bò ngày càng tăng, giúp gia đình bà vượt qua nghèo khó. Bà cũng mua thêm đất trồng tiêu. Hiện gia đình bà thu nhập gần 300 triệu đồng/năm từ 5 sào đất trồng hồ tiêu, nuôi gà, bò và may gia công thảm lót ghế sô pha.

Cuộc sống ổn định, bà Cam mỗi năm dành 2-3 triệu đồng hỗ trợ chị em phụ nữ và trao học bổng cho trẻ em nghèo của xã. Ngoài ra, bà Cam cũng tập hợp 15 chị em đang làm các công việc nội trợ, có hoàn cảnh khó khăn và liên hệ với cơ sở sản xuất hạt điều tại địa phương để nhận việc tách vỏ lụa kiếm thêm thu nhập cho chị em. 

Giai đoạn 2016-2021, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện Châu Đức đã giúp cho 206 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững. Hội cũng thành lập 14 tổ hợp tác, tạo công ăn việc làm cho chị em hội viên. Riêng trong năm 2021, các cấp hội đã phối hợp, hỗ trợ cho 51.940 lượt phụ nữ vay hơn 536 tỷ đồng giải quyết việc làm, phát triển kinh tế…

Cùng với bà Mẹo, bà Cam, trên địa bàn huyện Châu Đức còn có những gương phụ nữ vươn lên thoát nghèo và tích cực hỗ trợ các hội viên, phụ nữ khó khăn từ phong trào phát triển kinh tế như gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã). Với sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hiện gia đình bà Tâm có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm từ việc nuôi bò.

Theo bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, để phong trào “Phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững” lan tỏa sâu rộng và đạt hiệu quả cao, Hội LHPN huyện đã tập trung triển khai nhiều hoạt động nhằm hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển sản xuất, chủ động nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học để làm ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

“Hội LHPN huyện Châu Đức thời gian tới sẽ tiếp tục sát cánh và trở thành điểm tựa tin cậy để hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn nỗ lực phấn đấu vươn lên”, bà Bùi Thị Sen khẳng định.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
;
.