Nghị lực vượt lên của hai vợ chồng khuyết tật

Thứ Sáu, 04/03/2022, 19:17 [GMT+7]
In bài này
.

Thiếu may mắn mà mất đi đôi chân, nhưng anh chị Nguyễn Minh Thắng - Nguyễn Thị Diệu (hẻm 104 Võ Thị Sáu, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) đã gặp nhau trong cuộc đời, nên duyên và có một cuộc sống đẹp, nhờ nghị lực của cả hai.

Gia đình hạnh phúc của anh Thắng, chị Diệu.
Gia đình hạnh phúc của anh Thắng, chị Diệu.

Qua lời giới thiệu của Hội LHTNVN TP.Bà Rịa, chúng tôi tới thăm gia đình anh chị Nguyễn Minh Thắng-Nguyễn Thị Diệu. Ngôi nhà nhỏ nằm trong hẻm, với 2 chiếc xe gắn máy 3 bánh đậu gọn gàng ở sân. “Trong nhà, vợ chồng tôi di chuyển bằng xe lăn hoặc bằng tay”, anh Thắng trên chiếc xe lăn ra đón khách, tươi cười giới thiệu.

Bên trong căn nhà, một số bức tranh thư pháp về gia đình, sự hiếu thảo, tình vợ chồng được treo trang trọng ở phòng khách. Xen lẫn giữa những bức tranh thư pháp ấy là ảnh cả gia đình anh chị và nụ cười rạng rỡ bên bé Dâu. Khu bếp, nhà vệ sinh được thiết kế phù hợp với việc di chuyển và nấu nướng của vợ chồng. Chị Diệu đang làm bánh sinh nhật theo đơn đặt hàng của khách, anh Thắng ở cạnh phụ vợ, khi thì lấy khuôn, lúc đưa vợ chai nước cốt dừa, khi thì phụ đổ bánh ra khuôn chờ nguội.... Hai vợ chồng vừa làm, vừa trò chuyện với chúng tôi.

Chị Diệu tư vấn khách những mẫu bánh rau câu nghệ thuật để khách đặt hàng.
Chị Diệu tư vấn khách những mẫu bánh rau câu nghệ thuật để khách đặt hàng.

Anh Thắng sinh năm 1984, quê ở Tây Ninh, sinh ra khỏe mạnh, khôi ngô, nhưng một trận sốt năm anh gần 2 tuổi đã khiến đôi chân anh dần teo nhỏ, không thể đi lại được. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng anh Thắng vẫn siêng năng học. Tốt nghiệp ĐH Lao động Xã hội TP.Hồ Chí Minh ngành quản trị nhân sự năm 2013, anh Thắng làm việc tại Mái ấm An Phúc, một Trung tâm nhân đạo xã hội tạo việc làm cho người khuyết tật. Sau đó anh viết thư pháp, vẽ tranh thư pháp tại gian hàng của Mái ấm tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh.

Nói về “mối duyên” với thư pháp, anh Thắng kể, thấy anh sức khỏe yếu, năm 2010, một người thầy đã dạy anh cách viết thư pháp. Vốn đam mê, lại tham khảo thêm từ internet, anh tiến bộ rất nhanh và năm 2011 bắt đầu viết thư pháp theo đơn đặt hàng. Từ những bức thư pháp đơn giản, được một người thầy khác hướng dẫn, anh đã vẽ tranh thư pháp. “Tôi chọn những bức tranh làng quê trong các nét vẽ của mình, khi là cánh đồng lúa đến mùa gặt hái, là mái tranh đơn sơ, là con sông hiền hòa, có khi là cành hoa nghiêng nghiêng trong nắng... Tất cả những bức tranh ấy trở nên có hồn hơn khi có thêm một vài chữ thư pháp”, anh Thắng cho hay.

Chị Diệu quê ở huyện Long Điền. Năm 2000, khi đang là HS Trường THPT Trần Văn Quan, chị bị TNGT, bị thương nặng và liệt vĩnh viễn. Vụ tai nạn khiến chị không thể tiếp tục đến trường. Nhưng sau những ngày tháng tuyệt vọng, chị đã “đứng dậy”, quyết tâm sống tốt hơn. Chị tự học trên mạng internet cách làm bánh, tự hỏi về các sản phẩm quần áo, đồ dùng, làm bánh... để kinh doanh online và gắn bó với nghề làm bánh rau câu nghệ thuật. Chị khéo tay, lại chịu học hỏi, chiều ý khách, khách đặt bánh ưng chất lượng, lại giới thiệu người khác nên chị có lượng khách hàng ổn định. “Mỗi ngày tôi có ít nhất một đơn hàng đặt bánh. Nhờ đó thu nhập khá ổn định”, chị Diệu nói.

Kể về mối duyên của hai người, ánh mắt của anh Thắng, chị Diệu ngời lên niềm vui. Anh chị biết nhau vào năm 2014, sau vài lần gặp gỡ, chị cảm mến anh vì tài hoa, lại giỏi ngoại ngữ, chỉn chu, còn anh thương chị vì sự nhanh nhẹn, hoạt bát nên đã chọn chị Diệu là người phụ nữ của đời mình. Tình cảm của anh Thắng dần khiến chị Diệu rung động, họ về chung nhà sau một năm yêu nhau (tháng 6/2016). Chị Diệu kể, anh Thắng không phải là người lãng mạn, nhưng luôn quan tâm tới mọi người. Hồi mới yêu và sau ngày cưới, hằng tuần anh đều chạy xe từ TP.Hồ Chí Minh về thăm chị ở Long Điền.

Năm 2017, anh quyết định dừng công việc đang có thu nhập tốt ở TP.Hồ Chí Minh để về lập nghiệp với chị tại TP.Bà Rịa. Rồi bé Dâu (Nguyễn Thảo Diệu Hương) ra đời (năm 2019), tình cảm vợ chồng anh chị càng thêm gắn bó, bền chặt. Họ gom góp, có gia đình phụ thêm, mua được miếng đất, rồi năm 2019, anh chị cất nhà. Trước khi về nhà mới, anh Thắng đã dành hơn 1 tháng, vẽ bức tranh khổ 1,2 x1,8m về những ngôi nhà bình dị dưới hàng dừa và con sông, đồng lúa chín cùng dòng chữ thư pháp: “Gia đình - Người ta có rất nhiều nơi để đến/ Nhưng chỉ có một chốn để quay về”. Là người khuyết tật, để hoàn thiện bức tranh, anh dành rất nhiều tâm huyết và bức tranh được treo trang trọng ở phòng khách, như nhắc nhở vợ chồng anh về ý nghĩa của chữ gia đình.

Hiện tại, anh Thắng vẫn tiếp tục vẽ tranh thư pháp, với giá trị bức tranh từ vài chục ngàn cho tới cả chục triệu đồng (tùy chất liệu và diện tích). Dịp lễ, tết, thu nhập của anh ổn hơn, còn ngày thường thì “lai rai” như lời anh nói. Chị Diệu thì có khách đặt hàng đều đều, nhưng sức khỏe yếu từ di chứng vụ TNGT, chị không ngồi được lâu, nhiều lúc, chị phải nằm trên giường để trang trí bánh cho khách, nhưng chị dồn cả tâm huyết vào từng chiếc bánh, nên khách hàng luôn cảm thấy hài lòng. Chị Trần Thị Tuyết Sương (nhân viên Ngân hàng OCB chi nhánh Bà Rịa) cho biết, đã vài lần được thưởng thức bánh do chị Diệu làm nên đã đặt bánh mừng sinh nhật 2 người đồng nghiệp chung cơ quan. “Mọi người đều khen bánh ngon nên chúng tôi tiếp tục ủng hộ chị Diệu trong tương lai”, chị Sương cho hay.

Một số mẫu bánh chị Diệu đã làm, giới thiệu trên trang facebook cá nhân để quảng bá.
Một số mẫu bánh chị Diệu đã làm, giới thiệu trên trang facebook cá nhân để quảng bá.

Bánh của chị Diệu làm với nhiều vị: sữa bắp, cà phê, ca cao, sầu riêng... Vị bánh, hình thức được làm theo yêu cầu khách nên khách hàng rất ưng ý. Anh Thắng là shipper đi giao bánh cho vợ mỗi khi rảnh. “Rào cản lớn nhất của anh chị là việc đi lại khó khăn, nên tôi mong sau này có điều kiện tìm kiếm được một mặt bằng giá vừa phải, để hai chúng tôi có thể vừa vẽ tranh thư pháp, vừa làm bánh, lại thuận lợi cho khách đến tận nơi lấy hàng”, chị cho biết về dự định tương lai.

Sức khỏe không được như mọi người, phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng trong câu chuyện của mình, trong những hình ảnh anh chị chia sẻ trên mạng xã hội, luôn là những câu chuyện tươi vui, lạc quan, đầy nghị lực, gia đình quây quần, hạnh phúc. Anh chị nói, điều tuyệt vời nhất của vợ chồng chị là bé Dâu, lanh lẹ và đáng yêu, nên chúng tôi sẽ luôn cố gắng để chăm lo cho con “thành người”…

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.