Không phải F0 nào cũng sử dụng được thuốc kháng vi rút

Thứ Hai, 21/03/2022, 16:15 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ Y tế đã cấp phép 3 loại thuốc kháng vi rút dành cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Nhưng để có được các thuốc này, người bệnh phải được bác sĩ chỉ định, kê đơn và hướng dẫn sử dụng cẩn thận. Bởi những loại thuốc này có chống chỉ định trên nhiều đối tượng bệnh nhân COVID-19.

F0 không tự ý dùng thuốc kháng vi rút khi điều trị tại nhà.  Trong ảnh: Nhân viên y tế Trạm Y tế phường 11 (TP.Vũng Tàu) phát thuốc điều trị triệu chứng cho người nhà F0.
F0 không tự ý dùng thuốc kháng vi rút khi điều trị tại nhà. Trong ảnh: Nhân viên y tế Trạm Y tế phường 11 (TP.Vũng Tàu) phát thuốc điều trị triệu chứng cho người nhà F0.

Nên hiểu đúng về thuốc điều trị COVID-19

Từ ngày 25/11/2021, tỉnh BR-VT thực hiện cho các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị ở nhà và do Trạm Y tế lưu động các xã, phường, thị trấn theo dõi, quản lý, chăm sóc và cấp phát thuốc. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, số ca nhiễm tăng cao đã khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng, chưa an tâm về sức khỏe. Do đó, dù chưa nhiễm COVID-19 nhưng nhiều người vẫn sốt sắng tìm đến các nhà thuốc để mua các loại thuốc kháng vi rút SASR-CoV-2 với mục đích dự phòng. “Nghe tin có bán thuốc kháng vi rút ngoài thị trường nên tôi đến nhà thuốc Pharmacity trên đường Trương Công Định để mua thuốc nhưng họ không bán. Họ giải thích tôi không đúng đối tượng được mua. Tôi tính mua để trong nhà khi nào cần thì dùng”, một người dân tại TP.Vũng Tàu cho hay. Theo quy định của hệ thống nhà thuốc Pharmacity trên toàn quốc, để mua được thuốc kháng vi rút, người dân phải có giấy xác nhận nhiễm COVID-19 do UBND xã, phường, thị trấn cấp hoặc mang theo đơn thuốc có chữ ký của bác sĩ. Mỗi khách hàng đáp ứng 1 trong 2 điều kiện này sẽ được mua duy nhất 1 liệu trình sử dụng trong 5 ngày.

Bên cạnh đó, có không ít trường hợp F0 điều trị tại nhà do các trạm y tế quản lý cũng bày tỏ thắc mắc khi không được cấp thuốc kháng vi rút mà chỉ được cấp phát một số thuốc điều trị triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, viêm họng… Dù đã được nhân viên y tế của trạm y tế lưu động giải thích nhưng các F0 này vẫn mong muốn được uống thuốc kháng vi rút cho nhanh lành bệnh. Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huỳnh Bảo Châu, Trạm Y tế TT. Long Điền (huyện Long Điền) cho biết, không phải bệnh nhân nhiễm COVID-19 nào cũng được chỉ định sử dụng thuốc kháng vi rút. Dựa trên tình trạng sức khỏe của F0 mà bác sĩ kê đơn cho người bệnh uống thuốc kháng vi rút trong thời gian 5 ngày. “Thuốc kháng vi rút có nhiều chống chỉ định trên nhiều đối tượng. Vì thế, tôi kê đơn và phát thuốc kháng vi rút cho những người lớn tuổi, bị bệnh nền, có khả năng diễn tiến bệnh nặng”, bác sĩ Bảo Châu cho hay.

Hiện tại, tỉnh còn có khoảng 3.700 lọ Remdesivir 100mg; hơn  361 ngàn viên Molnupiravir 200mg và 2.900 viên thuốc Favipiravir 200mg. Với số thuốc này, tỉnh có thể bảo đảm cấp phát cho người dân trong vòng 1 đến 2 tháng. Sở Y tế cũng đã gửi nhu cầu sử dụng thuốc kháng vi rút trong quý 2, 3 và 4 năm 2022 cho Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) để có hướng cấp hoặc điều tiết về cho tỉnh.

Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc

Bà Vũ Thị Thanh Huyền, Phó Phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã cấp cho tỉnh 3 loại thuốc kháng vi rút SARS-CoV-2. Trong đó, thuốc Remdesivir 100mg, dạng tiêm, chỉ dùng cho F0 thể nhẹ, trung bình và nặng đang điều trị nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh. Còn thuốc Molnupiravir 200mg hoặc 400mg có dạng viên, dùng cho F0 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ; thuốc Favipiravir 200mg cũng dạng viên, dùng cho F0 thể nhẹ hoặc trung bình. 2 loại thuốc này dùng điều trị cho F0 tại nhà. Mỗi loại thuốc có những chỉ định khác nhau, nên người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị COVID-19.

Bà Huyền khuyến cáo, thuốc Molnupiravir có cơ chế gây đột biến, làm gián đoạn sao chép RNA dẫn đến ức chế sự nhân lên của vi rút. Thuốc này không sử dụng cho phụ nữ mang thai vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. Nam giới nên sử dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục ít nhất 3 tháng sau liều uống cuối cùng. Thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn khớp. Vì thế, thuốc này không được sử dụng cho người dưới 18 tuổi. Các tác dụng phụ thường gặp của Molnupiravir là tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt… Do thuốc chỉ có ưu điểm trên một nhóm đối tượng bệnh nhân nhất định và cần kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ của thuốc và phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của nhân viên y tế, F0 không được tự ý sử dụng. Thuốc Favipiravir được khuyến cáo chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch có thai, phụ nữ đang cho con bú, người dưới 18 tuổi, người suy gan, suy thận nặng. Bệnh nhân dùng thuốc chú ý ít nhất hai ngày đầu do có thể gây rối loạn tâm thần. Người tiền sử gout có sử dụng thuốc càng cần chú ý theo dõi sức khỏe vì có thể tăng acid uric và làm nặng thêm bệnh.

Theo bà Huyền, mỗi thuốc kháng vi rút chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Do vậy, việc dùng các loại thuốc kháng vi rút này cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị điều trị COVID-19 cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi người dùng phải tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc. “F0 lạm dụng thuốc kháng vi rút sẽ gây ra nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng COVID-19 ở người bệnh. Khi nghi nhiễm COVID-19, người dân cần bình tĩnh, liên hệ với trạm y tế địa phương để được tư vấn, khám bệnh và đánh giá có thuộc đối tượng dùng thuốc kháng vi rút hay không. Nếu đáp ứng các điều kiện, trạm y tế sẽ cấp phát thuốc kháng vi rút, tư vấn sử dụng và quản lý người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế”, bà Huyền tư vấn thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.