Giữ tiền dùm chồng? Tốt quá đi chứ!

Thứ Sáu, 04/03/2022, 19:16 [GMT+7]
In bài này
.

Trong đời, hầu như người phụ nữ thường lặng lẽ. ở phía sau chồng. Họ không xuất hiện thường xuyên với chồng nơi bá quan văn võ, nếu có cũng đóng một vai trò nhún mình và gần như không nhất thiết phải khẳng định gì về sự có mặt. “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”. Điều này lúc nào cũng không sai. Suy nghĩ ấy trúng chóc và trở thành câu nằm lòng của nhiều đôi lứa.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Đàn ông khôn ngoan luôn hiểu rằng, phải “trong ấm ngoài êm” thì mới có thể phiêu du ngoài đại dương và đối mặt với biết bao sóng gió cuộc đời. Đàn bà cũng khôn ngoan. Muốn gì thì muốn, làm gì thì làm, chỗ khuất mắt khuất mặt sao cũng được chứ nơi chốn “quan trên trông xuống, người ta trông vào” thì người chồng phải ghi nhận vai trò của họ.

Thế thì, khi bước ngoài xã hội cho dù người đàn bà của mình không đóng góp được gì cho sự thăng tiến nhưng họ cũng phải ca ngợi? Hiểu như thế là chưa thấu đáo ngọn nguồn. Tôi đố người đàn ông nào bước ra đường có thể ưỡn ngực phía trước, ngước mặt lên trời một cách hùng dũng nếu không có “hậu phương” vững chãi phía sau của riêng mình. Người đàn bà ấy dù không làm ra tiền như mình, không học thức như mình, không năng động, lịch lãm, trẻ trung như mình v.v… và v.v… nhưng họ lại đóng góp vai trò rất lớn nhằm tạo cho ta sự tự tin ấy.

Thử hỏi, ai chăm sóc con? Ai bưng cơm nước rót? Ai chở che khi ấm lạnh? Ai vỗ về khi ta vấp ngã, thất bại trong thương trường? Và ai là người hiểu ta nhất, chỉ cần ta thở dài là người ấy đã hiểu ta muốn gì? Chỉ chừng đó thôi, ta thấy người đàn bà ấy đóng vai trò quan trọng như thế nào? Dù quan trọng nhưng với người đàn ông vẫn chưa đủ, nếu người đàn bà ấy không thể chia sẻ với họ về chuyên môn, về sự tính toán trong công việc hằng ngày, thậm chí cả chuyện gối chăn…

Chị bảo: “Ông nhà tôi đẹp trai, giàu có, có địa vị trong xã hội nên nhiều cô mê cũng phải thôi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản cho nó nhẹ đầu, khi anh ấy về nhà là chồng tôi, của tôi; còn khi ra ngoài đường thì tùy anh ấy suy nghĩ mà có cách ứng xử cho phù hợp. Nghĩ thế, tôi lẳng lặng làm tròn nhiệm vụ của người vợ, người mẹ. Ông nhà tôi chê trách vào đâu?”.

Không chê trách ấy, bơi người chồng đã làm đúng theo “nguyên tắc” bất di bất dịch: “Của chồng công vợ”. Dì chồng làm ra tiền nhưng tiền ấy cũng… của vợ. Đúng là thế. Tôi am đoan rằng, một khi nghe chồng trêu chọc câu này, dù dễ nóng mũi lắm, thế nhưng hầu hết các bà vợ đều cười xòa, không thèm chấp: “Con gì ăn ít, nói nhiều/ Mau già, lâu chết, miệng kêu tiền tiền”.

Có gì đáng ghét đâu? Ăn nhiều, tốt cho sức khỏe để mà chăm con, lo cho chồng, quán xuyến cửa nhà; nói nhiều thì trong nhà càng rôm rã tiếng cười nói, chứ không lẽ suốt ngày cứ thin thít như thịt nấu đông? Còn mau già thì ai không già, nhất là sau khi đã đôi ba lần vượt cạn, vì ai, vì chồng chứ vì ai nữa. Còn “miệng kêu tiền tiền” thì happy quá, chính xác luôn. Ơ hay, tiền này là tiền của chồng mình chứ mình có xin xỏ ai đâu mà ý kiến với ý cò, hơn nữa “của chồng công vợ” là lẽ tất nhiên.

Sau khi đã về ở chung nhà, một trong mối quan tâm hàng đầu của người phụ nữ, tôi nghĩ là họ cần biết thu nhập của người mà họ đã quyết tâm ăn đời ở kiếp. Sở dĩ có mối quan tâm này là do đâu? Do bản tính cố hữu của họ từ ngàn xưa đến nay đã đóng vai trò “tay hòm chìa khóa”. Ngay cả nguời đàn ông cũng chấp nhận đấy, không hề phàn nàn, vì đó là lẽ tất nhiên, xem kìa: “Ra ngoài võng giá nghênh ngang/ Về nhà hỏi vợ: cám rang đâu mày”. Ngay cả thứ hạng bét cũng do vợ quán xuyến nhưng bù lại lúc hỏi được nghênh mặt cực kỳ kiêu hãnh, rất ư là… gia trưởng, kể ra cũng oách chán.

Dù mọi việc tiêu xài khi cần đến tiền đều bàn bạc, thảo luận, trao đổi trước với chồng nhưng họ vẫn muốn mình là người quản lý tài sản đó. Thế họ cần tiền, giữ tiền vì lý do gì là then chốt nhất, chứ nào phải chỉ vì nuôi con, sắm sửa, phòng thân v.v…? Phải vì lý do “tuyệt mật” gì chứ?

Đơn giản như đang giỡn, tức là họ không bao giờ muốn đồng tiền đó có cơ hội lọt qua tay mèo mỡ nào bất kỳ của chồng. Đồng tiền liền khúc ruột. Muốn gì thì muốn, làm gì thì làm họ còn có thể châm chước, xem xét lại chứ nếu đem đồng tiền đó cung cấp cho nhơn tình nhơn ngãi thì quyết không là không. Nếu xẩy ra chuyện này, đối với họ cũng là lúc “chủ quyền” bị xâm phạm một cách trắng trợn, không thể chấp nhận, lập tức tự ái nổi lên đùng đùng và phải làm cho ra nhẽ.

Vậy đó, họ muốn giữ tiền của chồng là một hình thức khẳng định vai trò, vị trí của mình. Vai trò của người chính thức, toàn quyền trong tổ ấm. Người đàn ông thông minh nào cũng thừa biết tỏng điều này, nếu muốn “trong ấm ngoài êm”, hãy ngoan ngoãn chấp hành nhằm tạo lòng tin một cách “năm bờ oăn” nơi vợ. Còn sau đó, muốn gì thì cứ việc bí mật “quỹ đen” nọ kia nhưng đó là câu chuyện khác.

LÊ MINH QUỐC

;
.