.

CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN TUYỂN SINH-HƯỚNG NGHIỆP NĂM 2022: Hãy nỗ lực tạo nên giá trị cho chính bản thân mình

Cập nhật: 17:15, 18/03/2022 (GMT+7)

Đó là thông điệp được gửi gắm trong chương trình tư vấn hướng nghiệp đặc biệt dành cho HS các huyện đảo vừa diễn ra vào giữa tháng 3 bằng hình thức trực tuyến. Trong chương trình, các chuyên gia, thành viên Ban Tư vấn tuyển sinh cũng đưa ra nhiều lời khuyên quý báu, giúp thí sinh xác định năng lực, tố chất của bản thân để chọn ngành nghề phù hợp từ đó thúc đẩy phát triển nhân lực.

Một tiết học của HS lớp 12A, Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Côn Đảo). Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Một tiết học của HS lớp 12A, Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Côn Đảo). Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Xác định rõ mục tiêu, kiên trì theo đuổi

Là chuyên gia đã đồng hành với các chương trình tư vấn, hướng nghiệp trong nhiều năm, TS. Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM khẳng định: “Lựa chọn ngành nghề, đăng ký nguyện vọng xét tuyển là khâu rất quan trọng. Tuy nhiên nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh, tôi nhận thấy, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh thường đưa ra quá nhiều nguyện vọng mà chưa tập trung vào ngành nghề mình thực sự quan tâm”. Theo TS. Phạm Tấn Hạ, thí sinh nên đăng ký số lượng nguyện vọng ở mức độ vừa phải, khoảng 4-5 nguyện vọng và dành sự ưu tiên cho cho lĩnh vực mình quan tâm, không nên có sự chuyển hướng quá đột ngột. “Nếu đã thích ngành nào thì các em nên tập trung đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành đó và chỉ nên dịch chuyển từ trường này sang trường khác. Bởi khi trúng tuyển vào những ngành phù hợp với nguyện vọng, sở thích, năng lực ngay từ đầu thì các em mới có thể tập trung học tập và gắn bó với ngành học đó. Song song với việc chọn ngành, các em cần chú trọng lựa chọn môi trường học tập phù hợp để có thể yên tâm theo học. Cần cân nhắc các yếu tố như: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, điều kiện phát triển bản thân… để lựa chọn đó trở thành nơi chắp cánh thêm cho ước mơ của các em”, TS. Hạ nói.

GS. TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lại nhấn mạnh vào yếu tố chọn nguyện vọng “vừa sức”: “Nếu yêu thích một nhóm ngành nghề nào đó thì nên ưu tiên vì đó là ước mơ, là khát khao, hoài bão để các em theo đuổi. Tuy nhiên, nếu những lựa chọn này phù hợp với năng lực, sở trường của các em thì khả năng thành công sẽ cao hơn. Do đó, các em nên đưa ra những lựa chọn vừa sức mình. Nếu chưa đủ khả năng để vào ĐH, các em có thể lựa chọn theo học bậc CĐ, TC chuyên nghiệp”.

Chương trình tư vấn hướng nghiệp đặc biệt dành cho HS các huyện đảo trong cả nước do Báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) phối hợp thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup. Được phát trực tuyến trên nền tảng Zoom webinar, đồng thời được phát trực tiếp trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn), fanpage Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ và kênh YouTube báo Tuổi Trẻ.

Tham dự chương trình, nhiều thí sinh bày tỏ băn khoăn: “Làm thế nào để xác định được ngành nghề phù hợp?”. Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho hay, năm nay, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh vừa chính thức cho ra mắt chuyên trang "Hiểu về bạn": https://hieuveban.ueh.edu.vn/. Đây là công cụ trắc nghiệm tính cách, định hướng nghề nghiệp miễn phí dành cho các HS THPT toàn quốc với 2 phương pháp trắc nghiệm tính cách, đánh giá năng lực nghề nghiệp được các trường ĐH và chuyên gia hướng nghiệp hàng đầu trên thế giới sử dụng và khuyên dùng, gồm phương pháp Holland và MBTI. Trong đó, bộ câu hỏi đánh giá năng lực nghề nghiệp Holland giúp người trả lời tìm hiểu về đặc tính nghề nghiệp của mình qua sở thích tự nhiên (các hoạt động ưa thích hoặc tình huống mà mình thường/đã từng thực hiện). Từ đó xác định những nhóm ngành nghề có môi trường đem lại cảm giác thoải mái và thích hợp. Còn trắc nghiệm tính cách MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) là phương pháp áp dụng các câu hỏi trắc nghiệm để phân tích được tính cách con người, chỉ ra cách con người nhận thức thế giới xung quanh, đặc biệt nhấn mạnh vào sự khác biệt về mặt tự nhiên của từng người.

Nhiều SV bày tỏ nguyện vọng vào học tại các trường top đầu. Nếu thực hiện được bằng năng lực của bản thân thì rất tốt. Nhưng nếu không, các em vẫn có thể theo đuổi bằng khát vọng và sự nỗ lực của bản thân bằng cách đi lên từ trường học, bậc học thấp hơn. Chỉ cần có ước mơ khát vọng, các em sẽ tìm ra cách đạt được mục tiêu của mình.
Mỗi ngành, mỗi trường đều có những giá trị và tiêu chuẩn riêng. Song, giá trị đích thực nằm ở chính bản thân các em chứ phải ở ngành, ở trường em theo học. Vậy nên, trong quá trình học tập, các em hãy không ngừng nỗ lực tạo nên giá trị cho chính bản thân mình.
(TS. Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM)

 

Nỗ lực tạo nên giá trị bản thân

Em Lý Hoàng Anh, HS lớp 12, Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Côn Đảo) chia sẻ: “Em mong muốn được học tập tại Học viện Ngoại giao, để sau này làm việc ở Bộ Ngoại giao. Nhưng em nghe nói để vào làm việc tại đây phải trải qua kỳ thi tuyển công chức. Nếu không đậu kỳ thi này thì có thể làm gì với tấm bằng Học viện Ngoại giao?” Một thí sinh khác lại đặt vấn đề: “Liệu có xin được việc nếu không có người thân thích?”.

Giải đáp trăn trở này, các chuyên gia cho biết, cùng một ngành học, một trường ĐH nhưng sau khi ra trường, các em có thể làm việc tại nhiều vị trí, cơ quan, đơn vị. Đơn cử như tại Học viện Ngoại giao, hiện đang đào tạo 6 ngành. SV sau khi ra trường có thể làm việc tại các cơ quan hành chính công trong lĩnh vực đối ngoại, cũng có thể làm việc tại các công ty có hợp tác kinh doanh với nước ngoài… GS. TS Huỳnh Văn Sơn cho hay, hiện nay, nhiều cơ quan nhà nước tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển. Các kỳ thi này được tổ chức một cách công khai, khách quan, minh bạch. Có nơi còn tổ chức cho ứng viên trình bày đề án, đối thoại… Nếu như có năng lực, giỏi ngoại ngữ và các kỹ năng mềm thì kỳ thi tuyển này sẽ không phải là trở ngại đối với các em. Cùng quan điểm, TS. Phạm Tấn Hạ khẳng định, SV ra trường không sợ không có việc làm nếu như đủ năng lực, kiến thức, kỹ năng: “Các em muốn theo đuổi công việc gì thì phải có ước mơ và quyết tâm thực hiện chứ không phải chỉ cần có thân thế hay tiền bạc. Thế hệ của các em là thế hệ được minh bạch. Chứng minh được bằng năng lực, các em sẽ được tuyển dụng”. Còn theo TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Duy Tân, các thí sinh cần sớm có định hướng học gì, xác định mục tiêu sau này ra trường làm việc ở đâu. “Mỗi đơn vị, tổ chức sẽ tuyển dụng nhiều ngành dựa và vị trí việc làm và yêu cầu, kỹ năng cần thiết cho vị trí đó. Các em nên tìm hiểu, trang bị dần những kiến thức, kỹ năng cần có trước khi bước vào thị trường lao động”, TS. Hải nói.

HẢI BÌNH

.
.
.