Bệnh nhân hưởng lợi từ chuyển đổi số
Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá chuyển đổi số. Nhờ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng khám chữa bệnh và phục vụ nhân dân của các đơn vị y tế.
Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu khám bệnh cho người dân. |
Tích cực thực hiện chuyển đổi số
Hơn 1 năm nay, Bệnh viện Vũng Tàu triển khai ứng dụng đặt lịch khám trực tuyến qua ứng dụng “Bệnh viện Vũng Tàu” rất thuận tiện cho bệnh nhân. Ứng dụng này cho phép bệnh nhân đặt lịch khám, chủ động lựa chọn ngày, giờ khám phù hợp; tạo hồ sơ bệnh nhân; theo dõi hồ sơ khám chữa bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể thanh toán viện phí cho bệnh viện qua thẻ ATM. Việc thực hiện ứng dụng đặt lịch khám trực tuyến giúp người bệnh không phải chờ đợi, không cần lấy số khám bệnh. Đây cũng là giải pháp an toàn và phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp như hiện nay, hạn chế số lượng bệnh nhân tập đông tại các phòng khám bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu cho hay, ứng dụng đặt lịch khám online là một giải pháp đột phá của Bệnh viện Vũng Tàu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, giúp người dân thuận lợi hơn khi đến khám bệnh. Tại bệnh viện, bệnh nhân đã đặt lịch khám trực tuyến lên thẳng phòng khám gặp bác sĩ mà không phải xếp hàng chờ lấy số, đóng tiền. Điều đó sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Ông Đào Tuấn Việt (62 tuổi, 646/33, đường 30/4, TP.Vũng Tàu) bị bệnh huyết áp cao và thoái hóa đốt sống cổ. Trung bình mỗi tháng ông phải đến Bệnh viện Vũng Tàu khám và lấy thuốc về uống một lần. Trước đây, Bệnh viện Vũng Tàu chưa triển khai đặt lịch khám trực tuyến thì mỗi khi đi khám ông phải đến bệnh viện từ sớm để bốc số và phải chờ đợi đến lượt nên khá vất vả. “Hơn 1 năm nay, trước khi đi khám một ngày, tôi dành vài phút đăng ký lịch khám trực tuyến. Tôi chủ động chọn giờ khám để không phải chờ đợi lâu. Việc đăng ký khám bệnh trực tuyến cũng đơn giản, dễ dàng”, ông Việt cho hay.
Vài năm trở lại đây, Bệnh viện Bà Rịa tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân. Theo đó, bệnh viện đã triển khai phần mềm Quản lý bệnh viện. Ưu điểm của phần mềm này là người dân có thể đăng ký khám bệnh qua nhiều hình thức như: Đăng ký khám bệnh qua Tổng đài 19006888 và website của bệnh viện. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bà Rịa tư vấn và điều trị bệnh từ xa cho người dân; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Quân đội triển khai hệ thống thanh toán online qua thẻ khám bệnh thông minh, giúp bệnh nhân không phải thanh toán tiền mặt, giảm thời gian chờ đợi… Bác sĩ Lê Cao Thái, Trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bà Rịa) cho hay: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám, chữa bệnh góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân khi đến khám tại Bệnh viện Bà Rịa”.
Theo đánh giá của Sở Y tế, đến nay ngành đã đạt nhiều kết quả trong chuyển đổi số như: 100% các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn toàn tỉnh đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. Một số bệnh viện đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác với bệnh nhân và người dân. Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu đang xây dựng bệnh án điện tử, hệ thống PACS. Ngành y tế phối hợp với BHXH tỉnh đã triển khai kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh với cơ quan BHXH. Ngành đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa giữa Trung tâm Y tế Quân dân Y huyện Côn Đảo với Bệnh viện Bà Rịa và kết nối với các bệnh viện tuyến như Chợ Rẫy, Bệnh viện 175…khi cần thiết. Mặt khác, ngành chủ động tham gia chương trình kết nối 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa qua hệ thống Telehealth; đồng thời bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời.
Thực hiện bệnh án điện tử
Tiếp nối những thành công trên, từ nay đến năm 2030, ngành y tế sẽ ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh. Trong đó có triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ; phát triển cổng sức khỏe người dân, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình; phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho người dân trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế.
Ngoài ra, ngành còn tập trung thực hiện chuyển đổi số trong bệnh viện. Các bệnh viện triển khai hệ thống phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám, chữa bệnh; đồng bộ mã số định danh y tế; thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt. Các cơ sở khám chữa bệnh triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; thực hiện hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh.
Bác sĩ Lương Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Để đạt được những mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030, ngành y tế sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về đầu tư hạ tầng số; phát triển dữ liệu và nền tảng số, kinh tế số trong ngành y tế. Cùng với đó, ngành y tế tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn an ninh mạng và nâng cao nhận thức cho các cơ sở y tế về lợi ích của chuyển đổi số”.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM