.

Những gánh hàng đêm

Cập nhật: 17:15, 24/02/2022 (GMT+7)

Giữa chốn thành phố du lịch đông đúc, họ đã lấy đêm làm ngày, chắt chiu từng đồng tiền lẻ để nuôi sống bản thân, gia đình. Nhưng sự yêu đời, niềm tin về cuộc sống bình an vẫn luôn trong trẻo với những người tha hương như họ.

Bà Nguyễn Thị Quy với gánh tàu hũ nóng hơn 10 năm mưu sinh ở Vũng Tàu
Bà Nguyễn Thị Quy với gánh tàu hũ nóng hơn 10 năm mưu sinh ở Vũng Tàu

Lấy đêm làm ngày

Trời nhá nhem tối, ông Lê Minh Dinh (51 tuổi) đẩy chiếc xe cá viên chiên đi dọc con phố Hoàng Hoa Thám (TP. Vũng Tàu) rồi dừng lại ở một góc ngã ba Hoàng Hoa Thám - Xô Việt Nghệ Tĩnh. Tấp gọn xe vào lề đường, ông Dinh sửa sang lại mớ thực phẩm trưng bày trên xe nào là cá viên chiên, đậu hủ, chả cốm, surimi… và những trái dưa leo, đậu bắp, một ít tương ớt, tương cà. Bật cái bếp ga mini đang bắc sẵn chiếc chảo sâu lòng chứa 1/2 lượng dầu, ông Dinh đưa mớ thực phẩm đầu tiên vào chảo, đảo qua đảo lại rất nhanh tay.

Ông Dinh nói, cuộc sống ở Cần Thơ khó khăn nên ông đành chấp nhận xa vợ con đến Vũng Tàu mưu sinh. Không có nghề gì trong tay, ông sắm chiếc xe đi bán cá viên chiên. Cứ thế, hơn 10 năm qua cuộc mưu sinh của ông bắt đầu từ 4 giờ chiều ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. “Hàng ngày tui bán lai rai cho người dân địa phương. Tụi trẻ con đi học về khoái ăn mấy món này lắm. Tối đến, có thêm những vị khách đặc biệt là những cô những cậu đi làm ở mấy quán bar khi về đói bụng không muốn ăn cơm cũng làm vài xiên chả cá. Cuối tuần, khách du lịch đông, tui chạy tới chạy lui thì kiếm được nhiều hơn chút đỉnh”, ông Dinh nói.

Cầm tờ giấy tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 trên tay, ông Dinh kể, mấy tháng trời khi dịch COVID bắt đầu bùng phát ở Vũng Tàu, ông ở nhà nằm không, buồn chân, buồn tay. “Nhưng tui tin Vũng Tàu sẽ bình yên trở lại nên tôi đã cố gắng bám trụ lại nơi này để tiếp tục mưu sinh. Giờ tui đã được tiêm 3 mũi vắc xin cũng nhờ chính quyền địa phương nơi tôi cư ngụ”, ông Dinh cho biết.

4 giờ sáng, khi mọi người vẫn còn say trong giấc ngủ, ông Dinh sắp xếp đồ đạc, ngược chiếc xe trở về nhà trọ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Vóc dáng thấp bé của ông như hòa vào ánh đèn đường lòa nhòa trên phố.

21 giờ đêm, khách du lịch đã thưa thớt hơn so với ngày cuối tuần. Vẫn chiếc quang gánh, một đầu đựng thùng tàu hủ, một đầu để bếp than và nồi đường vàng trân châu, bà Nguyễn Thị Quy (60 tuổi) ngồi ở góc vỉa hè quen thuộc trên đường La Văn Cầu (phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu). Vừa nhanh tay múc những chén đậu hũ nóng hổi cho khách, bà Quy kể, hơn 10 năm trước bà từ Bình Định vào Vũng Tàu mưu sinh bằng nghề nấu đậu hũ bán cho khách du lịch. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà vẫn thức khuya để đón khách. Buổi chiều khách du lịch tắm biển lên thường sà vào những quán đậu hủ nóng, làm một chén cho đỡ đói. Buổi tối, sau những bữa ăn hải sản no nê, du khách cũng thường ghé chỗ bà Quy làm một chén đậu hũ trân châu đường vàng kèm theo vài lát gừng cho ấm bụng. Ngày thường bà Quy bán đến 11, 12 giờ đêm thì về. Nhưng những ngày lễ, Tết, cuối tuần bà bán đến 1, 2 giờ sáng.

“Có nhiều hôm không kịp chợp mắt, quãy gánh về nhà lại chuẩn bị tiếp những nồi đậu hũ khác để bán cho ngày sau. Khi có khách tranh thủ làm, mệt một chút nhưng cả ngày chăm chỉ cũng kiếm được 300-400 ngàn đồng tiền lãi. Ngày hơn bù ngày kém vì có những ngày ế ẩm không đủ tiền cơm ngày 3 bữa. Trong khi đó, cuộc sống phải đủ thứ chi tiêu: tiền thuê nhà trọ, tiền điện, tiền nước, tiền ăn uống, thuốc men… và cả tiền chu cấp cho cô con gái đang học năm 3 trường cao đẳng ở Sài Gòn. Tôi chẳng ngại vất vả, chỉ mong con học hành thành đạt, mai này có cuộc sống tốt hơn”, bà Quy nói.

 

Mong bình an đến

Đã khuya, khách không còn qua lại nhiều nhưng bà Quy và những người bán đậu hũ nóng chung quanh vẫn kiên trì ngồi đợi thêm chút nữa. Vì mỗi chén đậu mà khách ăn chỉ 10 -15 ngàn đồng nhưng với bà lãi 2-3 ngàn đồng mỗi chén cũng là một phần cuộc sống. “Tôi chẳng mong gì hơn, chỉ mong mạnh khỏe, bình an. Dịch bệnh đỡ chút để khách du lịch đến Vũng Tàu đông hơn thì những người làm công việc buôn thúng bán bưng như chúng tôi có đồng ra đồng vào, để lo cho con cái”, ánh mắt bà Quy hiện rõ niềm vui sau lớp khẩu trang.

Cũng có hoàn cảnh tương tự như bà Quy nhưng bà Phan Thị Tùng, 65 tuổi (quê ở Nghệ An) lại chất trên đôi quang gánh của mình đủ thứ vật phẩm linh tinh, từ cóc, ổi, kẹo, bánh và một ít hột vịt lộn để bán ở một góc hẻm trên đường Võ Thị Sáu gần khu nhà trọ bà ở. Theo bà Tùng, do bán trong hẻm nhỏ nên khách không đông như ở các điểm du lịch nhưng với bà mỗi tối lai rai 10-15 khách, người qua làm xị rượu đế, vài hột vịt lộn; người ăn ít cóc ổi… cũng đủ tiền cho bà sống qua ngày. “Chỉ mong bình yên, mong dịch bệnh nhanh qua để những đứa con của tôi ở Sài Gòn có dịp về đoàn tụ với tôi ở cái nhà trọ bé nhỏ này”, bà Tùng nói.

Đi dọc biển Bãi Trước, rất nhiều người vẫn tất tả mưu sinh bằng những công việc chính đáng lúc đêm xuống. Chị My là một trong những số đó. Ban ngày chị đi làm rửa chén cho một quán ăn. Ban đêm chị chạy chiếc xe đạp, gắn thùng đá bán đủ thứ xoài, cóc, ổi, nước giải khát và cả những gói snack, singum… 40 tuổi, từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu kiếm tiền nuôi con một mình nên chị ngại cả những lời hỏi han, bắt chuyện của những người xa lạ. Chị mải miết bán buôn rồi về nhà trọ trước khi bước sang ngày khác.

Dù nắng hay mưa thì những gánh hàng đêm chở bao số phận của người dân tha phương như chị My, bà Quy, ông Dinh… vẫn đi về trên ngõ phố thị thành này, với hy vọng cuộc sống sẽ đỡ vất vả và khấm khá hơn.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.