.

Đề xuất mức "sàn" học phí công lập

Cập nhật: 19:36, 23/02/2022 (GMT+7)

UBND tỉnh đang khảo sát ý kiến của phụ huynh về dự thảo mức thu học phí năm học 2022-2023. Theo dự thảo này, mức thu học phí với HS mầm non (MN) và phổ thông công lập trong năm học tới sẽ tăng từ 2-5 lần mức thu hiện hành. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Phóng viên: Theo kế hoạch, năm học 2022-2023, mức học phí trên địa bàn tỉnh sẽ được điều chỉnh, cụ thể ra sao, thưa bà?

- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Dự kiến, năm học 2022-2023, mức thu học phí của tất cả các cấp học sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, với bậc học MN, mức thu học phí ở khu vực nông thôn tăng từ 75 ngàn đồng với nhà trẻ, 30 ngàn đồng với mẫu giáo 1 buổi, 45 ngàn đồng với mẫu giáo 2 buổi bán trú lên mức 100 ngàn đồng/tháng. Khu vực thành thị, mức thu tăng từ 120 ngàn đồng với lớp nhà trẻ, 60 ngàn đồng với mẫu giáo 1 buổi và 105 ngàn đồng với mẫu giáo 2 buổi lên 300 ngàn đồng/tháng.

Với bậc TH, trước đây không quy định mức thu học phí nhưng năm học tới mức thu là 100 ngàn đồng với khu vực nông thôn và 300 ngàn đồng/tháng với khu vực thành thị. Còn bậc THCS, học phí tăng từ 45 ngàn đồng lên 100 ngàn đồng với khu vực nông thôn và từ 60-75 ngàn đồng lên 300 ngàn đồng/tháng với khu vực thành thị. Bậc THPT, mức thu tăng từ 60-70 ngàn đồng với khu vực nông thôn lên 200 ngàn đồng và từ 90-100 ngàn đồng khu vực thành thị lên 300 ngàn đồng/tháng.

Học phí bậc THPT năm học 2022-2023 có thể tăng từ 90 ngàn đồng lên 300 ngàn đồng/tháng với khu vực thành thị. Trong ảnh: HS Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học.
Học phí bậc THPT năm học 2022-2023 có thể tăng từ 90 ngàn đồng lên 300 ngàn đồng/tháng với khu vực thành thị. Trong ảnh: HS Trường THPT Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học.

Vì sao có sự thay đổi lớn như vậy, thưa bà?

- Từ năm 2017 đến nay, mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về quy định mức học phí năm học 2017-2018 đến năm học 2020-2021 tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và bổ sung đối tượng miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, mức thu từ năm học 2017-2018 được giữ ổn định đến năm học 2020-2021.

Tuy nhiên, năm học 2022-2023 tới đây, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục MN, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh phải xây dựng lại theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về ban hành quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Nghị định này đã đưa ra khung học phí để HĐND cấp tỉnh làm căn cứ quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục MN, giáo dục phổ thông công lập thuộc thẩm quyền và quyết định việc sắp xếp, phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí. Theo khung học phí mà Nghị định đưa ra thì ở khu vực nông thôn, mức học phí “sàn” của bậc MN, TH, THCS là 100 ngàn đồng/tháng và 200 ngàn đồng với THPT; mức “trần” là 220 ngàn đồng với MN, TH, 270 ngàn đồng với THCS và 330 ngàn đồng với THPT. Khu vực thành thị, mức “sàn” là 300 ngàn đồng với MN, TH, THCS, THPT; mức “trần” là 540 ngàn đồng với MN, TH và 650 ngàn đồng với THCS, THPT.

Như vậy, dự thảo mức thu học phí năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh được xây dựng bằng mức sàn (mức thấp nhất) theo khung học phí mà Nghị định 81/2021/NĐ-CP đưa ra.

HS lớp 5-6 tuổi Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu).
HS lớp 5-6 tuổi Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu).

Tỉnh đang miễn học phí cho HS TH, nhưng Nghị định 81/2021/NĐ-CP cũng như Dự thảo mức thu học phí năm học 2022-2023 của tỉnh có quy định mức học phí cho bậc học này. Như vậy, chính sách miễn học phí này có còn hiệu lực với HS TH vào năm học tới hay không?

- Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, khung học phí đối với giáo dục TH công lập được quy định dùng làm căn cứ để HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho HS TH tư thục ở các địa bàn chưa đủ trường TH công lập và các đối tượng HS TH tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định.

Như vậy, theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, tỉnh vẫn xây dựng mức học phí nhưng HS TH công lập trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung không phải đóng học phí.

Dù đã áp dụng mức sàn nhưng theo dự thảo này, học phí năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh vẫn tăng từ 2-5 lần so với mức hiện hành. Vậy tỉnh có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ học phí, phần nào giảm nhẹ gánh nặng cho phụ huynh, HS hay không, thưa bà?

- Nghị định 81/2021/NĐ-CP cũng quy định nhiều đối tượng được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Đối tượng là HS khuyết tật, mồ côi, sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách… Nghị định này cũng đặt ra lộ trình miễn học phí cho trẻ em MN 5 tuổi và HS THCS công lập theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Theo đó, trẻ em MN 5 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP được miễn học phí từ năm học 2024-2025 (được hưởng từ ngày 1/9/2024). HS THCS không thuộc đối tượng quy định tại khoản 8 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP được miễn học phí từ năm học 2025-2026.

Riêng tại tỉnh BR-VT, tỉnh sẽ ban hành những chương trình, chính sách riêng để chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên. Trong đó, chú trọng tới thúc đẩy phát triển giáo dục và đặc biệt là quan tâm tới việc hỗ trợ học phí cho HS trên địa bàn. Hiện nay, Sở GD-ĐT đã đang xây dựng chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ MN 5 tuổi, HS THCS. Dự kiến chính sách riêng này của tỉnh sẽ triển khai trước khi lộ trình chung của cả nước được thực hiện.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

KHÁNH CHI
(Thực hiện)

 
.
.
.