Mái ấm của những người già neo đơn

Thứ Năm, 17/02/2022, 16:41 [GMT+7]
In bài này
.

Chùa Tổ đình Hộ Pháp (khu phố Vạn Hạnh, phường Phú Mỹ) là nơi nuôi dưỡng 250 cụ già (từ 70 - 95 tuổi) neo đơn. Ở đây, các cụ được chăm sóc như người thân trong gia đình, an vui sống những năm tháng cuối đời.

Các cụ già quây quần dùng bữa trưa với nhau, sống an yên, vui vẻ.
Các cụ già quây quần dùng bữa trưa với nhau, sống an yên, vui vẻ.

Một ngày của các cụ bắt đầu từ hơn 5 giờ sáng. Những cụ khỏe mạnh chia nhau quét dọn khuôn viên chùa, lau dọn nơi ở hoặc phụ giúp nhà bếp chuẩn bị bữa sáng. Những cụ yếu hơn sẽ được các cô nuôi hỗ trợ vệ sinh cá nhân, đẩy xe lăn đưa ra ngoài hít thở khí trời. Mỗi ngày, các cụ được phục vụ 3 bữa ăn đầy đủ dưỡng chất; nghe kinh, nghe giảng về Phật pháp, tu tập theo thời khóa. Ăn, ngủ, sinh hoạt điều độ nên các cụ đều hoạt bát, vui vẻ.

Có mặt và cùng các cụ dùng bữa trưa, các món chay nhưng khá phong phú, gồm: cơm, xôi, bánh nếp, rau bắp cải, đậu que luộc, chả cá (chay), canh cà chua, nước nha đam đường phèn tráng miệng... Thực đơn được bếp lên hàng ngày. Bữa sáng, các cụ được đổi món với phở, bún, mỳ, nui; bữa trưa và chiều là cơm, với thực đơn đủ các loại rau củ chế biến xào hoặc luộc mềm, dễ tiêu.

Các cụ khỏe mạnh phụ giúp nhà bếp chuẩn bị bữa ăn.
Các cụ khỏe mạnh phụ giúp nhà bếp chuẩn bị bữa ăn.

Nhìn cụ Lê Thị Liễu, không ai nghĩ cụ đã 79 tuổi. Cụ đi lại nhanh nhẹn, ánh mắt sáng, nói chuyện minh mẫn và tích cực tham gia quét dọn sân chùa, phụ nhặt rau, rửa chén. “Quê tôi ở Hà Nội nhưng tôi hữu duyên với ngôi chùa Hộ Pháp này nên vào chùa được 8 năm. Trước đây, sức khỏe tôi kém lắm, mỗi lần đứng lên ngồi xuống còn khó khăn vì căn bệnh đau khớp, huyết áp thấp, nhưng sau vài năm vào chùa, được chăm sóc, tôi đã khỏe hơn vì sống ở đây vui vẻ, an lạc. Hằng ngày, tôi phụ các cô trong bếp nhặt rau, rửa chén, chăm sóc các cụ yếu hơn”, cụ Lê Thị Liễu chia sẻ.

Cụ Nguyễn Thị Tuyết, gần 70 tuổi, sống tại chùa được 3 năm, cho biết: “Từ khi vào chùa, được ăn uống, sinh hoạt điều độ, tôi đã khỏe mạnh hơn, tự chăm sóc bản thân và còn phụ chăm sóc những người khác. Tôi rất thích cuộc sống ở đây”.

Khu vực sinh hoạt của các cụ nằm phía sau chánh điện, sạch sẽ, thoáng mát. Những cụ sức khỏe yếu được chăm sóc riêng, những cụ không thể đi lại bình thường được các cô nuôi chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ.

Cô Liên Tuệ, phụ trách nhóm cô nuôi chăm sóc các cụ bệnh nặng cho hay, nhóm có 5 người, giúp chăm sóc hơn 40 cụ bệnh nặng. Các cô đảm nhận mọi khâu chăm sóc các cụ từ ăn uống, tắm giặt đến vệ sinh cá nhân. “Chúng tôi coi nhau như đại gia đình, hiểu tính nết từng người. Chúng tôi luôn gần gũi, trò chuyện với các cụ và chăm sóc như người  thân nên các cụ luôn sống vui vẻ, không cảm thấy cô đơn”, cô Liên Tuệ tâm sự.

Cụ Nguyễn Thị Mai (còn gọi là cụ Mười, 92 tuổi) là một người già neo đơn, không gia đình, không con cái, người thân. Khi còn sức, cụ sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Gần 6 năm trước, cụ được đưa vào chùa Hộ Pháp. “Lúc còn đi lại được, cụ vẫn tự giặt đồ, dọn phòng, phụ xếp quần áo. 3 năm nay, cụ không đi lại được, chúng tôi chia nhau chăm sóc và trò chuyện với cụ”, cô Liên Tuệ cho hay.

3 năm nằm một chỗ, nhưng trên người cụ Mai không một vết loét, giường nằm sạch sẽ vì chăn chiếu được giặt giũ thường xuyên. Cụ luôn cười vui vẻ khi có người hỏi thăm và cho biết, cụ rất an tâm khi được sống những ngày cuối đời tại ngôi chùa này.

Chùa Tổ đình Hộ Pháp bắt đầu nhận các cụ già hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa vào chùa niệm Phật, hướng dẫn các cụ cuộc sống vui vẻ từ năm 2014 đến nay. Chăm sóc một người già đã khó, để chăm lo cho 250 cụ cùng lúc không phải là điều dễ dàng gì. Với bữa ăn, nhà bếp phải thay đổi thực đơn thường xuyên. Các món ăn thì nấu nhừ, dễ tiêu. Những cô nuôi luôn túc trực, quan tâm, động viên để sức khỏe và tinh thần của các cụ luôn tốt. Khi cụ nào qua đời, nhà chùa lo ma chay chu đáo.

Thầy Thích Nhuận Ân (Ban Quản lý Chùa Tổ đình Hộ Pháp) cho biết, nhà chùa luôn rộng cửa đón nhận người già neo đơn. Bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ, chùa Hộ Pháp còn tổ chức văn nghệ, diễn hài, múa lân vào dịp lễ, tết; tổ chức mừng thọ các cụ trên 70 tuổi vào ngày 20 tháng Giêng.

Ngoài ra, 2 tháng 1 lần, chùa tổ chức chương trình Người khiếm thị, với sự tham gia của hơn 2.000 người khiếm thị các địa phương (tặng quà, kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ người khiếm thị); tặng 70 tấn gạo, rau xanh cho người khó khăn, người ở trọ vào dịp Tết Nguyên đán...

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.