Nâng cao năng lực của hệ thống y tế; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy vai trò của y tế cơ sở.
Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tuyến xã đảm nhiệm nhiều công việc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 1 trường hợp F0 sau điều trị tại Trạm y tế TT.Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: THANH HỒNG |
Thực tế công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã cho thấy: y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng. Do đó, cần nhanh chóng tăng cường, nâng chất hoạt động của hệ thống này để có thể “chung sống” lâu dài với dịch COVID-19.
Y tế cơ sở quá tải
Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, y tế cơ sở tham gia tích cực trong các hoạt động giám sát, điều tra, truy vết, xử lý dịch; tiêm vắc xin COVID-19; quản lý, theo dõi, chăm sóc người cách ly y tế, bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại nhà, cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị COVID-19; lấy mẫu xét nghiệm… Ngoài các trạm y tế (TYT) cố định, trên địa bàn tỉnh còn có 84 trạm y tế lưu động (TYTLĐ) được thành lập nhằm chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà; trong đó, 82 TYTLĐ bố trí tại 82 xã, phường, 1 TYTLĐ tại huyện Côn Đảo, 1 TYTLĐ tại dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn.
Theo đánh giá của Sở Y tế, khối lượng công việc nhiều như vậy khiến mạng lưới y tế cơ sở trở nên quá tải. Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu khi dịch bùng phát, đặc biệt là nhân lực, phải điều động nguồn nhân lực từ ngoài tỉnh, trưng dụng từ nhiều nguồn trong xã hội để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch.
Hiện nay, toàn tỉnh còn 53/82 TYT tuyến xã thiếu bác sĩ. Nguyên nhân là do quy định về trần biên chế tại các TYT còn thấp (tối thiểu 5 người, tối đa 10 người), gây thiếu hụt nhân lực ở các TYT, nhất là ở các xã, phường có dân số cao. Trong khi đó, nhiều TYT phải cắt giảm nhân viên hợp đồng, tinh giản biên chế. Do vậy, cán bộ, nhân viên y tế phải kiêm nhiệm, đảm nhận nhiều công việc.
Bác sĩ Dương Văn Muôn, Giám đốc TTYT huyện Long Điền chia sẻ: “Nguồn nhân lực y tế của đơn vị quá mỏng nên khi gặp trường hợp dịch diễn biến nhanh, phức tạp như vừa qua tạo áp lực lớn lên đội ngũ nhân viên y tế làm nhiệm vụ”.
Mặt khác, hiện chưa có cơ chế, nguồn lực để thực hiện việc khám sàng lọc, phát hiện bệnh tật, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Bởi theo quy định hiện nay, BHYT chỉ thanh toán chi phí cho các dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB), chưa có cơ chế thanh toán cho các hoạt động khám sàng lọc này.
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ tham dự xét tuyển về các tuyến y tế cơ sở rất khó khăn. Nguyên nhân một phần ở cơ chế thị trường, thu hút bác sĩ ở các tuyến y tế cơ sở về nơi có điều kiện làm việc và thu nhập cao hơn. Bác sĩ trẻ, mới ra trường thì có tâm lý không muốn làm việc ở TYT vì ít có cơ hội trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ so với làm việc tại các bệnh viện. Trong khi đó, chính sách ưu đãi chưa thỏa đáng, chưa đủ hấp dẫn để thu hút cán bộ y tế về làm việc ở tuyến cơ sở đã ảnh hưởng đến nguồn thu nhập và tâm lý của đội ngũ này.
BÀ NGUYỄN THỊ YẾN, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH
Ưu đãi học phí cho sinh viên ngành y
Đại dịch COVID-19 cho thấy lực lượng y tế, nhất là y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Để bảo đảm nhân lực bổ sung cho ngành y tế, Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế chính sách ưu đãi cho sinh viên y khoa về học phí giống như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho sinh viên ngành sư phạm để thu hút sinh viên theo học ngành y nhiều hơn, nhằm tạo nguồn tuyển dồi dào hơn cho ngành y tế.
|
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, để nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, ngành y tế tập trung vào 10 giải pháp trọng tâm. Trong đó, bên cạnh việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở về cơ sở vật chất thì cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở. Bảo đảm 100% TYT triển khai KCB phải có bác sĩ làm việc thường xuyên ít nhất 2 buổi/tuần; thường xuyên luân phiên bác sĩ từ TTYT làm việc để nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến xã.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần luân phiên, luân chuyển người hành nghề giữa các TTYT huyện và giữa các cơ sở y tế tuyến tỉnh với TTYT và ngược lại để người được luân chuyển vừa được trao đổi, học hỏi, vừa truyền đạt kinh nghiệm cả về chuyên môn và kỹ năng quản lý. Bảo đảm viên chức làm việc tại TYT được đào tạo về nguyên lý y học gia đình; chăm sóc sức khỏe ban đầu; KCB thường gặp; hiểu, biết và thực hiện tốt công tác quản lý sức khỏe cá nhân.
Về cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở, thực hiện phương thức thanh toán BHYT theo định suất, hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Ưu tiên phân bổ ngân sách, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.
Đến năm 2025, 100% số TYT xã có đủ điều kiện KCB BHYT và thực hiện đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe, chất lượng bệnh viện tuyến huyện đạt mức 3 trở lên. 100% xã, phường, thị trấn triển khai TYT lưu động đáp ứng với các tình huống, mức độ dịch bệnh xảy ra trên địa bàn xã, phường, thị trấn… |
Ngành y tế cũng đề xuất tỉnh, trung ương bổ sung chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng như hỗ trợ đào tạo, chế độ thu hút bác sĩ, dược sĩ, hỗ trợ hằng tháng và bổ sung biên chế cho các TYT; chế độ hỗ trợ cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời đề xuất tỉnh, trong bố trí ngân sách sự nghiệp y tế thì phần giảm chi thường xuyên cho cơ sở KCB do tính tiền lương vào giá, được sử dụng mua và hỗ trợ thẻ BHYT cho các đối tượng theo quy định của Luật BHYT, tạo nguồn cải cách tiền lương, tăng chi cho y tế dự phòng, y tế cơ sở…
MINH THIÊN