ĐỀ ÁN SỮA HỌC ĐƯỜNG

Tạo nền tảng cho trẻ phát triển toàn diện

Thứ Ba, 08/02/2022, 18:44 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức tổng kết Đề án “Sữa học đường cho trẻ trong các cơ sở giáo dục MN, trẻ dưới 6 tuổi tại các trung tâm bảo trợ xã hội và trẻ từ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng”, giai đoạn 2017-2021 nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện Đề án và phương hướng triển khai trong giai đoạn tới.

Trẻ em uống sữa học đường tại các cơ sở giáo dục MN.
Trẻ em uống sữa học đường tại các cơ sở giáo dục MN.

331 ngàn lượt trẻ em được thụ hưởng

Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng MN-TH (Sở GD-ĐT) cho hay, Đề án Sữa học đường giai đoạn 2017-2021 được UBND tỉnh giao cho Sở GD-ĐT là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Mục tiêu của Đề án là cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, trí tuệ cho trẻ MN, trẻ dưới 6 tuổi tại các trung tâm bảo trợ xã hội và trẻ từ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hàng ngày.

Giai đoạn 2017-2021, Đề án sữa học đường của tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong 5 năm, toàn tỉnh có hơn 331 ngàn lượt trẻ em được thụ hưởng Đề án Sữa học đường. Các trẻ được uống sữa đều tăng cân, phát triển chiều cao, có sự chuyển biến rõ rệt về thể chất, trí tuệ. Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ còn hơn 1% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi. Có tới 90,89% HS MN, trẻ dưới 6 tuổi trong các Trung tâm bảo trợ xã hội, trẻ ở các cơ sở tôn giáo phát triển thể lực đạt yêu cầu so với lứa tuổi, không có HS thiểu năng trí tuệ do ăn uống thiếu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, 80% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học được tham gia các lớp tập huấn, có kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong trường học. Đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên nhiệt tình, tích cực trong công tác tuyên truyền Đề án thông qua hoạt động làm đồ dùng, đồ chơi từ vỏ hộp sữa. Đặc biệt, 100% các cơ sở GDMN, các trung tâm bảo trợ xã hội không để xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm; 100% trường mầm non, trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở tôn giáo, trạm y tế thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi, giám sát và tổ chức tốt cho trẻ uống sữa…

Riêng với đối tượng thụ hưởng là trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội, bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết thêm, giai đoạn 2017-2021, có 781 lượt trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội đã được hỗ trợ sữa hàng tháng với mức 30 hộp/tháng, thời gian uống 12 tháng/năm. Trong đó, năm 2017 có 261 trẻ, năm 2018 có 201 trẻ, năm 2019 có 114 trẻ, năm 2020 có 105 trẻ và năm 2021 có 100 trẻ em. Theo bà Trúc My, qua 5 năm thực hiện Chương trình, Sở LĐTBXH nhận thấy tình trạng thể chất của các em tại các cơ sở bảo trợ xã hội có chuyển biến tích cực, cải thiện tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, chiều cao và tăng cường sức đề kháng cho trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ thuộc đối tượng thụ hưởng từ Chương trình sữa học đường. Các em được quan tâm chăm sóc bảo đảm về dinh dưỡng để các em có cơ hội phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Trong các cơ sở trợ giúp xã hội không có trẻ bị suy dinh dưỡng. “Đề án sữa học đường giai đoạn 2017-2021 không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ em mà còn giúp giảm bớt các gánh nặng về tài chính đối với gia đình và xã hội, đem lại cho trẻ sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn dinh dưỡng tốt nhất và giúp trẻ em được hưởng đầy đủ, trọn vẹn các quyền lợi được nêu trong Luật trẻ em”, bà Đinh Thị Trúc My nhấn mạnh.

Còn nhiều tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Đề án Sữa học đường cũng thảng thắn nhìn nhận những vấn đề tồn tại trong giai đoạn này. Bà Hà Thị Thanh Thuận cho hay, tổng số các cơ sở giáo dục MN thụ hưởng Đề án rất lớn và số trẻ ra lớp thường xuyên biến động dẫn đến số lượng sữa tồn lớn. Để giải quyết tình trạng này, hằng tháng, Sở GD-ĐT đã có đề nghị Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk trừ số lượng sữa tồn khi cấp sữa cho các cơ sở giáo dục MN. Tại các trạm y tế, cán bộ phụ trách từ huyện đến xã, phường thường xuyên thay đổi không ổn định, kiêm nhiệm, nên công tác tư vấn trong cộng đồng cũng như đánh giá tình trạng dinh dưỡng chưa đạt được kết quả mong đợi. Hiện nay, tỉnh cũng chưa có kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động như: quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, văn phòng phẩm… gây ảnh hưởng không nhỏ việc triển khai Đề án. 

Một vấn đề được đặt ra là tỷ lệ trẻ thừa cân ngày càng tăng so với mục tiêu đưa ra. Tỷ lệ trẻ béo phì tại các trung tâm bảo trợ xã hội là 3% (tăng 3% so với đầu giai đoạn); tỷ lệ trẻ béo phì trong các cơ sở giáo dục MN là 6,92% (tăng 0,3% so với đầu giai đoạn). Đơn cử, tại TP. Bà Rịa, bà Nguyễn Thị Ánh Vân, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Bà Rịa cho hay, tỷ lệ trẻ dư cân béo phì trong các cơ sở giáo dục MN hằng năm có giảm nhưng không đáng kể, thậm chí còn tăng so với năm 2016 (tỷ lệ 7,3%, tăng 0,1% so với cuối giai đoạn 2016). Đối với trẻ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng có giảm song không đáng kể. Nguyên nhân của tồn tại trên là do chế độ ăn trong các cơ sở giáo dục MN đã đầy đủ dưỡng chất đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Ngoài ra, trẻ còn được cha mẹ bổ sung thêm sữa và các thực phẩm chế biến từ sữa tại nhà. Đối với những trẻ suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng, hầu hết các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba mẹ không có điều kiện để bổ sung đầy đủ các nguồn thực phẩm dinh dưỡng khác, nên mặc dù hàng tháng đều được thụ hưởng sữa học đường nhưng vấn đề về suy dinh dưỡng vẫn không giảm đáng kể.

Từ thực trạng nêu trên, Sở GD-ĐT đã đề xuất thu hẹp đối tượng thụ hưởng Đề án Sữa học đường giai đoạn 2022-2026. Bà Hà Thị Thanh Thuận cho biết, tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án sữa học đường từ năm 2006 đến nay, trải qua 3 giai đoạn. Năm 2021 là năm cuối cùng của giai đoạn 2017. Để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh trong giai đoạn tới, Sở GD-ĐT đã có công văn tổng hợp ý kiến các sở, ngành, UBND, phòng GD-ĐT các huyện, thành phố, thị xã và đối tượng chịu sự tác động để lấy ý kiến việc thực hiện Đề án sữa học đường cho giai đoạn 2022-2026. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT đề nghị ngưng cho trẻ trong các cơ sở GDMN uống sữa học đường. Đối tượng thụ hưởng Đề án sữa học đường giai đoạn 2022-2026 chỉ còn trẻ em dưới 6 tuổi tại các trung tâm bảo trợ xã hội và trẻ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng. Đồng thời, giao Sở Y tế chủ trì, tham mưu thực hiện Đề án Sữa học đường giai đoạn này.

HẢI BÌNH

Giai đoạn 2017-2021, Đề án Sữa học đường của tỉnh được thực hiện với tổng kinh phí hơn 236 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua sữa từ ngân sách nhà nước là hơn 111 tỷ đồng; số còn lại do phụ huynh đóng góp và từ nguồn xã hội hóa của chương trình.

 

 

;
.