BẢO VỆ TRẺ EM TRƯỚC NGUY CƠ XÂM HẠI

Cha mẹ chủ động vào cuộc

Thứ Ba, 15/02/2022, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Quan tâm giáo dục kỹ năng sống, kiến thức cơ bản về giới tính, thông tin pháp luật về chống xâm hại trẻ em là việc làm thường xuyên của nhiều phụ huynh vùng đồng bào dân tộc Châu Ro trên địa bàn huyện Châu Đức. Nhờ đó, các em hình thành ý thức bảo vệ bản thân trước nguy cơ xâm hại từ bên ngoài.

Chị Dương Thị Thu Trang thường xuyên chia sẻ với con gái về cách phòng, tránh xâm hại tình dục.
Chị Dương Thị Thu Trang thường xuyên chia sẻ với con gái về cách phòng, tránh xâm hại tình dục.

Dù bận việc nương rẫy nhưng chị Đào Thị Long (thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh) vẫn sắp xếp thời gian theo sát chuyện học hành của 2 người con. Chị Long cho biết, Thùy Anh học lớp 10, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Con gái đang độ tuổi dậy thì nên bên cạnh việc cùng con làm bài tập khó, chị còn quan tâm, giáo dục con về kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân như: không đi chơi hay ở một mình nơi vắng vẻ, lúc đêm tối; khi có kẻ xâm hại phải biết la lớn, bỏ chạy, mạnh dạn tố cáo.

Ngoài ra, các câu chuyện khó nói của tuổi mới lớn cũng được chị khéo léo chia sẻ nhằm trang bị thêm kiến thức cho con, giúp con tự tin và biết cách xử lý khi gặp tình huống xảy ra trong thực tế. Chị hướng dẫn con mở Youtube xem, tìm hiểu cách chăm sóc, bảo vệ bản thân, sự khác biệt của con trai và con gái. Thậm chí, chị còn mạnh dạn chia sẻ cả những câu chuyện thầm kín về giáo dục giới tính. Chị cũng chia sẻ với con về những kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em được cung cấp tại các cuộc họp do Hội LHPN xã hoặc tổ dân cư tổ chức.

Chị Long cho biết, trước đây, bài học dạy con về giới tính, về chăm sóc, bảo vệ bản thân ít được chị cũng như các bà mẹ người Châu Ro đề cập đến, phần vì ngại ngùng và phần vì bận rộn chuyện làm ăn. Thế nhưng, hiện nay, tư duy nhiều người đã thay đổi và dành thời gian quan tâm con hơn. 

Chị Đào Thị Long đồng hành cùng con trong học tập.
Chị Đào Thị Long đồng hành cùng con trong học tập.

“Sau khi biết được nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên cả nước, nguyên nhân một phần do các con thiếu kiến thức tự bảo vệ bản thân, tôi đã chủ động trang bị cho con kiến thức phòng tránh để yên tâm hơn khi đi làm”, chị Long nói.

Ý thức được những bài học bổ ích cha mẹ chỉ dạy, Thùy Anh bộc bạch: “Ba mẹ vắng nhà, có người lạ tới, em không mở cửa mà ở trong nhà nghe ngóng tình hình. Trường hợp có hành vi đập cửa hoặc nhận ra nguy hiểm, em sẽ la lớn tìm sự hỗ trợ của những người xung quanh”.

Cũng có con gái đang tuổi dậy thì, nhà lại ở gần đường giao thông chính của xã Đá Bạc, chị Dương Thị Thu Trang (thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc) tranh thủ mọi lúc, mọi nơi chỉ dạy cho con tránh nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng, không vào trang web có nội dung xấu; những điều nên tránh để con tự bảo vệ bản thân một cách tốt nhất. Đồng thời, chị luôn quan tâm, chăm sóc con trong cuộc sống hằng ngày.

Theo UBND huyện Châu Đức, năm 2021, tại địa phương xảy ra 12 vụ xâm hại trẻ em (lứa tuổi từ 12 đến dưới 16 tuổi, dẫn đến 5 em có con), gây ảnh hưởng học tập, cuộc sống và tương lai của các em; 2 vụ bạo lực, đánh đập trẻ em được phát hiện kịp thời, trong đó không có vụ xâm hại nào rơi vào trẻ em vùng đồng bào dân tộc. 

“Các con chưa gặp trường hợp nguy hiểm nên thường chủ quan, lơ là. Vì vậy tôi thường nêu ví dụ điển hình về trường hợp đã xảy ra và trang bị kỹ năng mềm cho con làm sao khi gặp phải tình huống phát sinh trên thực tế để biết cách xử lý phù hợp”, chị Trang nói. 

Theo ông Phạm Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, để nâng cao nhận thức pháp luật, chung tay bảo vệ trẻ, chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan, ban, ngành thực hiện tuyên truyền lồng ghép trong hội nghị, cuộc họp giao ban, trường học, khu phố, tổ đoàn kết dân cư… về số điện thoại Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; viết và chia sẻ hơn về phòng, chống tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

“Thời gian tới, huyện Châu Đức tiếp tục phổ biến, tuyên truyền Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tăng cường phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ; giáo dục, vận động gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ em thay đổi hành vi, đồng thời trang bị kỹ năng về bảo vệ trẻ em; ưu tiên chính sách trợ giúp nhóm trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số”, ông Phạm Văn Quyền thông tin.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
;
.