.

Dạy trẻ kỹ năng sống và phòng vệ: Nhu cầu cấp thiết

Cập nhật: 17:02, 14/01/2022 (GMT+7)

Những số liệu báo cáo của các cơ quan chức năng trong 2 năm qua và gần đây là vụ bạo hành của “mẹ kế tương lai” dẫn đến bé gái 8 tuổi tử vong thương tâm ở TP. Hồ Chí Minh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em ở nước ta. Vì thế, dạy trẻ kỹ năng sống và phòng vệ trở nên vô cùng cấp thiết, nhất là trong tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng.

 Một buổi tuyên truyền phòng chống XHTD trẻ em cho học sinh của Công an TP. Vũng Tàu. Ảnh: AN BÌNH
Một buổi tuyên truyền phòng chống XHTD trẻ em cho học sinh của Công an TP. Vũng Tàu. Ảnh: AN BÌNH

Hồi chuông dài cảnh báo

Những ngày đầu năm 2022, bên cạnh việc lên mục tiêu, kế hoạch năm mới, tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, thì dư luận vẫn dõi theo vụ án bạo hành của mẹ kế tương lai mang danh “giáo dục, dạy dỗ” khiến bé V.A 8 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh tử vong cuối năm 2021. Đây thực sự là “giọt nước tràn ly”, khiến các bậc cha mẹ phải nhìn lại mình và nghe rõ hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em.

Chị Nguyễn Thị Thanh (phường 9, TP. Vũng Tàu) tâm sự: “Khi đọc vụ bạo hành bé V.A, tôi đã khóc và run sợ, vì con tôi cũng bằng tuổi bé và có hoàn cảnh tương tự. Tôi lật đật chạy đi xin sếp nghỉ một buổi và đến thăm con. Tôi dặn con đủ thứ nhưng không biết một lúc cháu có nhớ hết không. Ngay bản thân tôi trước đó cũng chưa biết đến Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111”.

Anh Ngô Văn Trung (phường 7, TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Nhà tôi có hai con trai, một bé lớp 2 và một bé gần 5 tuổi. Bé lớp 2 khá ham chơi, học online không tập trung, hay bị cô giáo nhắc nhở. Có lúc bực quá tôi quát mắng và đánh con. Tôi đã từng nghĩ: Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi nên con cái hư là phải đánh, nhưng giờ ngẫm lại, nếu chẳng may con bị sao thì tôi sẽ ân hận cả đời”. Trầm ngâm một lúc, anh nói thêm: “Người lớn cần học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Trẻ con thì nên được học nhiều, thực hành nhiều hơn về kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ, kỹ năng tập trung giải quyết vấn đề”.

Chị Võ Minh Thư (phường 2, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Tôi ám ảnh với những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng nhiều. Nhà tôi chỉ có một bé gái 10 tuổi. Ba mẹ va cả các bé cần phải cảnh giác hơn, được trang bị nhiều kiến thức tự bảo vệ bản thân và kỹ năng sống hơn. Qua dịch, tôi sẽ vận động con đi học võ, rèn luyện phản xạ linh hoạt và khả năng tự vệ”.

Theo báo cáo đánh giá nhanh của cơ quan Liên hợp quốc và Bộ LĐTBXH, có khoảng 73% trẻ em chịu các hình thức kỷ luật, bạo lực và xâm hại trong thời gian đại dịch COVID-19. Tỷ lệ này ở nông thôn cao hơn 77% còn thành thị là 70%. Cứ 10 trẻ em thì có 1 trẻ em phải trải qua các trải nghiệm liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục ở các hình thức khác nhau trên mạng internet trong thời gian đại dịch COVID-19.

“Dự báo trong thời gian tới, tình hình xâm hại trẻ em sẽ có diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng cả trong đời thực và không gian mạng”, bà Lê Hồng Loan - Trưởng chương trình bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết thêm.

Cấp thiết dạy trẻ kỹ năng sống và phòng vệ

Chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Phạm Thị Huyền (Trung tâm can thiệp sớm – Giáo dục trị liệu Vũng Tàu) cho biết: “Nếu như vụ bạo hành thể xác dẫn đến tử vong như bé V.A là giọt nước tràn ly, thì những vụ bạo hành cảm xúc là cả một đại dương và những vụ lạm dụng tình dục như những hố đen sâu hun hút. Tùy mức độ bạo hành, xâm hại, các em sẽ bị “hỏng” từng chút một hay “hỏng hẳn”, trở thành những nạn nhân quặt quẹo về thể xác, lệch lạc về tâm hồn. Càng những gia đình trí thức, hiện tượng bạo hành cảm xúc lại càng nhiều. Đây là hệ lụy của giáo dục bằng quyền lực và sức mạnh theo quan niệm “Thương cho roi cho vọt”, bằng thành tích, áp đặt tư duy con trẻ”.

Các chuyên gia tâm lý cũng đã chỉ ra một quy luật rằng nếu những đứa trẻ bị ngược đãi thì khi lớn lên, chúng cũng sẽ xuất hiện hành vi ngược đãi đối với những người khác; kể cả khi đó là những đứa con do chính mình đẻ ra. Thậm chí, con người sẽ có thể trở nên vô cảm ngay cả khi đã gây ra những vụ việc mang lại hậu quả xấu hoặc tỏ ra vô trách nhiệm với chính cuộc đời của mình.

Như vậy, hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em để lại hậu quả hết sức nặng nề, trở thành “cái vòng kim cô luẩn quẩn” gây đau thương cho nhiều thế hệ. Gia đình - nhà trường – xã hội cần tăng cường sự kết hợp chặt chẽ trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Trong đó, việc dạy trẻ kỹ năng sống và phòng vệ là vô cùng cấp thiết để các bé nhận thức đúng - sai và biết cách cầu cứu trước khi quá muộn.

Chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Phạm Thị Huyền cho biết thêm: “Việc quan trọng nhất trong dạy trẻ kỹ năng sống và phòng vệ là giáo dục trẻ ngay từ nhỏ (2- 3 tuổi) nhận biết được sự khác biệt giữa dạy dỗ và bạo hành, xâm hại, giúp trẻ tự tin bộc lộ cảm xúc, ý kiến cá nhân, nói ra những điều bé sợ hãi hay đau đớn bé phải chịu đựng. Sau đó là dạy bé ghi nhớ số điện thoại của những người bé tin tưởng, các số điện thoại khẩn cấp để nhờ giúp đỡ vì cơ bản các bé không thể tự mình chống lại được bạo hành, xâm hại, nhất là khi nó đến từ người thân quen. Trẻ lớn hơn cần phổ biến thêm về pháp luật bảo vệ trẻ em, dành thời gian dạy trẻ các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng phòng vệ phù hợp với lứa tuổi”.

Đối với cha mẹ, cần quan tâm, làm bạn với trẻ nhiều hơn, kiểm soát bản thân tốt hơn, thay đổi quan niệm dạy con bằng tình yêu thương và kỷ luật không đòn roi, tạo sự tin tưởng ở trẻ, chuyên chú lắng nghe những điều trẻ nói, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường. Nhà trường nên hướng dẫn trẻ thực hành các kỹ năng sống, phòng vệ sát thực với hoàn cảnh sống của trẻ, chứ không phải giáo dục qua lý thuyết, cho đủ số tiết được phân bổ.

Bên cạnh đó, cộng đồng cần chung tay, góp sức lên án, chống lại những hành vi bạo hành trẻ em, không ngại va chạm hay thờ ơ, vô cảm khi thấy những trường hợp xảy ra bạo hành. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo vệ trẻ em, có những chế tài, quy định cụ thể, rõ ràng, xử phạt thích đáng những đối tượng vi phạm, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh mọi người.

PHẠM HOÀNG

NHỮNG CON SỐ BÁO ĐỘNG NĂM 2020 – 2021 
VỀ TÌNH TRẠNG BẠO HÀNH, XÂM HẠI TRẺ EM
- Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 thống kê mỗi tháng tiếp nhận trung bình 30.000 cuộc gọi. Riêng năm 2021, thời gian nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, trẻ hầu hết ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000 - 50.000 cuộc mỗi tháng. Một nửa số cuộc gọi đến đường dây nóng là trẻ em từ 11-18 tuổi.
- Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân. Nhẹ thì trẻ bị mắng chửi, đay nghiến, xúc phạm, nặng nề hơn là dùng vũ lực đòn roi, thậm chí là các biện pháp dã man, tra tấn tựa thời trung cổ với các vật dụng nguy hiểm như: Nước sôi, roi sắt, xích cùm…
- Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ. Đặc biệt có hơn 293 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại.

 

.
.
.