XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP TINH GỌN, HOẠT ĐỘNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ - Kỳ 1: Bộ máy chính quyền từng bước tinh gọn
Cuối tháng 12/2021, Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương đã làm việc với tỉnh BR-VT về công tác xây dựng và hoàn thiện chính quyền cấp cơ sở tại địa phương. Đoàn đã ghi nhận, đánh giá cao những thành quả về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền sau 30 năm thành lập tỉnh. Đồng thời, Đoàn cũng đóng góp nhiều ý kiến giúp địa phương phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới.
Các đại biểu dự một hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Văn phòng Tỉnh ủy. |
Trong quá trình xây dựng và phát triển, bộ máy chính quyền các cấp của BR-VT từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cải cách hành chính. Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được củng cố, sắp xếp, kiện toàn ngày càng hoàn thiện, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tất cả vì mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân và DN.
Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Huỳnh Bách Tiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, từ năm 1991 đến nay, BR-VT thực hiện 6 lần sắp xếp tổ chức bộ máy. Cụ thể, năm 1991, BR-VT thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết số 109/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh gồm có 21 sở, ngành và tương đương. Đến năm 1995, do nhu cầu quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực cần được tăng cường, các cơ quan chuyên môn được tổ chức thành 26 sở, ngành và tương đương. Các cơ quan chuyên môn cấp huyện được tổ chức từ 12-15 phòng, ban.
Năm 2008, BR-VT thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP. Theo đó, các cơ quan chuyên môn được tổ chức theo hướng tinh gọn hơn, quản lý theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót, hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh về chức năng, nhiệm vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước. Qua lần sắp xếp này, cấp tỉnh giảm được 5 đầu mối, cấp huyện giảm 1 đầu mối (giảm Sở Thủy sản do sáp nhập vào Sở NN-PTNT; Sở Công nghiệp và Sở Thương mại nhập thành Sở Công thương; giảm 3 đầu mối cơ quan cấp tỉnh gồm: Ủy ban Dân số-Gia đình-Trẻ em, Ban Tôn giáo - Dân tộc, Ban Thi đua - Khen thưởng).
Từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW; BCH Trung ương Đảng ban hành các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn tiếp tục được thực hiện theo hướng tinh gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) hướng tới xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Trước khi thành lập tỉnh, Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương nhưng bộ máy chính quyền chỉ được tổ chức thành 2 cấp. Các huyện Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Đồng Nai. Sau ngày thành lập tỉnh năm 1991, bộ máy chính quyền địa phương của tỉnh được tổ chức đầy đủ ở 3 cấp, trong đó, có 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 53 đơn vị hành chính cấp xã. Hiện nay, BR-VT có 8 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc gồm: TP. Vũng Tàu là đô thị loại I, TP. Bà Rịa là đô thị loại II, TX. Phú Mỹ là đô thị loại III và các huyện: Côn Đảo, Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc; 82 xã, phường, thị trấn. |
Hiện nay, số lượng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và tương đương là 22. Số lượng phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và tương đương là 116, giảm 28 đầu mối so với năm 2015. Số lượng chi cục, ban trực thuộc cơ quan chuyên môn là 14, giảm 8 đầu mối so với năm 2015. Số lượng phòng thuộc chi cục, ban trực thuộc cơ quan chuyên môn là 65, giảm 48 đầu mối so với năm 2015.
Về cơ quan chuyên môn cấp huyện, BR-VT thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện tại 7 địa phương (trừ TP. Vũng Tàu); hợp nhất Phòng Nội vụ và Ban Tổ chức Huyện ủy Đất Đỏ theo Kết luận 34/KL/TW ngày 7/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng. Từ đó, số lượng cơ quan chuyên môn cấp huyện giảm 8 đầu mối (còn 89 cơ quan/8 huyện, thị xã, thành phố), tương ứng với giảm được 36 biên chế, trong đó có 16 chức danh lãnh đạo.
“Nhờ sự sắp xếp này mà các cơ quan chuyên môn được tổ chức bảo đảm tính thống nhất, từng bước tinh gọn hơn, hợp lý hơn, khoa học hơn, bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cùng cấp, phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình kinh tế, xã hội của từng địa phương và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước”, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Công chức UBND phường 1, TP. Vũng Tàu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Phục vụ lợi ích người dân ngày một tốt hơn
Quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phân cấp quản lý, BR-VT đã đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền. Qua đó, chính quyền địa phương đã được tăng thêm thẩm quyền, trách nhiệm trong việc quyết định các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, phân bổ, điều hành ngân sách địa phương, quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, CBCCVC… Qua việc rà soát các quy định về phân cấp, phân quyền hợp lý, BR-VT đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính khoảng 30% tổng số thủ tục thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức và lợi ích của người dân.
Công tác xây dựng chính quyền địa phương cũng được tỉnh chú trọng. Từ năm 1991, tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương nhằm kiện toàn, củng cố chính quyền cơ sở theo quy định của Trung ương. Tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở của tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chú trọng về chất lượng, nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên, bảo đảm thực hiện tốt quyền tự chủ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Số lượng CBCC và người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên toàn tỉnh đã được bố trí đúng theo quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Khi mới thành lập tỉnh, hầu hết các cơ quan nhà nước, Đảng, đoàn thể các cấp đều sử dụng tạm các cơ sở cũ để làm trụ sở làm việc. Đến nay, trụ sở các cơ quan nhà nước, đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp đều được xây dựng mới, hiện đại, khang trang. 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, UBND cấp xã đều được đầu tư thiết bị công nghệ thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc.
Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công cũng được BR-VT chú trọng thực hiện theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối để tập trung nguồn lực của nhà nước và nâng cao chất lượng hoạt động. Tháng 2/2015, toàn tỉnh có 548 đơn vị sự nghiệp công lập, đến tháng 12/2021 giảm còn 509 đơn vị. Về tinh giản biên chế hành chính, đến tháng 12/2021, tỉnh đã giảm 248 chỉ tiêu, đạt 11,25%. Về tinh giản biên chế sự nghiệp, đến tháng 12/2021, tỉnh đã giảm 2.336 chỉ tiêu, đạt 10,57%.
Đến nay, tỉnh giảm được 37 phòng, ban chuyên môn các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cấp tỉnh; giảm 66 đầu mối phòng, ban, chi cục trực thuộc (khối cơ quan hành chính thuộc tỉnh) và 8 cơ quan chuyên môn cấp huyện; giảm 45 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở và tương đương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện.
|
Năm 2021, BR-VT là địa phương đầu tiên của cả nước có hệ thống kết nối hội nghị trực tuyến với 3 cấp, từ cấp tỉnh, huyện đến xã. Nhờ vậy, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cuộc hội họp trực tiếp đã được linh hoạt chuyển sang họp trực tuyến tại 4 điểm cầu tỉnh (Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Hội trường Trung tâm Hành chính, Sở TT-TT); 8 điểm cầu cấp huyện và 82/82 phường, xã, thị trấn để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng Đoàn công tác đánh giá cao và ấn tượng với những thành quả của BR-VT trong phát triển kinh tế, xã hội sau 30 năm thành lập tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực xây dựng, hướng tới hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra. Qua đó, chính quyền địa phương đã góp phần hướng tới sự hài lòng cho người dân, vì lợi ích nhân dân phục vụ nhưng bảo đảm thượng tôn pháp luật.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: THI PHONG