.

Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch

Cập nhật: 20:31, 07/01/2022 (GMT+7)

Đó là chỉ đạo của ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tại cuộc họp giao ban công tác phòng, chống dịch COVID-19 toàn tỉnh, sáng 7/1. Cuộc họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu huyện Côn Đảo.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Tăng cường nhân lực y tế tầng 3

Theo Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, số ca mắc mới đang có chiều hướng giảm. Cụ thể, trong tuần (từ ngày 31/12/2021 đến ngày 6/1/2022) toàn tỉnh ghi nhận thêm 699 ca mắc mới, trong đó có 445 ca cộng đồng và 224 ca trong các khu vực phong tỏa và khu cách ly, giảm 583 ca (46.57%) so với 7 ngày trước đó. Tuy nhiên, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trên diện rộng còn rất cao, nhất là biến thể mới Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 262.445 người từ 50 tuổi trở lên và 56.393 người có bệnh lý nền. Tính đến 18 giờ ngày 6/1, toàn tỉnh đã tiêm liều bổ sung (mũi 3) cho 118.805 người (đạt 12,55% trên tổng số người từ 18 tuổi trở lên), trong đó người có bệnh lý nền và người trên 50 tuổi đã được tiêm mũi 3 là 27.383 người. 

Tại cuộc họp, ông Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho hay, hiện tại nhân lực y tế tham gia điều trị tại tầng 3 các Cơ sở điều trị COVID-19 có 21 bác sĩ và 44 điều dưỡng trong khi hiện tại có 70 bệnh nhân tầng 3 thì cần tối thiểu 30 bác sĩ và 80 điều dưỡng. Do vậy, cần tăng cường nhân lực cho nhân lực y tế làm việc tại tầng 3 bằng các giải pháp như: luân phiên đào tạo các nhân viên y tế; tái cơ cấu phân tầng điều trị như các Trung tâm Y tế và bệnh viện đều phải bố trí 2 tầng điều trị theo Quyết định 5525/QĐ-BYT để nhân lực tuyến tỉnh điều trị cho tầng 3 hoặc tầng 2 có bệnh lý đi kèm nặng.

Về vấn đề này, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, tại các cơ sở điều trị COVID-19 có điều trị bệnh nhân tầng 3 cần tăng tua trực của nhân viên y tế lên 4-6 tuần/tua để bảo đảm về công tác điều trị cho bệnh nhân. Cùng với đó cũng tăng cường chính sách hỗ trợ bác sĩ tuyến đầu, nhân viên Trung tâm Y tế thành phố, thị xã, huyện, Trạm Y tế phường, xã; Trạm Y tế lưu động...

Tập trung tiêm mũi vắc xin bổ sung

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định, thời gian qua, BR-VT vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh dựa trên tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tuy nhiên, không vì vậy mà các sở, ngành, địa phương được phép lơ là, chủ quan, mà cần tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. “Ngành y tế và các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người dân càng sớm càng tốt, trong đó tập trung ưu tiên tiêm vắc xin, ưu tiên lực lượng tuyến đầu, những người có bệnh nền 50 tuổi trở lên. Trong đó, địa phương nào tiêm sớm sẽ được bổ sung thêm số lượng vắc xin từ nguồn vắc xin luân chuyển từ các địa phương khác chưa triển khai kịp thời”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Bộ Y tế đã quyết định phân bổ cho tỉnh 100.000 liều AstraZeneca; 99.450 liều Pfizer đã phân bổ cho các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai tiêm chủng hoàn thành trước ngày 15/1. Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương thành lập các tổ tiêm vắc xin lưu động rà từng người thuộc nhóm nguy cơ cao thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay tại nhà, đặc biệt là đối với những người không di chuyển được, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vắc xin đầy đủ (ngoại trừ những trường hợp chống chỉ định) nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ bao phủ vắc xin 100% mũi 1, mũi 2 đồng thời triển khai tiêm mũi 3 hoàn thành trong quý I/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, ông Phạm Viết Thanh cũng yêu cầu các bệnh viện cần nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19; chú trọng đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trạm Y tế lưu động, để nhanh chóng, kịp thời phát hiện các bệnh nhân chuyển nặng để “chuyển tầng” điều trị thích hợp; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân… Mặt khác, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các địa phương chủ động dự báo được tình hình; xây dựng kịch bản, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

.
.
.