Các biện pháp chống dịch phải thống nhất trên toàn quốc
Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022,diễn ra ngày 20/1. Hội nghị do Bộ Y tế tổ chức, được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến hơn 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị triển khai công tác ngành y tế năm 2022 tại điểm cầu tỉnh BR-VT. |
Tập trung phòng, chống dịch COVID-19
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 trong năm 2021 đã đặt hệ thống y tế nước ta vào bối cảnh đặc biệt thách thức. Hệ thống y tế vừa thực hiện tốt các hoạt động có tính chất cấp bách trong phòng chống dịch, vừa nghiên cứu hoàn thiện các chiến lược đổi mới trung và dài hạn của ngành.
Ngành y tế đã chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trên cơ sở thực tiễn; nỗ lực trong điều kiện năng lực, nguồn lực của hệ thống y tế còn hạn chế. Toàn ngành đã huy động hơn 25 ngàn chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương.
Cùng với đó, hàng trăm ngàn cán bộ y tế xung phong vào tuyến đầu chống dịch. Nhờ đó, đến nay số ca tử vong do COVID-19 đã giảm sâu so với thời kỳ đỉnh dịch (tháng 8 và 9/2021), từ khoảng 300-350 ca/ngày giảm xuống khoảng 200 ca/ngày. Bên cạnh đó, đến ngày 13/1, cả nước đã tiêm được hơn 164,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó có hơn 93% người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi vắc xin. Việt Nam đang phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 3 vào cuối quý I/2022.
Tại BR-VT, trong năm 2021, ngành y tế tỉnh cũng tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ngành huy động hơn 4.000 nhân viên y tế tham gia, trong đó có gần 2.300 người làm nhiệm vụ thường trực chống dịch. Ngành đã triển khai 27 cơ sở điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, với quy mô 5.560 giường bệnh; 69 cơ sở cách ly tập trung với hơn 8.990 giường cùng công tác cách ly và điều trị tại nhà, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19…
Đến nay, tỉnh đã cơ bản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 và đang chủ động từng bước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành cũng khống chế được các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra dịch chồng dịch; đồng thời duy trì hoạt động khám, chữa bệnh và mang lại sự hài lòng cho hơn 90% người bệnh.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn huyện Long Điền. |
Chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương những nỗ lực vượt bậc của ngành, vượt qua khó khăn trong năm 2021 để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, ngành y tế vẫn phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Ngành cần bám sát các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả; căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phục vụ nhân dân.
Ngành y tế tiếp tục tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu; không để khủng hoảng, đổ vỡ, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân điều trị tại nhà; nắm chắc tình hình, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa các tình huống mới có thể phát sinh nhưng không áp dụng các biện pháp cực đoan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành y tế và các địa phương tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ bao phủ vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; khẩn trương nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi, quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất. Bộ Y tế chủ động và công bố các loại thuốc được thế giới công nhận theo quy trình, thủ tục nhanh nhất, chống đầu cơ, nâng giá, lũng đoạn thị trường, tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp phòng chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định.
“Nhiệm vụ chiến lược của ngành là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rà soát lại chính sách, chế độ để thu hút nhân lực chất lượng cao, thu hút người vào học ngành y, các bác sĩ về cơ sở, vùng sâu, vùng xa… công tác. Về lâu dài, cần quan tâm xử lý các vấn đề tâm lý - xã hội, các di chứng sau đại dịch, xây dựng và phát triển môn khoa học nghiên cứu về COVID-19”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM