Khẩn trương cho "ngày tựu trường" 10/1/2022

Thứ Hai, 13/12/2021, 22:44 [GMT+7]
In bài này
.

Trao đổi với PV Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Sở đã xây dựng và trình UBND tỉnh phương án, kế hoạch tổ chức dạy và học trong thời gian tới. Theo đó, ngành sẽ khởi động lại việc học tập trực tiếp của HS các lớp cuối cấp rồi mở rộng dần tới các khối lớp khác.

Dự kiến, ngành giáo dục sẽ khởi động việc dạy-học trực tiếp trước hết với HS khối 9 và khối 12, sau đó sẽ mở rộng tới các khối lớp khác tại các địa bàn có cấp độ dịch cấp 1, 2. Trong ảnh: HS lớp 9 Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) năm học 2020-2021. Ảnh: KHÁNH CHI
Dự kiến, ngành giáo dục sẽ khởi động việc dạy-học trực tiếp trước hết với HS khối 9, 10 và 12, sau đó sẽ mở rộng tới các khối lớp khác tại các địa bàn có cấp độ dịch cấp 1, 2. Trong ảnh: HS lớp 9 Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) năm học 2020-2021. Ảnh: KHÁNH CHI

● Phóng viên: Thưa bà, hiện nay, độ bao phủ vắc xin ngừa COVID-19 cho HS và GV của tỉnh đã đạt tỷ lệ khá cao. Vậy, ngành GD-ĐT có kế hoạch cụ thể như thế nào cho việc “mở cửa” lại trường học để HS được đến trường học tập trực tiếp?

- Trần Thị Ngọc Châu: Thời gian qua, song song với công tác phòng, chống dịch, tỉnh đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm ngừa vắc xin cho người dân, trong đó đặc biệt chú trọng tới đối tượng GV, HS. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên trường học. Đồng thời, tỉnh đang triển khai tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi. Tính đến ngày 10/12, đã có 111.144 trẻ được tiêm vắc xin, đạt tỷ lệ 97,85%. Dự kiến HS từ 12 tới dưới 18 tuổi tại các trường học trên địa bàn tỉnh sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin từ ngày 21-25/12/2021.

Với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Sở GD-ĐT đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh khi HS quay trở lại trường học trực tiếp tại Quyết định số 1076/QĐ- SGDĐT ngày 8/12/2021. Đồng thời, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động dạy và học bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

● Cụ thể như thế nào, thưa bà?

Dự kiến, các địa bàn được xác định cấp độ dịch cấp 1 (nguy cơ thấp, bình thường mới) và cấp độ dịch cấp 2 (nguy cơ trung bình) tổ chức dạy học trực tiếp ở tất cả các bậc học theo các giai đoạn. Giai đoạn từ 10/1/2022 đến 22/1/2022 tổ chức dạy học trực tiếp cho HS khối 9 và khối 10, 12. Cấp TH tiếp tục học trực tuyến, cấp MN tiếp tục thực hiện hướng dẫn chăm sóc tại nhà qua video clip. Kết thúc giai đoạn này, HS sẽ nghỉ Tết Nguyên đán.

Sau đợt này, ngành GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm việc tổ chức dạy học trực tiếp, căn cứ vào tình hình thực tế phòng chống dịch sau Tết, phối hợp Sở Y tế, UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh cho tất cả HS THCS, THPT, HS khối 1, 2 bậc TH, HS mẫu giáo 5 tuổi đi học trực tiếp từ ngày 14/2/2022.

Từ 28/2/2022 sẽ tổ chức học trực tiếp cho các khối còn lại của cấp TH và MN. Tuy nhiên, các địa phương này vẫn phải củng cố các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đối với địa bàn được xác định cấp độ 3 (nguy cơ cao), các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với học trực tuyến và dạy trên truyền hình cho HS phổ thông, CĐ, ĐH; bậc MN có video hỗ trợ hướng dẫn, chăm sóc, nuôi dạy trẻ tại nhà. Đối với các địa bàn được xác định dịch cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) thì tổ chức dạy -học trực tuyến đối với phổ thông, CĐ, ĐH; hỗ trợ và hướng dẫn phụ huynh nuôi dạy trẻ tại nhà đối với giáo dục MN.

Trường hợp HS cư trú tại địa bàn được xác định cấp độ dịch cấp 4 nhưng trường đang theo học trên địa bàn được xác định cấp độ dịch cấp 1, 2, nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ HS học trực tuyến cho đến khi địa bàn cư trú của HS được giảm cấp độ dịch và được học trực tiếp theo quy định.

Riêng các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TC, các trung tâm cũng tổ chức dạy học trực tiếp theo cấp độ dịch tại địa bàn. Các đơn vị này phải xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học trực tiếp theo từng cấp độ dịch tại địa bàn cụ thể và bảo đảm các quy định về phòng chống dịch theo quy định. Học viên, SV phải đáp ứng đủ các điều kiện: đã tiêm đủ vắc xin hoặc đã khỏi bệnh không quá 6 tháng và thực hiện đầy đủ và bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

  Trước mắt, những việc cần làm để chuẩn bị triển khai kế hoạch dạy học trực tiếp tại trường, bảo đảm an toàn phòng chống dịch là gì, thưa bà?

- Trước mắt, ngành giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng sẽ rà soát, kiện toàn và củng cố các điều kiện cơ bản bảo đảm an toàn phòng chống dịch tại trường trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của các cơ sở trường học trên địa bàn tỉnh khi HS đi học trực tiếp. Cùng với đó là việc triển khai đến phụ huynh các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường khi tổ chức dạy học trực tiếp tại trường.

Đặc biệt, các nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch tại trường để tổ chức dạy học trực tiếp. Trong đó cụ thể phương án xử lý các tình huống có yếu tố có liên quan đến ca mắc COVID-19; tổ chức tập huấn, diễn tập giả định về các tình huống phòng chống dịch tại trường…

Về lộ trình cụ thể, ngày 15/12/2021, địa phương phải hoàn tất bàn giao các cơ sở trường học được trưng dụng cho nhà trường. Ngày 25/12/2021, hoàn tất công tác chuẩn bị phòng chống dịch an toàn để tổ chức dạy học trực tiếp tại trường đối với các trường có kế hoạch tổ chức học trực tiếp vào ngày 10/1/2022.

Ngày 8/1/2022, Sở GD-ĐT và UBND huyện, thị xã, thành phố hoàn tất việc kiểm tra, thẩm định, đánh giá các điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở trương học trước khi tổ chức học trực tiếp theo phân cấp.

 Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

KHÁNH CHI
(Thực hiện)

;
.