.

GIAO THÔNG HOÀN THIỆN THÚC ĐẨY KINH TẾ - XÃ HỘI PHÁT TRIỂN - Kỳ 2: Phát triển mạnh dịch vụ vận tải

Cập nhật: 18:14, 14/12/2021 (GMT+7)

Phát huy tối đa những lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, 30 năm qua, bên cạnh việc đầu tư phát triển mạng lưới giao thông, tỉnh BR-VT còn đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, trong đó có dịch vụ vận tải. Qua đó, đáp ứng đẩy đủ nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Xe khách liên tỉnh tại Bến xe Vũng Tàu.
Xe khách liên tỉnh tại Bến xe Vũng Tàu.

Thêm nhiều lựa chọn

Đầu năm 2021, tuyến vận tải hành khách, hàng hóa bằng phà biển từ bến Tắc Suất, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh đến 127C, đường Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu (và ngược lại) chính thức đi vào hoạt động. Tuyến có cự ly vận chuyển khoảng 15km (1 chiều), với thời gian hành trình khoảng 30-40 phút do Công TNHH MTV Quốc Chánh khai thác.

Phà được thiết kế 2 thân, dài 45m rộng 10m, tốc độ tối đa hơn 43km/giờ, chở khách, hàng hóa và ôtô với sức chứa gần 200 người, 20 ô tô, 100 xe máy cùng hàng hóa. Tuyến phà biển đưa vào vận hành, ngoài đáp ứng nhu cầu cho người dân còn giảm áp lực cho vận tải đường bộ, nhất là cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và QL51. Đặc biệt nếu như trước đây, từ Cần Giờ đi ô tô đến TP. Vũng Tàu bằng đường bộ mất khoảng 3 giờ 30 phút thì nay, với tuyến phà mới này, từ Cần Giờ qua Vũng Tàu chỉ mất 30-40 phút.

Theo Sở GT-VT, từ những ngày đầu mới thành lập tỉnh, vận tải thủy chỉ phục vụ cho người dân Côn Đảo là chính, đến năm 2000, khối lượng hành khách vận chuyển bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, chỉ khoảng 0,1 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi đó, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy năm 2000 đạt 0,07 triệu tấn (vùng Đông Nam Bộ đạt 2,28 triệu tấn và cả nước là 26 triệu tấn).

Tuy nhiên từ 2001-2010 nhu cầu vận tải hàng hóa tăng lên, để đáp ứng nhu cầu trên, tỉnh BR-VT đã tập trung phát triển mạnh dịch vụ vận tải cả về chất và lượng. Ngoài phà biển, nhiều năm trước tuyến vận tải bằng tàu cao tốc giữa TP. Hồ Chí Minh với Vũng Tàu đã được hình thành. Tàu Côn Đảo 09, 10 được đưa vào hoạt động vừa góp phần nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo, vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đến năm 2010, khối lượng hành khách vận chuyển bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh đạt 0,69 triệu lượt hành khách, luân chuyển 78 triệu hành khách. Khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy năm 2010 đạt 0,5 triệu tấn (vùng Đông Nam bộ đạt 29 triệu tấn và cả nước là 178 triệu tấn).

Hiện nay, tỉnh BR-VT hiện có 36 tuyến, luồng đường thủy nội địa với tổng chiều dài 324km, phân bố trong đất liền và Côn Đảo. Trong đó 24 tuyến sông có thể khai thác vận tải với tổng chiều dài khoảng 119km ở khu vực đất liền và 12 tuyến, luồng có tổng chiều dài khoảng 205km tại khu vực Côn Đảo. Giao thông đường thủy ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa và đi lại của người dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 331 đơn vị kinh doanh vận tải với 7.564 phương tiện, trong đó: 3.442 xe tải, 1.161 xe công ten nơ, 429 xe chạy tuyến cố định, 1.469 xe hợp đồng, 993 xe taxi, 70 xe buýt. Số lượng phương tiện hiện tại đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trên địa bàn. Tổng số phương tiện vận tải thủy trên địa bàn tỉnh là 963 phương tiện, trong đó: 452 phương tiện chở hàng hóa với tổng trọng tải 163.221 tấn; 372 phương tiện chở khách với tổng trọng tải 4.899 khách và 139 phương tiện chuyên dùng.

Nâng cả chất và lượng

Bên cạnh phương tiện vận tải thủy, những năm qua hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. “Việc xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đã mang lại hiệu quả; thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, đảm bảo thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh; phương tiện vận tải được nâng cấp hiện đại, đa dạng đảm bảo an toàn, môi trường và mỹ quan, góp phần nâng cao chất lượng vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông; giá cước vận tải cơ bản đã được kiểm soát, bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Dương Viết Tri, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện - người lái Sở GT-VT cho biết.

Ông Dương Viết Tri nêu ví dụ, thời điểm tháng 7/2014 khi mới đi vào hoạt động, Công ty TNHH Toàn Thắng chỉ có 1 tuyến vận chuyển hành khách từ Vũng Tàu đi Bến xe miền Đông (TP. Hồ Chí Minh). Đến nay, công ty đã khai thác nhiều tuyến khác. Ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng thông tin: “Nếu như trước đây, Toàn Thắng chỉ khai thác tuyến Vũng Tàu - Bến xe miền Đông thì nay đã mở rộng mạng lưới ra một số tuyến tại quận 1, Bến xe miền Tây, sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng. Ngoài điểm chính ở công ty, Bến xe Vũng Tàu, Toàn Thắng mở các trạm ở Long Hải, Bà Rịa (BR-VT), Văn phòng chi nhánh Nguyễn Thái Bình (TP. Hồ Chí Minh) cùng các trạm trung chuyển để đón khách”.

Hiện nay, để di chuyển tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh ở đầu Vũng Tàu, người dân chỉ việc bắt máy gọi điện đặt chỗ sẽ có xe trung chuyển đón tận nhà. Anh Nguyễn Văn Nhường (nhà ở phường 8, TP. Vũng Tàu) nhận xét: “Tôi hay có việc phải đi công tác ở TP. Hồ Chí Minh và chọn xe Limosine để đi. Ngồi trên xe, tôi cũng cảm thấy dễ chịu vì nhân viên và tài xế vui vẻ, lịch sự, phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Rõ ràng khi các nhà xe không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ thì hành khách là người được hưởng lợi”.

Tương tự, chị Trần Thị Tuyết (Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP.Vũng Tàu) cho biết, lâu nay, mỗi khi có việc đi đâu ra khỏi tỉnh, chị đều đặt vé trên Havaz. Với ứng dụng này, khách chỉ cần mở App Havaz trên Androi và IOS đã được cài đặt sẵn trên điện thoại thông minh và chỉ 30 giây sau, hệ thống nhà xe đã xác nhận giờ đi, nơi đi, số ghế cho khách.

Thời điểm này, hành khách đi tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh ngoài xe thường, hầu hết các hãng vận tải đều có dịch vụ xe VIP Limousine, với chỉ 9 hành khách/xe loại 16 chỗ. Xe có wifi, cổng sạc USB để du khách vừa di chuyển, vừa xử lý công việc hoặc xem tin tức online. Để thuận tiện, các hãng vận tải đều nhận đón khách tại nhà.

Các DN vận tải cho biết, nếu trước đây, xe từ 5-7 năm vẫn còn hoạt động thì nay chỉ 2-3 năm đưa vào sử dụng, các nhà xe đã đổi xe mới. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 100 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với hơn 1.200 xe. Các xe hoạt động trong tỉnh và lưu thông qua 47 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều nhất là tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh. Để thu hút hành khách, hiện các hãng xe như: Kumho, Havaz, Hoa Mai, Huy Hoàng, Anh Quốc… hàng năm đều nâng cấp và thay mới dàn xe tiêu chuẩn Limousine được trang bị nhiều tiện nghi sang trọng vào khai thác tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Bên cạnh việc đầu tư phương tiện, con người, các DN kinh doanh vận tải còn cạnh tranh nhau về giá cước.

Ông Dương Viết Tri cho biết, việc cạnh tranh trong thị trường vận tải đã làm tăng chất lượng dịch vụ và mang lại nhiều tiện ích cho hành khách. Đồng thời, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác vận chuyển hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở GT-VT thường xuyên chỉ đạo cập nhật triển khai các văn bản pháp luật về quản lý vận tải đường bộ đến các DN, HTX và các đơn vị có liên quan; phối hợp với Thanh tra Giao thông và các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh vận tải bằng ô tô, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm như đi sai hành trình tuyến đã đăng ký; dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định. Việc theo dõi chặt chẽ các phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình đã có tác dụng tích cực đến việc giáo dục nâng cao ý thức cho đội ngũ lái xe, chấn chỉnh kịp thời những vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bảo đảm an toàn giao thông.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN

.
.
.