BỨT PHÁ VỀ ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM - Kỳ 1: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thứ Ba, 14/12/2021, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, linh hoạt triển khai các mô hình đào tạo phù hợp… BR-VT đã dần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn. Xuyên suốt 30 năm qua, công tác đào tạo nghề đã gặt hái nhiều thành tựu ấn tượng.

BR-VT ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực trên địa bàn.  Trong ảnh: SV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT thực hành tại xưởng.
BR-VT ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực trên địa bàn. Trong ảnh: SV Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT thực hành tại xưởng.

Phát triển nguồn nhân lực

Kể từ năm 1991-2020, BR-VT đã dành gần 699,8 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập từ nguồn ngân sách địa phương. Sự đầu tư nguồn lực đã giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định tên tuổi trong hệ thống trường nghề trên cả nước. Điển hình phải kể tới sự đầu tư của tỉnh cho Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT để trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín, chất lượng cao trong gần 1.000 trường CĐ, TC trên cả nước. Trường được Bộ LĐTBXH xếp hạng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm với 1 nghề đạt chuẩn quốc gia, 3 nghề đạt chuẩn ASEAN và 2 nghề đạt chuẩn quốc tế.

Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH cho biết, cùng với đầu sư cho cơ sở vật chất, tỉnh còn đầu tư cho đào tạo nghề thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài như: CHLB Đức, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản… và các nguồn lực huy động xã hội hóa khác. Các mô hình đào tạo “9+”, “đào tạo kép”… được triển khai linh hoạt, hiệu quả. Đặc biệt, BR-VT là một trong những tỉnh thu hút DN tham gia vào quá trình đào tạo nghề lớn nhất cả nước. Quan trọng hơn là nhận thức của gia đình và người học đã thay đổi rõ nét khi lựa chọn học nghề. 

Đơn cử như trường hợp của SV Trần Thiện Tân, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT. Tân cho biết, khi lựa chọn học nghề, mong muốn sẽ sớm tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Thông minh, nhanh nhẹn, Thiện Tân là một trong những SV xuất sắc của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT. Em từng đạt nhiều giải thưởng cao, trong đó có Huy chương Đồng nghề Phay CNC tại Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 11 năm 2020. Thiện Tân chia sẻ: “Với hoàn cảnh của mình, em thấy học nghề là lựa chọn phù hợp, sáng suốt nhất. Quá trình học với em rất thuận lợi, vừa gần nhà, vừa tiết kiệm được rất nhiều chi phí học tập. Quan trọng hơn, em nghĩ cơ hội việc làm đến với mình dễ dàng hơn sau khi học nghề”.

Xuyên suốt quá trình triển khai công tác đào tạo nghề, BR-VT đã linh hoạt thay đổi cách thức nhằm áp dụng mô hình phù hợp, mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Mô hình “đào tạo kép” là một trong những thành công được tỉnh triển khai hiệu quả, không chỉ hấp dẫn người học mà còn thu hút được nhiều DN tham gia. Với hiệu quả mô hình mang lại, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã duy trì quan hệ mật thiết với các DN để triển khai “đào tạo kép” cho học viên, SV của mình. 

Cũng theo ông Huỳnh Việt Triều, quá trình nhà trường và DN song hành đào tạo nghề đã góp phần cung ứng cho thị trường lực lượng lao động phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành, nghề... “Với hướng đi này, BR-VT đã thực hiện hiệu quả mô hình “đào tạo kép”. Nhờ đó đã giải quyết tốt bài toán cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN. Mặt khác, hướng đi này góp phần hiệu quả trong giải quyết việc làm cho lao động địa phương”, ông Triều nhấn mạnh.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh hàng chục ngàn NLĐ đã được đào tạo nghề, có việc làm.  Trong ảnh: Người dân phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa chăm sóc vụ hoa Tết.
Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh hàng chục ngàn NLĐ đã được đào tạo nghề, có việc làm. Trong ảnh: Người dân phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa chăm sóc vụ hoa Tết.

Bám sát nhu cầu thị trường

Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, BR-VT đã xây dựng cơ chế, chính sách tương đối đồng bộ và thống nhất tạo điều kiện cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp phát triển. Theo đó, BR-VT hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp gồm: chính quy và thường xuyên với 3 trình độ đào tạo thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động cũng như yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện hệ thống các trường đã bước đầu chuyển từ “cung” sang “cầu”, gắn với DN, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học nghề của người lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về chất lượng nguồn nhân lực.

Quá trình đào tạo nghề luôn bám sát mục tiêu tăng trưởng bền vững của tỉnh với các “trụ cột” kinh tế gồm: Công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp chất lượng cao. Đây là những lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn của các DN vào BR-VT và là những ngành đang cần nhiều lao động. Để cung ứng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực trọng yếu, công tác đào tạo nghề của BR-VT đã bám sát các ngành - nghề trọng điểm cần nhiều lao động của tỉnh để triển khai. Những năm qua, tỉnh đã tập trung đào tạo nguồn lực lượng lao động chất lượng cao, có tay nghề giỏi, tác phong chuyên nghiệp, sử dụng ngoại ngữ thành thạo... để đáp ứng nhu cầu của DN.

Hiện BR-VT có 80% số lao động đã qua đào tạo. Đặc biệt, BR-VT còn đạt nhiều kết quả cao trong nhiều kỳ thi, hội thi tay nghề cấp quốc gia, quốc tế... Để nâng cao chất lượng dạy nghề, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề. Một số trường đã triển khai đào tạo nghề trọng điểm theo chuẩn quốc tế.

------ 

Đến năm 2020, quy mô đào tạo nghề ngày càng mở rộng, cả tỉnh có 5 trường CĐ, 6 trường trung cấp, 36 trung tâm và các cơ sở khác tại DN và tại các cơ sở giáo dục khác, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ từ 13,4% năm 1998 lên 50% năm 2020.

Đặc biệt, tỉnh đã tập trung triển khai Đề án “Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp hỗ trợ”. Kể từ khi triển khai đề án, UBND tỉnh đã đặt hàng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT đào tạo gần 1.000 lao động với các nghề: cắt gọt kim loại, cơ điện tử và chế tạo khuôn mẫu. Riêng năm 2020, UBND tỉnh đã đặt hàng trường đào tạo nghề chế tạo khuôn mẫu trình độ CĐ cho 236 SV. Hầu hết SV tốt nghiệp đều có việc làm tại các DN Nhật Bản.

Bước “chuyển mình” vươn lên của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong những năm gần đây góp phần quan trọng để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, hàng năm, 47 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo cho hơn 30 ngàn lượt người ở trình độ CĐ, TC, sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Riêng năm 2020, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh mới 27.935 người.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
du học Tìm kiếm cơ hội việc làm trên VietnamWorksDanh sách mẫu cv xin việc chuẩn, đẹp Average Salary in Vietnam
.