90% bệnh nhân nặng và nguy kịch là người thừa cân, béo phì
Từ ngày 16/10 trở lại nay, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao so với giai đoạn trước đó. Thế nhưng, tỷ lệ bệnh nhân trở nặng phải nằm điều trị ở Trung tâm Hồi sức cấp cứu (ICU) ở Bệnh viện Vũng Tàu giảm nhiều so với trước. Điều đáng lưu tâm nhất, trong tổng số những bệnh nhân diễn biến bệnh nặng và nguy kịch có khoảng 90% trường hợp nằm trong nhóm thừa cân, béo phì.
Bác sĩ của Bệnh viện Vũng Tàu điều trị tích cực cho bệnh nhân COVID-19 đang nằm tại ICU. |
Nỗi lo thừa cân
Bệnh nhân Đ.T.T, SN 1963, ngụ ở phường Long Hương (TP.Bà Rịa) cao 160cm, nhưng có cân nặng khoảng 90kg. Ngày 27/11, bệnh nhân được nhập viện tại ICU ở Bệnh viện Vũng Tàu trong tình trạng hôn mê sâu, cơ thể tím tái, nồng độ oxy máy (SpO2) ở mức thấp, còn 43%. Bệnh nhân đã được bác sĩ đặt ống nội khí quản, thở máy oxy dòng cao, dùng thuốc kháng sinh, kháng đông cũng như chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Sau 10 ngày điều trị tại ICU, đến nay tình trạng sức khỏe của bệnh nhân vẫn chưa được cải thiện, đang phải thở máy.
Không chỉ người già, người trẻ bị thừa cân, béo phì nhiễm COVID-19 cũng có diễn biến bệnh nặng rất nhanh. Đơn cử, bệnh nhân T.C.T., SN 1997, ở phường 12 (TP.Vũng Tàu) có cân nặng 100kg. Ngày 1/12, bệnh nhân được chuyển đến điều trị ở tầng 2 (tầng bệnh nặng) của Bệnh viện Vũng Tàu. Lúc đó, người bệnh cảm thấy khó thở và mệt mỏi ở mức vừa phải. Nhưng khoảng 1 ngày sau, sức khỏe của anh T. chuyển biến xấu và nặng hơn. Anh chuyển lên ICU để chữa trị. Bệnh nhân được thở máy oxy dòng cao, lọc máu hấp phụ và kháng sinh. Sau gần 1 tuần điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân đã có dấu hiệu chuyển biến khả quan, thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại ICU chia sẻ, thời gian qua có một số trường hợp thừa cân, béo phì đã được điều trị tích cực như dùng các trang thiết bị y tế chuyên dùng, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, dịch chuyền… Nhưng thật đáng tiếc, bệnh nhân hôn mê sâu nhiều ngày nên đã không qua khỏi. Hơn nữa, phần lớn bệnh nhân nặng chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc mới tiêm có 1 mũi. Những bệnh nhân trở nặng khi đã được tiêm 2 mũi vắc xin thì rất hiếm.
Vì sao béo phì dễ bị bệnh nặng?
Bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Trưởng khoa Tim mạch lão học (Bệnh viện Vũng Tàu) nhận định, khi tỷ lệ bao phủ vắc xin COVID-19 cho người dân còn thấp thì số ca bệnh chuyển biến nặng và nguy kịch chiếm khoảng 5% tổng số ca. Nhưng sau khi người dân đã được tiêm vắc xin, số bệnh nhân chuyển nặng giảm mạnh. Bác sĩ Tuân so sánh, từ ngày 15/10 trở về trước, ICU tiếp nhận, điều trị 115 bệnh nhân, trong đó tử vong 47 ca. Nhưng từ 15/10 đến nay, ICU tiếp nhận 87 trường hợp, chỉ có 7 ca tử vong.
Hiện tại ICU ở Bệnh viện Vũng Tàu đang điều trị cho 43 bệnh nhân nặng. Trong số này có 22 trường hợp nguy kịch phải thở máy xâm lấn, 15 người thở máy oxy dòng cao, số còn lại thở oxy mặt nạ. Qua số liệu thống kê thực tế tại ICU ở Bệnh viện Vũng Tàu cho thấy có khoảng 90% bệnh nhân nặng và nguy kịch là người thừa cân, béo phì; 10% còn lại là người cao tuổi, bị bệnh lý nền nặng.
“Hiện chưa có cơ sở khoa học để khẳng định, người béo phì khi bị nhiễm COVID-19 sẽ trở bệnh nặng rất nhanh. Nhưng chúng tôi có thống kê sơ bộ thì đáng lo ngại là tỷ lệ người béo phì bị bệnh nặng và nguy kịch tương đối cao. Do vậy, đối tượng này cần phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, thực hiện nghiêm 5K và nâng cao ý thức phòng, chống dịch để phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe”, bác sĩ Tuân nói.
Theo một số nghiên cứu mới đây, những người béo phì bị nhiễm COVID-19 có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với những người không béo phì, bất kể tuổi tác và giới tính. Trong đó, nguy cơ tử vong tăng 40% đối với những người có Chỉ số cơ thể từ 30 - 40. Con số này tỉ lệ thuận với mức độ béo phì, nghĩa là một người có cân nặng càng quá khổ, nguy cơ tử vong do COVID-19 càng cao. Hơn nữa, người thừa cân quá mức hoặc béo phì bị nhiễm COVID-19 dễ khiến bệnh tình chuyển biến xấu. Một nghiên cứu khác cho thấy, 7,9% bệnh nhân COVID-19 phải điều trị ICU có Chỉ số cơ thể trên 40. Từ các số liệu trên cho thấy rõ, sự nguy hiểm của sự béo phì đối với COVID-19.
Các chuyên gia y tế cho biết nguy cơ bệnh trở nặng ở người béo phì bị nhiễm SARA-CoV-2 đến từ chất béo và thay đổi hormone. Chất béo dư thừa có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, cũng như các chức năng chống viêm và miễn dịch của cơ thể. Người thừa cân cũng có nồng độ hormone adiponectin trong máu thấp hơn dễ bị viêm phổi.
Ngoài ra, mạch máu của người béo phì có nhiều độ nhớt dính, kết hợp với hệ miễn dịch hoạt động mạnh do có virus xâm nhập, sẽ hình thành nhiều cục máu đông hơn, tạo tiền đề cho tắc nghẽn mạch máu có thể gây ra các cơn đau tim, đột quỵ và tổn thương phổi. Đây là tất cả các vấn đề mà bệnh nhân COVID-19 nặng đều gặp phải.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG