Tiểu thương ở chợ tiếp tục thích ứng với tình hình mới
Dù các chợ truyền thống đã được mở cửa, nhưng do dịch diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây dẫn đến lượng khách giảm, buôn bán ế ẩm. Thực tế này khiến tiểu thương các chợ truyền thống ở TP.Bà Rịa phải thay đổi cách làm. Đặc biệt, tiếp cận với kinh doanh trực tuyến để bảo đảm phòng, chống dịch.
Tiểu thương chợ Phước Nguyên (TP.Bà Rịa) sử dụng vách ngăn để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19. |
Vừa bán hàng tại chỗ, vừa bán hàng online
Hơn 15 năm kinh doanh rau, củ, quả tại chợ Hòa Long (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa), chị Nguyễn Thị Thắm chưa khi nào thấy việc buôn bán lại khó khăn như hiện nay. Mỗi ngày chị chỉ bán được vài bó rau, vài cân củ quả, thu nhập không đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.
Thấy việc kinh doanh thua lỗ, chị Thắm rất lo lắng. Tuy nhiên nhờ được con gái hỗ trợ về công nghệ, chị bắt đầu tập tành bán hàng online và tham gia nhóm bán hàng trên facebook, zalo để đăng bán các mặt hàng của mình. Do vậy, chị tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới, số lượng người đặt mua rau, củ, quả qua kênh online ngày càng nhiều. Bình quân mỗi ngày chị Thắm có thêm từ 20-25 đơn hàng online, khu vực gần được giao hàng miễn phí, khu vực xa chị thu phí. Vừa buôn bán tại chỗ, vừa bán hàng online, tuy lượng khách hàng chưa đông như trước đây, nhưng ít nhất giúp chị Thắm có thu nhập và trang trải cuộc sống. “Ở thời buổi dịch bệnh đang phức tạp, kinh doanh ế ẩm, tôi nghĩ đây là cách làm phù hợp với hoàn cảnh mới”, chị Thắm bày tỏ.
Sau một thời gian dài quen với kiểu bán hàng “tiền trao cháo múc”, đến nay bà Lê Thị Thu Phụng (tiểu thương chợ Long Toàn, phường Long Toàn) cũng bắt đầu làm quen với bán hàng online, mở tài khoản ngân hàng và chấp nhận thanh toán không tiền mặt qua hình thức chuyển khoản. Bà Phụng cho biết, bà kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống ở chợ đã nhiều năm nay. Dịch COVID-19 phức tạp, thực hiện Chỉ thị 16, chợ phải đóng cửa, công việc buôn bán của bà phải ngừng lại. Sau khi chợ được mở cửa trở lại bà Phụng rất phấn khởi. Tuy nhiên, lượng khách đến chợ hàng ngày ít, nên việc buôn bán ế ẩm. Do đó, được sự động viên của con cháu bà bắt đầu bán hàng online trên mạng xã hội, song song với bán hàng tại chỗ. Đến nay bà Phụng có thể tự quay video, chụp ảnh các hàng về đăng lên zalo, facebook. “Lúc đầu không quen thấy phức tạp, nhưng làm rồi thấy cũng dễ. Cái hay của bán hàng online là ngồi ở đâu mình cũng bán hàng được. Nhưng để duy trì lượng khách hàng ổn định, mặt hàng của mình phải bảo đảm chất lượng, tươi ngon thì khách hàng mới tin tưởng và ủng hộ tiếp”, bà Phụng chia sẻ.
Từ thực tế này có thể thấy, để thay đổi phù hợp với tình hình mới không chỉ có các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, mà bà con tiểu thương ở chợ truyền thống cũng đang dần bắt kịp xu thế để vừa gỡ khó cho mình, vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng và bảo đảm thu nhập.
Bảo đảm phòng, chống dịch
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Bà Rịa công tác phòng, chống dịch đều được đảm bảo. Tại chợ Hòa Long, từ ngày 28/10, 100% tiểu thương lắp vách ngăn giọt bắn tại quầy hàng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để phòng, chống dịch. Ngoài ra, mỗi tiểu thương đều trang bị cho mình một chai cồn 70 độ khử khuẩn.
Người dân đến chợ phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế, sau đó mới vào gian hàng mua thực phẩm với yêu cầu phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m. “Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, được trang bị vách ngăn chúng tôi yên tâm hơn. Trong quá trình mua bán khi lấy tiền và đưa tiền thừa cho khách chúng tôi cũng phun khử khuẩn bằng cồn”, bà Nguyễn Thị Hương, tiểu thương kinh doanh rau củ quả tại chợ Hòa Long nói.
Ông Trần Thanh Nghị, Trưởng BQL chợ Hòa Long cho hay, vách ngăn giúp người bán hạn chế tiếp xúc với người mua khi đến chợ. Lớp vách ngăn này trong suốt, không gây khó khăn khi mua bán. Do đó tất cả tiểu thương đồng tình, ủng hộ. Hiện tiểu thương đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin. Ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở tiểu thương tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tương tự, tại chợ Phước Nguyên (phường Phước Nguyên) công tác phòng chống dịch cũng được thực hiện nghiêm ngặt, khi vào chợ tất cả mọi người đều phải đo thân nhiệt, khử khuẩn. Tất cả quầy hàng đều được lắp vách ngăn giọt bắn cao quá đầu người lớn đứng, phía dưới để hở một đoạn chừng 20cm để tiểu thương và khách hàng trao đổi mua bán mà không chạm mặt trực tiếp.
Chị Hoàng Vân Anh (phường Long Tâm, TP.Bà Rịa), khách hàng đi chợ Phước Nguyên cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ việc lắp đặt vách ngăn này vì cảm thấy an toàn hơn khi đi chợ”.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG -THÙY HƯƠNG