.

Hạnh phúc của "Người lái đò"

Cập nhật: 19:50, 12/11/2021 (GMT+7)

Ba mươi năm gắn bó với nghề dạy học, gắn bó với biết bao thế hệ học trò, đủ mọi hoàn cảnh nhưng ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là cậu học trò tên Hiếu, lớp 4C, trường TH Thắng Tam (TP. Vũng Tàu) do tôi chủ nhiệm cách đây hơn hai mươi năm.

Cô Nguyễn Thị Cúc Hoa, GV Trường TH Nguyễn Thái Học và HS tại ngôi trường cô đang công tác.
Cô Nguyễn Thị Cúc Hoa, GV Trường TH Nguyễn Thái Học và HS tại ngôi trường cô đang công tác.

Tôi vẫn nhớ như in hôm đó là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sau khi dự lễ tri ân thầy cô do nhà trường tổ chức, tôi vừa về đến nhà thì thấy một cậu thanh niên đang đứng trước cổng, trên tay cầm một bó hoa hồng. Tôi chưa kịp lên tiếng, cậu đã cười thật tươi: Em chào cô ạ! Cô còn nhớ em không ạ? Tôi ngạc nhiên pha chút bối rối vì vẫn chưa nhận ra em.

Em là Hiếu, có biệt danh Hiếu lò cò, Hiếu chân ngắn, chân dài đây ạ. Cô chủ nhiệm em hồi năm lớp 4 đó cô. Hôm nay ngày Nhà giáo Việt Nam em đến chúc mừng và cám ơn cô ạ!

Một thoáng bỡ ngỡ, tôi dần nhận ra em - cậu bé Hiếu ngày nào. Ôi thằng Hiếu hả? Nay lớn quá, cô nhận không ra, hơn hai mươi năm rồi còn gì... Trong ký ức tôi dần hiện ra hình ảnh cậu học trò nhỏ bé với đôi chân không bằng nhau hằng ngày vẫn đạp xe đến trường và nhảy lò cò từng bước theo từng bậc thang lên tầng 3 để vào lớp học.

Ngày đó, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 4C. Một hôm tôi đang say sưa giảng bài thì cô văn thư dẫn phụ huynh và một em HS đến trước cửa lớp tôi và nói: “Chị nhận HS mới nhé!”. Tôi tiếp nhận giấy vào lớp từ tay cô văn thư và hướng dẫn em vào lớp. Nhìn em bé choắt như HS lớp 2 đi vào lớp, tôi ngạc nhiên và lặng đi trong giây lát, chân trái em ngắn hơn chân phải. Tôi nhẹ nhàng hỏi em: “Con có thể tự đi về chỗ ngồi được không?”. Em dạ một tiếng rõ to và nhảy lò cò vào lớp. Sau đó tôi được mẹ Hiếu cho biết em bị tật từ khi mới sinh ra nên đi lại khó khăn. Ba em mất sớm, mẹ không có việc làm ổn định, hằng ngày phụ bán quán ăn, cố gắng lo cho cháu ăn học.

Cuối buổi học, khi tiếng trống trường báo hiệu giờ ra về, tôi âm thầm quan sát Hiếu để xem em sẽ xoay sở xuống sân trường và ra về như thế nào? Rất nhanh nhẹn, em dọn sách vở vào cặp, khoác lên vai và nhảy lò cò ra xếp hàng cùng các bạn. Sau đó tôi đi theo em xuống sân trường và bất ngờ thấy em đến nhà xe HS. Tôi vội gọi hỏi: Hiếu, em chạy xe đi học được hả? Nhớ chạy xe cẩn thận nghe… Dạ, em cám ơn cô.

Nhìn em lên xe một cách rất thuần thục, dáng ngồi đạp xe xiêu vẹo, lệch sang một bên nhưng tự tin của em, tôi vừa thương vừa thầm thán phục ý chí, nghị lực của cậu học trò đặc biệt này và quyết định sẽ chạy xe theo em. Đang đi, tôi thấy em đi chậm lại và dừng xe trước một quán cà phê. Tôi dừng xe theo dõi. Em xuống xe, dựng trước quán rồi mở cặp lấy ra một tập vé số nhảy lò cò vào quán. Sống mũi tôi bỗng cay cay, mắt như nhòe đi. Đợi em đi ra tôi tiến lại gần em và hỏi:

- Sau giờ tan trường em vẫn bán vé số mỗi ngày như vậy sao?

Hiếu giật mình có lẽ không nghĩ lại gặp cô giáo. Nó lí nhí chào tôi và nói:

- Dạ, ngày nào em cũng tranh thủ đi bán để có tiền đóng tiền học và phụ giúp mẹ cô ạ.

Nhìn khuôn mặt đỏ ửng, nhễ nhại mồ hôi vì nắng, tôi thấy xót xa, giọng như nghẹn lại: “Cô sẽ mua hết phần vé còn lại cho em hôm nay, em tranh thủ về nhà cơm nước và nghỉ ngơi để chiều còn đi học nữa nhé”. Em từ chối sự giúp đỡ của tôi. Tôi phải giải thích và thuyết phục mãi em mới đồng ý đưa tôi tập vé số và miệng nói lời cám ơn.

Ngày hôm sau tôi đến trường sớm hơn mọi ngày và trình bày với Ban giám hiệu và Hội Cha mẹ học sinh về hoàn cảnh của Hiếu. Nhà trường, Hội Cha mẹ học sinh trường, lớp và cá nhân tôi đã quyết định hỗ trợ em trong học tập, giúp đỡ em một phần trong cuộc sống xem như một món quà dành tặng em, để em có thêm nghị lực, niềm tin và tiếp tục vươn lên trên con đường học vấn.

Một năm trôi qua thật nhanh, hàng phượng vĩ đã nở bông đỏ rực sân trường, báo hiệu năm học đã kết thúc. Cuối năm học, Hiếu đã đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong ngày lễ phát thưởng, nhìn em rụt rè, ngượng ngập xen lẫn niềm vui hiện lên trong khóe mắt đứng trên sân khấu nhận thưởng một cảm xúc đan xen trào dâng trong tôi: vui, xúc động, hãnh diện về cậu học trò “đặc biệt” này. Buổi lễ kết thúc, em đến bên tôi rưng rưng nước mắt, cảm động nói: Em vô cùng biết ơn cô, các bạn, nhà trường và em xin hứa sẽ luôn tiếp tục cố gắng, vượt mọi khó khăn để vươn lên, để học tốt.

Sau buổi lễ tổng kết năm học ấy, tôi vẫn tiếp tục công tác “trồng người” và sau đó tôi được tin em đã theo mẹ về Đắk Lắk sinh sống. Thế là từ đó tôi không biết được thông tin gì về em nữa. Tôi chỉ thầm mong về nơi sinh sống mới em vẫn là một cậu bé chăm ngoan, giàu nghị lực.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi nhưng với tôi hình ảnh cậu bé “nhảy lò cò” mỗi ngày đến trường mãi tôi không bao giờ quên. Và cho đến hôm nay sau hơn hai mươi năm, đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em đã đưa đến cho tôi một “món quà” bất ngờ đầy xúc động. Cậu học trò Hiếu bé choắt ngày nào giờ đã ra dáng một thanh niên thực thụ, đang đứng trước mặt tôi.

Niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa mà có lẽ chỉ những “người lái đò” như chúng tôi mới nhận được.

Cô NGUYỄN THỊ CÚC HOA
(GV Trường TH Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu)

.
.
.