.

Mãi trọn niềm yêu…

Cập nhật: 19:47, 12/11/2021 (GMT+7)

Trong sự nghiệp “trồng người” của mình, tôi đã gắn bó với 5 trường tiểu học. Trong chặng đường dài gần 30 năm ấy, nơi đâu cũng là trường, là nhà và nơi đâu tôi cũng phấn đấu hết mình vì học sinh thân yêu. Nhưng ngôi trường đầu tiên vào nghề - Trường tiểu học Nguyễn Thị Định - ngôi trường nhỏ bé, đơn sơ chỉ hơn mười phòng học nằm ở cuối xã Bình Châu, lẻ loi giữa bãi cát mênh mông, gần vùng biển hoang sơ là nơi in đậm trong tôi chuỗi kỷ niệm khó quên nhất trong nghề. Đây chính là nơi vun đắp trong tôi lòng yêu nghề, mến trẻ.

Cô Bùi Thị Thủy và các học trò trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (năm học 1999-2000).
Cô Bùi Thị Thủy và các học trò trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (năm học 1999-2000).

Từ nhà tôi ở thị trấn Phước Bửu ra trường phải đi quãng đường xa hơn 20km, chưa kể phải ngang qua đoạn đường rừng khá vắng vẻ với không ít lời đồn thổi về những câu chuyện tâm linh, kỳ bí. Vì vậy, tôi phải ở lại khu tập thể giáo viên, cuối tuần mới đạp xe về nhà.

     Năm thứ 5 về trường, tôi được phân công dạy lớp 5B - lớp học với nhiều gương mặt ấn tượng. Đức Bình - lớp trưởng với giọng nói ồm ồm, hơi lắp, nước da đen sạm vì nắng và gió biển nhưng đôi mắt sáng và rất thông minh. Như Bình - cô học trò xinh xắn, người tròn trịa với nước da trắng hồng, đôi mắt to đen lay láy. Phúc “mộng du” trầm tính, có năng khiếu về toán... Đặc biệt biệt nhất là đôi bạn Vương và Khánh. Khánh nhỏ con, hiền lành, chăm chỉ. Vương thân hình bé nhỏ, em kém may mắn hơn bạn bè vì sau một trận sốt, em bị bại liệt một chân còn, một chân cũng rất yếu, không thể đi lại bình thường. Em chỉ có thể chống nạng dấn từng bước nhọc nhằn trên đường đất, còn từ đường đất vào lớp, Khánh hoặc các bạn sẽ thay phiên cõng Vương. Lần đầu tiên thấy Khánh cõng Vương hai bàn chân lún sâu dưới lớp cát dày, tôi vội đi đến bế Vương vào lớp và lặng người rất lâu khi chạm vào đôi chân tong teo của em.  

Hơn hai mươi năm rồi nhưng chuỗi kỷ niệm về 5B chưa bao giờ phai mờ trong ký ức. Hôm ấy, một ngày đầu tháng 11, trời mưa tầm tã kéo dài cả buổi sáng. Tan học, dù mưa cũng đã tạnh nhưng tôi chưa ra về mà nán lại khá lâu trên lớp. Mải loay hoay với suy nghĩ không biết phải đẩy xe đạp cùng chiếc cặp to đùng đi về bằng cách nào, dù đường từ trường về phòng tập thể giáo viên chỉ hơn 3km nhưng phải ngang qua đoạn đường đất thấp trũng, lầy lội, trơn trượt. Bỗng Đức Bình cùng nhóm bạn chạy vào:

- Cô ơi, sao cô chưa về ạ?

Tôi thoáng giật mình:

Sao các em còn ở đây? Về đi kẻo ba mẹ lo lắng, hơn 12 giờ rồi còn gì?

Dạ, tụi em chờ cô về rồi về luôn ạ!

Các em về trước đi, cô chờ thêm lát nữa xem đường có khô ráo hơn không chứ giờ này chắc không thể dắt xe ngang qua đoạn đường chỗ nhà máy đông lạnh được.

Về đi cô! Tụi em sẽ đẩy xe cùng cô!

Trước sự sốt sắng của các em và không muốn để phụ huynh phải lo lắng vì con đi học về quá trễ, tôi cùng các em ra về. Cô trò cùng xắn quần cao quá gối, loay hoay mãi mới đi được một đoạn đường ngắn, Tôi dắt xe còn các em tay thì xách dép, xách túi, tay thì đẩy phía sau… Đức Bình nhanh trí kiếm đâu ra một cây gậy, cứ đi vài mét em lại dùng gậy gỡ đất bám chặt ở bánh xe.

Sắp qua đoạn đường này rồi các em ạ!

Tôi vừa dứt lời thì loạng choạng vì bánh xe trước sập xuống ổ gà, xe nghiêng qua một bên suýt ngã, chiếc cặp chằng sau xe bung ra, Hướng quăng dép, hai tay chụp vội chiếc cặp của tôi, em trượt chân và té ịch xuống đường, nhưng hai tay vẫn cố giơ chiếc cặp lên cao, cười ngặt nghẽo. Các bạn được dịp cười phá lên, trêu chọc trước bộ dạng lấm lem bùn đất của Hướng. “Hướng xuất chiêu vồ ếch!”, “Anh hùng cứu cặp”! Tôi vội dựng xe và cùng Bình đỡ em dậy.

Có bị đau chỗ nào không em? Quần áo em dơ hết rồi!

Em không sao cô ơi! Quần áo giặt là được ạ. May là em cứu được cái cặp của cô!

Tôi phì cười: “Không có Hướng nhanh tay thì hôm nay chắc cô phải khóc vì giáo án, sổ sách ngậm bùn rồi!”. Từ hôm ấy, cô trò chúng tôi ngày càng gần gũi nhau hơn.

Ngày 20/11 gần kề, xuôi dòng ký ức, tôi càng nhớ các em hơn! Tuy ở vùng xa, nhiều phụ huynh không rành con chữ nhưng đa số các em rất ham học. Một số em có tố chất thông minh đến tôi cũng phải bất ngờ. Sau mỗi buổi học, tôi đều nán lại bồi dưỡng thêm về Toán cho các em Đức Bình, Nhạn, Huy và Phúc (đội học sinh giỏi Toán của lớp) để các em tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện. Cả xã Bình Châu năm học đó có 3 em đạt học sinh giỏi cấp huyện thì lớp tôi đã có 2 em là Phúc và Đức Bình. Ngày nhận kết quả, cô trò tôi vui lắm! Niềm vui đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy lâng lâng!

Trong lớp, chỉ có Nga là học chậm nhất. Không phải em không tiếp thu được mà là do em không muốn đi học. Động viên em học hết được lớp 5, tôi đã thấy rất vui. Gần ngày thi học kỳ 1, Nga nghỉ học mất mấy ngày. Trinh nói với tôi: “Cô ơi, bạn Nga các năm trước hay nghỉ học lắm. Bạn ấy không phải bị bệnh đâu cô. Chiều qua em thấy bạn ấy đi chơi trong xóm đó cô”.

Tan học, trời nắng như đổ lửa, tôi gửi xe đạp ở nhà đầu xóm rồi cùng Trinh đến nhà Nga. Có đoạn cô trò phải xách dép leo qua đồi cát. Trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại. Đôi chân nóng và bỏng rát. Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo. Nếu không có Trinh thì chắc tôi cũng khó tìm ra được nhà Nga. Nga bất ngờ, lí nhí chào tôi. Đến đây tôi mới biết được Nga đã có ý định nghỉ học từ lâu. Em muốn đi bán cá phụ mẹ hoặc xin vào làm công nhân xí nghiệp đông lạnh như mấy chị em lối xóm. Tôi trò chuyện, tâm sự với hai mẹ con Nga một lúc lâu rồi ra về. Từ hôm sau, Nga luôn đi học đều đặn. Tôi cũng ân cần và quan tâm, nhẹ nhàng với Nga hơn. 

Tôi nhớ đến Đức Bình. Sau tiết học Lịch sử về Ngọn đuốc sống, giờ ra chơi, em chạy lên đứng cạnh tôi đôi mắt còn đỏ hoe:

Cô ơi! Nếu bây giờ giặc mà sang xâm lược nước ta thì em cũng sẽ làm Ngọn đuốc sống giống như anh Lê Văn Tám!

Năm học ấy cũng là năm học đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Lần đầu tiên tôi tham gia kỳ thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và kỳ diệu thay - điểm trường tôi đến dạy lại là chính là ngôi trường Tiểu học Hạ Long thân yêu mà hôm nay tôi đang gắn bó. Một cô giáo quê mùa như tôi, sau chặng đường dài gần 70km với lỉnh kỉnh tranh vẽ về Người thợ rèn và về Sự sinh sản ở người, sau cái run của những giây phút đầu trước ngôi trường lạ, học sinh không quen và năm vị giám khảo ngồi phía dưới, tôi say sưa với hai tiết dạy của mình mà không nghĩ mình đã gây ấn tượng mạnh với các giám khảo. Cũng chính năm học ấy, tôi vinh dự được nhận Bằng khen và học bổng dành cho giáo viên xuất sắc do báo Lao động và Chương trình P/S Bảo vệ Nụ cười Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo trao tặng.

Buổi chia tay cuối năm của cô trò tôi thật dài. Cô trò ôm nhau khóc rưng rức chẳng muốn rời xa. Nga cứ ôm tôi mãi không buông, em nấc lên từng hồi với câu nói đứt quãng “Em sẽ nhớ cô lắm! Không có cô là em đã bỏ học rồi!”. Giờ phút chia tay thật khó khăn. Tôi dắt xe, Vương ngồi sau yên, Bình, Hướng, Nhạn.... đẩy phía sau. Cô trò cứ thế đi bộ vừa đi vừa trò chuyện cho đến hết đoạn đường đất quen thuộc cũng là lúc em học sinh cuối cùng về đến lối rẽ vào nhà. Thế là một năm học đã kết thúc tốt đẹp. Một chuyến đò nữa đã sang sông. Các học sinh của tôi sẽ tiếp tục hướng đến chân trời mới - Nơi đó chắc chắn là một tương lai rộng mở. Vòng quay xe chậm chậm đều đều. Tôi vừa vui vừa nghèn nghẹn trong lòng.

Sau năm học ấy, tôi đã chuyển về trường ở thị trấn gần nhà theo sự bố trí của ngành giáo dục. Tôi xa Bình Châu, xa các em học sinh thân yêu của tôi từ ngày ấy.

Cảm ơn các em học sinh yêu quý đã vun đắp cho tôi lòng yêu nghề, giúp tôi vơi đi nỗi trăn trở một thời với giấc mơ bên giảng đường đại học còn dang dở. Từ Bình Châu, tôi mang theo nhiệt huyết và tình yêu thương học sinh đến với những hành trình mới - tiếp tục miệt mài góp sức mình vào sự thành công chung của những ngôi trường tôi yêu!

BÙI THỊ THỦY

(Trường Tiểu học Hạ Long TP. Vũng Tàu)

.
.
.