Chung tay bảo vệ đại dương

Chủ Nhật, 21/11/2021, 19:46 [GMT+7]
In bài này
.

Họ là những người âm thầm làm sạch bãi biển khi khách du lịch rời đi, khi đại dương bất ngờ đưa rác tới. Nhiều năm qua, họ vẫn miệt mài làm công việc tình nguyện không lương, không thù lao vì một đại dương xanh.

Tình nguyện viên tham gia thu gom rác thải đại dương tại bờ biển Vũng Tàu.
Tình nguyện viên tham gia thu gom rác thải đại dương tại bờ biển Vũng Tàu.

Yêu đại dương - bảo vệ môi trường

Cuối tuần nào cũng vậy, anh Nguyễn Tấn Phát - người sáng lập nhóm Chạy Nhặt và các thành viên của nhóm thức dậy từ 6 giờ sáng để vừa chạy vừa nhặt rác trên biển. Hơn 3 năm qua, trừ những ngày TP. Vũng Tàu áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, còn lại anh và các thành viên của nhóm đều có mặt trên bãi biển để nhặt rác. Việc làm đó được duy trì đều đặn chỉ vì lý do duy nhất đó là tình yêu đại dương và muốn bảo vệ môi trường, hạn chế tác hại do rác thải nhựa mang lại.

Theo anh Phát, Chạy Nhặt là dự án cộng đồng được viết tắt từ chạy bộ và nhặt rác. Ý tưởng thành lập dự án xuất hiện sau khi anh quan sát lượng rác thải nhựa mắc vào lưới nhiều hơn cá tại biển Vũng Tàu. “Tuổi thơ gắn liền với biển nên khi còn nhỏ tôi thường thấy cá mắc vào lưới cùng với rất nhiều rác nhựa. Từ tình yêu dành cho biển, cũng như cơ hội gặp gỡ bạn bè và các nhà bảo vệ môi trường trên thế giới, tôi đã thành lập nhóm Chạy Nhặt”, Nguyễn Tấn Phát giải thích lý do.

Tháng 2/2018, nhóm Chạy Nhặt ra đời. Ban đầu nhóm chỉ có 3 thành viên chính là những người bạn cùng tâm huyết với Phát tham gia. Đến nay, nhóm đã có 20-30 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Mỗi ngày, nhóm Chạy Nhặt thu gom được hàng chục kg rác thải nhựa trên bãi biển để đưa lên bờ xử lý.

Câu chuyện tình yêu môi trường đặc biệt của Chạy Nhặt nhanh chóng được lan tỏa trên các website của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Bangkok, Thái Lan; được nhiều tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới quan tâm.

Ngày 27/9, Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu đã huy động 30 công nhân và nhiều bạn trẻ thu gom và xử lý 20 tấn rác thải đại dương trôi dạt vào bờ biển Vũng Tàu. Trong số đó có những bạn trẻ đã âm thầm làm sạch biển từ nhiều năm qua. 

Đào Nguyên Kim (17 tuổi), người sáng lập dự án Live Green (TP. Vũng Tàu) cho biết, trước đây rác đại dương chủ yếu là lục bình, quả đước, củi mục, thân dừa nước… Những năm gần đây, trong số rác dạt vào biển Vũng Tàu có nhiều rác thải nhựa như chai nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp, túi ni lông. Không quản ngại khó khăn, vào những sáng cuối tuần, Đào Nguyên Kim luôn cùng các bạn có mặt từ sớm, cặm cụi nhặt nhạnh từng cái ly nhựa, từng chiếc ống rút, từng bao ni lông rồi đưa lên bờ cho xe chuyên dụng chở đến nơi xử lý.

“Có những đợt rác thải đại dương dồn về hàng chục tấn, 3-4 ngày liên tục em và các bạn luôn có mặt cùng lực lượng chức năng thu gom rác. Tụi em yêu biển, yêu môi trường nên chẳng ai nề hà việc khó nhọc, chỉ cần mỗi ngày thấy biển sạch đẹp và bình yên là hạnh phúc rồi”, Kim nói.

Các thành viên nhóm Chạy Nhặt thu gom rác thải trên bãi biển Vũng Tàu.
Các thành viên nhóm Chạy Nhặt thu gom rác thải trên bãi biển Vũng Tàu.

Không riêng gì các bạn trẻ, nhiều doanh nghiệp cũng đã chung tay bảo vệ đại dương trong nhiều năm qua. Dù họ chỉ xuống biển một vài lần rồi rút đi nhưng những thông điệp về bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương mà họ mang tới có lẽ vẫn còn đọng lại.

Ông Hồ Quyền Lợi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Huhtamaki Việt Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay, công ty đã tài trợ cho Tổ chức WasteAid thực hiện dự án “Mạng lưới kinh tế tuần hoàn” tại 3 nước Việt Nam, Ấn Độ và Nam Phi. Trong đó, Công ty chọn bãi biển Vũng Tàu, Long Hải và Côn Đảo làm các điểm đến để thực hiện thu gom rác. Đồng thời, Công ty cũng hướng dẫn cách phân loại, phân biệt các loại rác thải có khả năng tái chế, tái sử dụng và khuyến khích mọi người nói không với đồ nhựa khó phân hủy.

“Chúng tôi không ở lại BR-VT nhưng chúng tôi tin rằng hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn sẽ tiếp tục được các bạn trẻ, những DN yêu môi trường tại BR-VT tiếp tục phát huy để đại dương không có rác, môi trường ngày càng trong lành hơn”, ông Lợi nói.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu khẳng định, trong những năm qua, chính quyền TP. Vũng Tàu đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện tình trạng xả rác như cấm ăn nhậu, xả rác trên bãi biển, khu vực công cộng. Nhờ sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, du khách nên tình trạng xả rác đã giảm rõ rệt. Các bãi biển ở Vũng Tàu luôn sạch sẽ, làm hài lòng du khách. Tuy nhiên, đối với lượng rác từ đại dương dạt vào, ngoài việc tổ chức thu gom ra không có cách nào khả thi hơn. Muốn hạn chế rác thải đại dương, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, nói không với xả rác xuống biển. Đó là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải từ đại dương. 

Ông Thuấn thông tin thêm, Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy tại Hà Nội đang hợp tác với Công ty SCG Norway AS và Liên minh Chấm dứt rác thải nhựa - một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế tập trung tìm kiếm các giải pháp chấm dứt rác thải nhựa tại Việt Nam. Các đơn vị này mong muốn hợp tác với TP. Vũng Tàu để phát triển dự án “TP. Vũng Tàu không rác thải nhựa” với mục tiêu cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn của thành phố. "Hiện tại, TP. Vũng Tàu có hơn 527 ngàn dân với lượng rác phát thải 358 tấn/ngày. Thành phố luôn hướng đến mục tiêu “không rác thải nhựa” để xây dựng Vũng Tàu trở thành đô thị văn minh, sạch đẹp, thân thiện môi trường", ông Vũ Hồng Thuấn nói thêm.

Theo Sở TN-MT, BR-VT có hơn 156km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000kmcó nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước… Những năm qua, tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên của biển để phát triển nền kinh tế - xã hội của địa phương.

Các bạn trẻ tham gia thu gom rác thải đại dương tại bãi biển Chí Linh (TP. Vũng Tàu).
Các bạn trẻ tham gia thu gom rác thải đại dương tại bãi biển Chí Linh (TP. Vũng Tàu).

Ngoài khai thác dầu khí, cảng biển, đánh bắt, chế biến hải sản, BR-VT còn tập trung khai thác thế mạnh từ ngành du lịch biển. Do vậy, rác thải nhựa không chỉ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh. Nếu chất thải nhựa không được quản lý hiệu quả thì nguồn tài nguyên và sự đa dạng sinh thái biển mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh sẽ bị đe dọa. Do vậy, việc bảo vệ môi trường không là trách nhiệm của riêng ai, mà cần có sự chung tay của mọi tầng lớp xã hội.

“Mỗi chúng ta phải là người tiên phong trong việc thay đổi tư duy, thay đổi thái độ với các hành vi làm tổn hại đến môi trường để bảo vệ chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn”, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 

;
.