BỆNH VIỆN BÀ RỊA

Ứng dụng kỹ thuật cao vào phẫu thuật cột sống cổ

Thứ Sáu, 12/11/2021, 23:26 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, Bệnh viện Bà Rịa đã triển khai ứng dụng 2 kỹ thuật cao là vi phẫu thuật và đĩa đệm động cứu chữa thành công cho một trường hợp bị liệt tứ chi do các tổn thương nghiêm trọng ở cột sống.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân Q.N. L. Ảnh Bác sĩ Thọ cung cấp.
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân Q.N. L. Ảnh Bác sĩ Thọ cung cấp.

Bệnh nhân thoát khỏi di chứng liệt hoàn toàn

Đầu tháng 10/2021, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bà Rịa) đã tiếp nhận bệnh nhân Q.N. L., 61 tuổi, ở phường 8 (TP.Vũng Tàu) từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) chuyển về. Khi vào bệnh viện, bệnh nhân trong tình trạng tỉnh, nhưng liệt tứ chi, tiểu qua ống Sonde, nẹp cổ cứng, tự thở, dấu hiệu sinh tồn tạm ổn. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định nhập viện tại Khoa Ngoại Thần kinh để tiếp tục điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán, bệnh nhân Q.N.L. có di chứng liệt tứ chi, bí đại tiểu tiện, dập tuỷ sống cổ, hẹp ống sống cổ, thoát vị đĩa đệm ngang mức C4-C5, C5-C6. Bệnh nhân này còn bị đái tháo đường type 2 và đang sử dụng Insuline. Sau thời gian điều trị ổn định chỉ số đường, bệnh nhân cũng đã hết thời gian choáng tuỷ, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh (Bệnh viện Bà Rịa) cùng các cộng sự đã tiến hành phẫu thuật thay đĩa đệm động hai tầng cổ C4-C5, C5-C6 kết hợp cắt dây chằng dọc sau, cắt bỏ các chồi xương, mở rộng ống sống giải phóng tuỷ.

Lần đầu ứng dụng kính hiển vi phẫu thuật

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ thông tin, ca phẫu thuật cho bệnh nhân Q.N.L. có ứng dụng 2 kỹ thuật cao trong y khoa là vi phẫu thuật và đĩa đệm động. Đối với kỹ thuật thay đĩa đệm động thì đây là loại đĩa đệm mới, gần giống với đĩa đệm người về tính linh hoạt khi vận động cổ. Đặc biệt nhất ở ca mổ này là lần đầu tiên ứng dụng kính hiển vi phẫu thuật từ hệ thống kính vi phẫu Tivato 700, trị giá gần 10 tỷ mà tỉnh vừa mới đầu tư cho Bệnh viện Bà Rịa vào điều trị cho bệnh nhân.

Phẫu thuật các bệnh lý vùng cột sống cổ, thường phẫu trường rất hẹp. Các cấu trúc giải phẫu mạch máu, thần kinh vùng cổ cũng rất nhỏ. Trong quá trình phẫu thuật dễ xảy ra tai biến thần kinh, mạch máu đáng tiếc, để lại di chứng nặng nề cho người bệnh. Do vậy, sử dụng kỹ thuật vi phẫu để phẫu thuật cho các trường hợp bệnh lý vùng cột sống cổ sẽ mang lại sự an toàn và đạt hiệu quả điều trị cao cho người bệnh. Việc ứng dụng kính hiển vi vào phẫu thuật giúp phẫu thuật viên phân biệt rõ ranh giới mô lành, mô bệnh, hạn chế tàn phá mô lành, lấy triệt để mô bệnh. Các nước trên thế giới đánh giá rằng, kết quả điều trị phẫu thuật tốt đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý vùng cổ là có sự hỗ trợ từ kính hiển vi phẫu thuật, hệ thống theo dõi thần kinh trong mổ.

Trong thời gian nằm viện, bệnh nhân còn được y bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Phục hồi chức năng và Y Học cổ truyền hỗ trợ hồi phục sức cơ. Sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Việc phẫu thuật thành công ca bệnh này đã giúp cho bệnh nhân Q.N.L. thoát khỏi các di chứng như: Liệt hoàn toàn tứ chi sức cơ 0/5 trở thành yếu tứ chi sức cơ 3/5 và từ bí đại tiểu tiện trở thành tiêu, tiểu được. Đối với bệnh nhân này sau khi xuất viện cần có chương trình phục hồi chức năng, phục hồi sức cơ do teo cơ, chèn ép lâu từ 6 tháng đến 2 năm mới có thể trở lại khoảng 80% như người bình thương cùng lứa tuổi.

“Các bệnh nhân đã từng được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cổ, hẹp ống sống cổ, hội chứng vai gáy có chỉ định phẫu thuật nên đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Ngoại Thần Kinh để được tư vấn điều trị sớm và đúng phương pháp, tránh để lại di chứng nặng nề (có thể ngưng tim, ngừng thở) khi bị chấn thương cơ hội tại vùng cổ”, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ khuyến cáo.

HỒNG PHƯƠNG

 

 

;
.