.

Cẩn trọng sốt xuất huyết vào mùa

Cập nhật: 23:03, 08/10/2021 (GMT+7)

Hiện đang là mùa mưa, thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát, dẫn đến số lượng bệnh nhân nhập viện bắt đầu gia tăng.

Nhân viên y tế Bệnh viện Vũng Tàu lấy mẫu xét nghiệm cho một bệnh nhân SXH.
Nhân viên y tế Bệnh viện Vũng Tàu lấy mẫu xét nghiệm cho một bệnh nhân SXH.

Không tự ý điều trị tại nhà

Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Tâm, cư trú 290/22 đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Vũng Tàu) trút được nỗi lo khi con gái 5 tuổi đã ổn định sức khỏe sau gần 15 ngày bị SXH. Theo lời kể của chị Tâm, ngày 25/9, con gái có dấu hiệu sốt, đau bụng, cơ thể mệt mỏi. Thế nhưng chị không đưa đi khám, bởi nghĩ con bị sốt thông thường. Chị mua thuốc bên ngoài về cho con uống nhưng bệnh không giảm. Đến ngày 29/9, khi thấy có dấu hiệu bệnh trở nặng như đau bụng dữ dội, sốt hơn 39 độ, tay chân tím tái, chị mới đưa con vào Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thìn, khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) cho hay, trường hợp con chị Tâm vào cấp cứu khi bệnh đã rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Lúc đó, bác sĩ không còn bắt được mạch, không đo được huyết áp của bé. Bác sĩ phải xét nghiệm máu để đánh giá tổn thương các cơ quan như gan, thận phổi; truyền dịch tinh thể, đặt CVC… Sau gần 10 ngày được điều trị tích cực, đến nay sức khỏe của con chị Tâm đã dần bình phục và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Trong 9 tháng năm 2021, Bệnh viện Vũng Tàu đã khám và cấp cứu ngoại trú cho 280 trường hợp, điều trị nội trú 213 trường hợp SXH. Riêng giai đoạn mùa dịch SXH như hiện nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Vũng Tàu tiếp nhận 2-3 bệnh nhân SXH. Phần lớn bệnh nhân là trẻ em dưới 15 tuổi.

Thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 50.500 trường hợp mắc SXH. Một số địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Sóc Trăng… đã ghi nhận các trường hợp tử vong do SXH, trong đó tỉnh BR-VT có 2 trường hợp tử vong.

Nâng cao ý thức phòng dịch

SXH là bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt, do virus Dengue gây nên. SXH có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần, biểu hiện đầu tiên của bệnh thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu… Theo các bác sĩ, tùy vào giai đoạn và mức độ, bệnh SXH có những triệu chứng khác nhau. Ở thể nhẹ, chủ yếu sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C; có thể kéo dài liên tục 4 – 7 ngày và rất khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau nhức khớp và cơ; buồn nôn và nôn; có tình trạng nổi mẩn đỏ, phát ban. Ở thể nặng có dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, nôn ra máu, đi ngoài phân đen; có các dấu hiệu cảnh báo như mệt mỏi, li bì, đau bụng nhiều, nôn nhiều, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Ở thể bệnh nghiêm trọng, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết nặng và tụt huyết áp, tổn thương nhiều cơ quan: gan, thận, não; ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Thiếu nhi là đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh SXH, nhất là trẻ dưới 15 tuổi.

Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu thăm khám cho bệnh nhân SXH.
Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu thăm khám cho bệnh nhân SXH.

Theo các bác sĩ, SXH là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm do đây là thời điểm mùa mưa, tạo môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển. Bởi vậy, bên cạnh nhiệm vụ chống dịch COVID-19, người dân không được chủ quan, lơ là trong việc diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh SXH. Bên cạnh đó, các địa phương phải tăng cường triển khai chiến dịch phòng, chống SXH, nếu để bùng phát SXH sẽ rất nguy hiểm.

Hiện căn bệnh này vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa. Điều trị SXH chủ yếu là điều trị triệu chứng vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các bác sĩ khuyến cáo, nhiều người bị SXH nhưng chủ quan, e ngại vì dịch COVID-19 mà không đến các cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm có thể điều trị sai hoặc muộn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. “Để phòng, chống SXH, người dân nên đậy kín các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; ngủ màn, mặc quần áo dài, bôi thuốc chống muỗi khi đi ngủ. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà”, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thìn, Bệnh viện Vũng Tàu tư vấn,

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

.
.
.