Online cùng con trong mùa giãn cách
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh trong tỉnh đã bắt đầu năm học mới từ ngày 5/9 với hình thức học trực tuyến. Để khắc phục những khó khăn trong việc áp dụng hình thức dạy và học này, không chỉ có thầy cô giáo phải nỗ lực hết mình để có một tiết dạy online hiệu quả, mà nhiều bậc phụ huynh đã phải cùng con bước lên bục giảng online.
Mẹ cùng con lên lớp. |
Chị Trần Thu Huyền (Trương Công Định, phường 3, TP.Vũng Tàu) cho biết, bé Nguyễn Bảo Hân, con gái chị năm nay lên lớp 2 Trường TH Quang Trung. Kể từ khi nhà trường bắt đầu thực hiện dạy học online, chị đã xác định là phải lên lớp cùng con. Một phần vì bé chưa thông thạo với thiết bị điện tử, phần khác chị cũng lo con không tập trung vào bài giảng. “Con học, mẹ học là hoàn cảnh chung của nhiều gia đình có con học tiểu học và những ngày đầu tham gia bục giảng online cùng con là những trải nghiệm khó quên. Bởi lẽ, các con rất hiếu động và tò mò với iPad hay điện thoại thông minh. Nên chỉ cần mẹ bỏ bê một chút là con bé quay qua mở phim hoạt hình hoặc chơi game. Có hôm viết chính tả không kịp thì khóc sụt sùi. Nói chung trên bục giảng online cô giáo giảng bài và mẹ cũng phải vừa chăm chú nghe để giảng lại cho bé. Tuy vất vả nhưng chỉ lên lớp cùng con thì phụ huynh mới nắm bắt được các kiến thức mà con mình không hiểu hoặc cách truyền đạt kiến thức của giáo viên chưa phù hợp qua đó phụ huynh có thể góp ý hoặc nhờ giáo viên hướng dẫn, giúp các con tiếp thu kiến thức”, chị Huyền chia sẻ.
Con mất tập trung, con ngủ gật, làm việc riêng, đòi ăn, bật khóc vì nghe không kịp bài giảng hoặc không được cô gọi tên khi giơ tay phát biểu đó là những trải nghiệm đặc biệt của nhiều gia đình khi có con đang học tiểu học. Chị Hoàng Phương Anh, phụ huynh có con đang học lớp 3, Trường TH Thắng Nhất cũng cho biết, hàng ngày cứ vào lúc 7 giờ sáng là khoảng thời gian chị phải gác công việc nội trợ lại để ngồi học cùng con. Cứ thế, hai mẹ con lắp tai nghe cô giáo giảng bài. Có những đoạn con không hiểu mẹ phải ghi chú lại để bổ sung kiến thức cho con sau mỗi buổi học. “Tuy nhiên, có những tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra, đó là do lớp học trên 30 bạn nên có lần con giơ tay phát biểu nhưng không được cô giáo gọi thế là bật khóc. Có hôm còn không chịu học online mà đòi lên trường để được cô giáo thưởng kẹo” - chị Phương Anh cho biết thêm.
Theo các bậc phụ huynh, khoảng thời gian trải nghiệm trên bục giảng online cùng con, đã giúp họ hiểu thêm những vất vả của thầy cô giáo. Dạy học thời @, các thầy cô không chỉ phải vững về kiến thức mà còn phải rành về công nghệ. Do đó, các thầy cô phải luôn tự học hỏi, tự làm mới mình. Có như thế mới “chắc tay” trong những bài giảng để không chỉ “đánh vật” với HS mà phải giải đáp nhiều thắc mắc của phụ huynh trong lớp học.
Chia sẻ về những giờ lên lớp online, cô Lê Thị Huế Hảo, giáo viên trường THCS Phước Thắng cho biết, đối với học sinh lớp 6 khi chuyển cấp lên môi trường mới nhiều em còn lạ lẫm với phong cách dạy học. Do đó, nhiều khi trong tiết dạy có nhiều gia đình không chỉ có một phụ huynh tham gia “dự giờ” mà cả nhà cùng tham gia. Điều này, khiến giáo viên cũng chịu nhiều áp lực. Đồng thời, để quản lý lớp học online hiệu quả đòi hỏi giáo viên trang bị thêm nhiều kỹ năng.
Đó là, cô giáo và phụ huynh phải tạo cho con ý thức tự học và chủ động. Muốn vậy, không nên tạo cho các em các áp lực về điểm số, thành tích mà bắt đầu từ việc hứng thú với bài giảng. Sự tự giác này không bắt nguồn tự nỗi sợ bị rầy la hay áp lực điểm số, mà cần được hình thành từ hứng thú với bài giảng và ham muốn khám phá kiến thức. “Muốn vậy, giáo viên phải luôn tạo hứng khởi cho học sinh bằng cách tham gia nhiều trò chơi như chọn câu trả lời đúng, sai, vỗ tay theo nhịp bài hát, cô và trò cùng bật camera nhìn nhau thực hiện nhiều động tác khởi động. Ai trả lời nhanh và đúng nhất sẽ được tặng quà hoặc tặng điểm thi đua. Mỗi tiết học giáo viên luôn dành 5 phút để chơi các trò chơi khởi động bổ ích vừa giúp các em thư giãn vừa tránh ngồi tập trung lâu trước máy tính”, cô Lê Thị Huế Hảo cho biết thêm.
Dịch bệnh xảy ra không mong muốn, dạy học online là hình thức bất khả kháng. Tuy nhiên, cách học này đang dần chứng minh là một công cụ không thể thiếu trong thời đại số. Đây là khoảng thời gian khó khăn, thử thách của ngành giáo dục nhưng cũng là cơ hội để những người làm giáo dục thúc đẩy sự sáng tạo vào giải pháp đào tạo trực tuyến. Việc duy trì việc học không chỉ giúp phát triển kiến thức mà cả kỹ năng, cảm xúc xã hội cho học sinh. Trong đó, thầy cô cần được trang bị nhiều hơn kỹ năng sư phạm khi dạy học online như đặc điểm tâm lý, khả năng tập trung của học sinh, cách thu hút học sinh tham gia các hoạt động, quản lý lớp online.
Bài, ảnh: THỤY NHIÊN