.
THƯỜNG THỨC VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 VÀ VẮC XIN

Cách làm hay giảm nhanh tác dụng phụ sau tiêm vắc xin

Cập nhật: 20:28, 05/09/2021 (GMT+7)

Tiêm vắc xin là “lá chắn” để bảo vệ cơ thể trước dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc, việc tiêm vắc xin có thể xảy ra những phản ứng từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của từng người. Do đó, khi tiêm cần tuân thủ nghiêm quy trình tiêm theo hướng dẫn của cơ quan y tế, đồng thời tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo đảm an toàn cho chính mình.

Chuẩn bị kỹ trước khi đi tiêm

Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân, nếu có nguy cơ mắc COVID-19 cần xét nghiệm để bảo đảm không bị nhiễm vi rút. Nếu có bất cứ triệu chứng nào như sốt hoặc triệu chứng nhiễm trùng, cần thông báo cho y tế và không đến điểm tiêm chủng. Trước khi đi tiêm, có thể chuẩn bị sẵn các loại thuốc cần dùng sau khi tiêm như thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol là thuốc được Viện Pasteur khuyến cáo mua và sử dụng để giảm các triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, lạnh run, đau nhức có thể xảy ra sau tiêm. Việc uống thuốc giảm đau hạ sốt đều không ảnh hưởng đến việc sinh miễn dịch của vắc xin phòng COVID-19.

Trước khi đi tiêm cần mang theo: CMND/CCCD hoặc thẻ BHYT để xác thực thông tin cá nhân. Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh Android hoặc IOS; khai báo các thông tin cần thiết. Đồng thời thực hiện 5K khi đi tiêm chủng (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) và lưu ý ăn uống đầy đủ trước khi đi tiêm chủng.

Tại thời điểm đi tiêm, người tham gia tiêm chủng cũng cần chủ động thông báo đầy đủ cho cán bộ y tế các thông tin sức khỏe của cá nhân như: Tình trạng sức khỏe hiện tại, các bệnh cấp tính, mãn tính mắc phải hoặc đang điều trị; các thuốc, liệu trình điều trị đang hoặc đã sử dụng trong thời gian gần đây; tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân nào. Sau khi tiêm chủng cần ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng; chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 3 tuần sau khi tiêm. Sau khi tiêm chủng vắc xin vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng dịch, cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin lưu giữ Giấy xác nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Uống nhiều nước và trái cây tươi có vị chua

Sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung trái cây tươi hoặc nước trái cây có vị chua như chanh, cam, kiwi… để cung cấp thêm vitamin C, A và ăn đầy đủ các nhóm chất thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi.

Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo gà, cháo thịt bằm với đậu xanh... và chia nhỏ bữa ăn. Sau tiêm, cơ thể mệt mỏi do tác dụng phụ, nên nghỉ ngơi, không uống rượu, bia; không ăn thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe.

Trường hợp sau tiêm chủng bị mất ngủ kéo dài hoặc bồn chồn kèm theo một trong các dấu hiệu như hoa mắt, chóng mặt, tức ngực, khó thở, mạch nhanh, tăng hoặc tụt huyết áp, co quắp chân tay... cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

HUYỀN TRANG (Tổng hợp)

.
.
.