Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu đã đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT, lùi thời gian học trực tuyến của học sinh (HS) Tiểu học trên địa bàn tỉnh đến 20/9. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh (PH), giáo viên (GV) tiểu học vẫn không khỏi lo lắng về việc dạy và học trực tuyến trong điều kiện hiện nay.
HS lớp 1 Trường TH Long Hương (TP.Bà Rịa) “tựu trường online” với thầy cô, bạn bè trong ngày 1/9. |
Lo sợ không hiệu quả
Chị Nguyễn Phương Linh (khu phố 5, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) có con trai năm nay vào học lớp 1. Thời gian qua, bên cạnh niềm vui, sự háo hức khi con chuẩn bị bước vào lớp 1, chị Linh cũng không khỏi lo lắng, bởi con phải bắt đầu với việc học trực tuyến. Chị Linh chưa hình dung nổi một đứa bé 6 tuổi, chưa từng biết mặt chữ, chưa từng đánh vần sẽ học trực tuyến như thế nào? Chưa kể, học online ở nhà thì kỷ luật giáo dục của con sẽ không cao, con sẽ thiếu tập trung, và không lắng nghe bài giảng, chất lượng học sẽ thấp. “Tôi chưa hình dung nổi bé sẽ luyện chữ, đánh vần thế nào”, chị Linh băn khoăn.
Cũng có con chuẩn bị bước vào học lớp 2, Chị Nguyễn Thùy Trang (khu phố 4, phường Long Toàn, TP. Bà Rịa) cho biết, khi nhận được tin các con sẽ học trực tuyến chị Trang cũng vô cùng lo lắng. Bởi theo chị Trang con học trực tuyến sẽ tạo ra rất nhiều áp lực cho PH vì phải “kèm cặp” con trong suốt quá trình học. Trong khi đó, không phải cha mẹ nào cũng có thời gian để ngồi học cùng con. “Cả hai vợ chồng tôi đều phải làm việc và rất ít thời gian, nhưng với một HS lớp 2 khi con học trực tuyến, ít nhất phải có 1 người, ba hoặc mẹ ngồi “kèm” con. Tôi chưa biết sẽ sắp xếp công việc như thế nào để học cùng con. Ngoài ra, chất lượng học online ở lứa tuổi quá nhỏ cũng là điều đáng phải bàn. Nếu hiệu quả không cao thì không nên tổ chức online cho HS Tiểu học”, chị Trang mạnh dạn đề xuất.
Về phía GV, cô Lưu Thị Khoan (Trường TH Điện Biên, phường Long Toàn, TP.Bà Rịa), cũng đánh giá việc dạy online cho học sinh lớp 1, 2, 3 đang đối diện “vô vàn khó khăn”. Bởi các em còn quá nhỏ, học online cô chỉ có thể tương tác được với các em qua màn hình máy tính, không thể hướng dẫn tỉ mỉ hay uốn nắn cho từng em như ở trường. Đây là một thiệt thòi lớn cho các em, nhất là các em HS lớp 1. “Bình thường học viết trên lớp, cô sẽ cầm tay uốn nắn nét chữ, nhưng học qua máy tính thì với học sinh lớp 1 cô chỉ có thể làm clip và hướng dẫn cho phụ huynh nên việc học online sẽ không hiệu quả bằng”, cô Khoan chia sẻ.
Cùng chung nỗi băn khoăn, cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp (Trường TH Ngãi Giao, huyện Châu Đức) cũng cho biết, không riêng gì phụ huynh và HS, giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn khi dạy học trực tuyến. Dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên cũng phải có những kiến thức nhất định về công nghệ. Nhưng thực tế, không phải giáo viên nào cũng rành công nghệ, nhất là những giáo viên lớn tuổi, do đó việc dạy và quản lý lớp học đối với những giáo viên này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Về phương tiện, máy móc dạy học nhiều giáo viên cũng chưa bảo đảm, thực tế nhiều giáo viên cũng có con học online, việc ưu tiên máy tính hay điện thoại cho ai cũng là điều đáng băn khoăn. Nếu không bảo đảm các cơ sở vật chất thì chất lượng dạy và học cũng sẽ không được bảo đảm.
Nhiều HS không có thiết bị để học trực tuyến
Bên cạnh chất lượng dạy và học thì nhiều phụ huynh cũng gặp rất nhiều khó khăn khi con học trực tuyến. Bởi, không phải gia đình nào cũng có đủ thiết bị để con học online.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (Phường 11, TP.Vũng Tàu), vợ bán vé số, chồng lái xe tải, hơn 2 tháng nay hai anh chị thất nghiệp ở nhà không có thu nhập, việc lo cái ăn, cái uống hàng ngày trong gia đình đã khó khăn với anh chị chứ đừng nói mua sắm điện thoại thông minh hay máy tính để cho con học trực tuyến. “Giờ hai vợ chồng không có tiền để mua máy tính cho con. Nếu con học online, tôi không biết làm sao để con tham gia học”, chị Hạnh lo lắng.
Cô Bùi Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường TH Điện Biên (TP.Bà Rịa) cho biết, qua thống kê, rà soát của nhà trường cho thấy hiện có gần 90 học sinh của nhà trường không có thiết bị để học trực tuyến. Đa số những trường hợp này đều là gia đình hoàn cảnh khó khăn, phải ở nhà trọ. Nhiều gia đình có hai con trở lên cùng học trực tuyến cũng không thể trang bị đủ thiết bị để cho con học bài. “Nhà trường cũng tổ chức kêu gọi các phụ huynh ai có máy tính, điện thoại cũ, không dùng thì cho nhà trường xin lại để hỗ trợ các gia đình HS thiếu thiết bị học trực tuyến. Nhưng đến nay cũng chỉ mới nhận được vài thiết bị cũ do phụ huynh gửi tặng”, cô Hải cho biết.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành GD-ĐT đã chủ động các điều kiện để tổ chức dạy trực tuyến. Tuy nhiên, đến nay qua thống kê, số HS Tiểu học thiếu thiết bị học trực tuyến khá nhiều. Tổng số HS Tiểu học trong năm học 2021-2022 khoảng 115.563 HS, hiện có khoảng 11.230 HS bậc học này đang thiếu thiết bị học trực tuyến. Do đó, Sở GD-ĐT cũng đã đề xuất UBND tỉnh cho lùi thời gian học trực tuyến của HS TH tới 20/9 để bảo đảm các điều kiện cho các em học trực tuyến.
Tại TP.Vũng Tàu, năm học 2021-2022, có gần 60.000 HS tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó, còn 1.366 HS hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh không thể mua sắm trang thiết bị như máy tính, điện thoại cho con học trực tuyến. Còn tại huyện Châu Đức, con số này cũng lên tới 4.000 HS. Hiện nay các địa phương đang vận động cộng đồng xã hội để hỗ trợ máy tính, điện thoại cho các trường hợp khó khăn trên để các em có đủ điều kiện để tham gia học tập trực tuyến.
Trước những vô vàn khó khăn của GV và HS, theo ý kiến của nhiều PH, để tạo thuận lợi cho các em HS Tiểu học học tập tốt, các PH rất mong muốn dừng việc dạy trực tuyến cho HS ở bậc học này và đợi thêm một thời gian dịch bệnh được kiểm soát, cho các em đi học trở lại. Có thể dạy bù cho các em trong thời gian nghỉ hè để kịp chương trình. “Nếu việc tổ chức học trực tuyến không hiệu quả thì không nên triển khai mà lùi thời gian học lại và học cả thời gian nghỉ hè sẽ hiệu quả hơn”, anh Trần Thanh Hải (PH HS lớp 2, Trường TH Lê Lợi, TP.Bà Rịa) kiến nghị.
Còn cô Lưu Thị Khoan cũng bày tỏ, nên lùi lại thời gian đi học cho các em thêm một thời gian nữa để kiểm soát dịch. Sau khi dịch được kiểm soát và các em có thể đi học lại, GV có thể không nghỉ hè hoặc nghỉ Tết ít hơn để dạy bù cho các em cho kịp chương trình, vừa bảo đảm nội dung, vừa bảo đảm chất lượng. “Như vậy, cô và trò sẽ không phải học trực tuyến trong điều kiện khó khăn như hiện nay” cô Khoan bày tỏ.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG
;