Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh trong cuộc họp với BCĐ Phòng, chống dịch COVID 19 TX. Phú Mỹ về các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Nhà máy Giấy Sài Gòn (KCN Mỹ Xuân A), chiều 30/9.
Ông Nguyễn Văn Thọ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Tham dự cuộc họp còn có ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo BQL các KCN tỉnh; chủ đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Xuân A; đại diện một số DN có lượng người lao động lớn trên địa bàn TX. Phú Mỹ.
Nguy cơ lây từ ngoài tỉnh rất cao
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ cho biết, Nhà máy Giấy Sài Gòn (thuộc Công ty CP Giấy Sài Gòn) thực hiện “3 tại chỗ” với 448 người lao động (NLĐ) kể từ khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Từ ngày 25/9, có 370 NLĐ sinh sống trên địa bàn thị xã được phép sử dụng phương tiện cá nhân để đi làm hàng ngày. Ngày 28/9, nhà máy tổ chức xét nghiệm định kỳ cho công nhân và phát hiện 2 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Sáng 29/9, kết quả xét nghiệm RT-PCR tiếp tục khẳng định dương tính. Trong ngày 29/9, UBND tỉnh đã quyết định phong tỏa toàn bộ Nhà máy Giấy Sài Gòn. Đến chiều 30/9, qua xét nghiệm sàng lọc NLĐ trong nhà máy, có thêm 8 người có kết quả PCR dương tính.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Trần Thu Hà, Trưởng nhóm an toàn Công ty CP Giấy Sài Gòn khẳng định, công ty đã thực hiện các phương án phòng chống dịch, tuân thủ việc test 3 ngày/lần cho NLĐ. Tài xế vận chuyển hàng hóa vào nhà máy mặc đồ bảo hộ lao động.
Bác sĩ Hà Văn Thanh, thành viên Ban điều hành CDC tỉnh cho biết, qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng đã xác định nguồn lây của các ca dương tính tại Nhà máy Giấy Sài Gòn là do xâm nhập từ ngoài tỉnh, bởi trước khi thực hiện Chỉ thị 15, TX. Phú Mỹ đã xét nghiệm trên diện rộng và không ghi nhận ca bệnh; các DN thực hiện nghiêm ngặt mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm” đến. Ngay sau khi phát hiện chùm lây nhiễm từ Nhà máy Giấy Sài Gòn, lực lượng chức năng đã phong tỏa nhà máy và 368 hộ dân có liên quan đến các ca bệnh trên. Đồng thời tiến hành truy vết các trường hợp có liên quan đến NLĐ là F0 của nhà máy Giấy Sài Gòn trở về huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc. Qua điều tra dịch tễ và kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ vi rút của các ca bệnh này rất cao, nguy cơ lây lan nhanh, chỉ trong 3-5 ngày tới.
Bác sĩ Thanh cho biết thêm, qua kiểm tra ngày 29/9 cho thấy, Nhà máy Giấy Sài Gòn không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, tài xế vào nhà máy không tuân thủ 5K và khả năng nguồn lây chính là từ tài xế ngoại tỉnh.
Đại diện KCN Mỹ Xuân A thì cho rằng, sau khi tỉnh áp dụng Chỉ thị 15, một số nhà máy đã nhanh chóng mở cửa, đưa lượng hàng quá lớn từ các tỉnh, thành khác vào, trong khi không kiểm soát chặt tài xế dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, BR-VT áp dụng Chỉ thị 15 một phần để tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Nhà máy Giấy Sài Gòn đã không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, không tuân thủ 5K, để xảy ra sự việc đáng tiếc, dẫn đến hệ luỵ lớn. “Thiệt hại đầu tiên thuộc về DN, nhưng những DN khác và cộng đồng cũng bị ảnh hưởng. Thời gian qua, tỉnh đã dốc bao công sức phòng, chống dịch để trở về vùng xanh, TX. Phú Mỹ nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm thì nay sự cố này sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn”.
BR-VT kiên định với mục tiêu “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Do đó, các DN phải kiểm tra thường xuyên, xử lý ngay các trường hợp chưa thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch. Trong ảnh: Người lao động Công ty TNHH Tong Hong Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A) sơ chế các sản phẩm thuộc da. |
An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện DN trong các KCN cũng bày tỏ lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm dịch. Ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng Giám sát Công ty TNHH Xay lúa mì Việt Nam cho biết, trước khi cho NLĐ dừng thực hiện “3 tại chỗ”, công ty đã yêu cầu NLĐ khai báo y tế với địa phương khi trở về nhà và thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến” bằng phương tiện cá nhân khi trở lại làm việc. Tuy nhiên, ông Quang đề xuất địa phương nên duy trì các chốt kiểm soát, nếu NLĐ không có giấy đi đường phục vụ công việc, giấy đi đường không đúng giờ thì yêu cầu NLĐ quay lại.
Còn ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Nhà máy kính NSG thuộc Công ty TNHH Công nghiệp kính NSG Việt Nam cho rằng, khi tỉnh thực hiện Chỉ thị 15, công ty lo nhiều hơn mừng. Bởi từ khi thực hiện Chỉ thị 16, công ty thực hiện phương án “3 tại chỗ” với hơn 400 NLĐ khá an toàn. Nhưng nếu khi thực hiện Chỉ thị 15 cho NLĐ di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì không biết cách nào để kiểm soát họ, nguy cơ cao hơn “3 tại chỗ”. Do đó, mặc dù tỉnh đã áp dụng Chỉ thị 15 được 1 tuần nhưng công ty vẫn đang thực hiện “3 tại chỗ” để bảo đảm an toàn cho sản xuất. “Chúng tôi dự kiến ngày 1/10 sẽ mở của cho NLĐ trở về nhưng qua sự việc của Nhà máy Giấy Sài Gòn, công ty đang phải tạm dừng kế hoạch này”, ông Minh nói.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ khẳng định lãnh đạo tỉnh rất chia sẻ với khó khăn của DN nhưng vẫn phải kiên định mục tiêu “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Do đó, các DN phải kiểm soát chặt nguồn lây từ bên ngoài, đặc biệt là tài xế vận chuyển hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy. Các DN không được chủ quan, lơ là, bởi chỉ cần một ca lây nhiễm trong nhà máy thì cũng có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, làm đứt gãy chuỗi sản xuất… Ông Thọ cũng yêu cầu lực lượng chức năng phải kiểm tra thường xuyên, xử lý ngay các trường hợp DN chưa thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch, nếu không bảo đảm an toàn thì yêu cầu đóng cửa.
Bài, ảnh: QUANG VŨ