Tập trung toàn lực để nhanh chóng dập dịch

Thứ Hai, 23/08/2021, 23:55 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 23/8, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã chủ trì 2 cuộc họp về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh; đánh giá tình hình, diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh và bàn các giải pháp để nhanh chóng khống chế dịch bệnh.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Mở rộng cơ sở, bổ sung thuốc, trang bị y tế

Cuộc họp về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 được kết nối trực tuyến với các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, thông qua điểm cầu tại UBND các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế nhận định: tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát, song nguy cơ gia tăng ca nhiễm vẫn tiềm ẩn vì sắp tới BR-VT sẽ đón người dân sống tại TP. Hồ Chí Minh về địa phương. Ngoài ra, các bệnh nhân nặng đang điều trị tại các BV tuyến cuối ở TP. Hồ Chí Minh được xuất viện về nhà tại tỉnh sẽ tăng thêm gánh nặng cho công tác phòng chống dịch. Ngành y tế đề xuất mở rộng thêm cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 sau ngày 25/8 lên 5.000 giường, đưa vào sử dụng thêm 4 bệnh viện dã chiến với 1.000 giường; tiếp tục quy hoạch mở rộng thêm hệ thống điều trị bệnh nhân, kêu gọi sự chi viện y bác sĩ từ ngoại tỉnh và huy động nguồn lực trong nhân dân.

Tại cuộc họp, các ý kiến kiến nghị tập trung vào việc chăm sóc tốt về dinh dưỡng cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân tầng 3. Tỉnh cần trang bị thêm bình oxy, máy đo nồng độ oxy trong máu ngay từ tầng điều trị thứ nhất; huy động thêm đội ngũ y, bác sĩ, những người có kinh nghiệm hồi sức cấp cứu; đồng thời dự phòng thuốc, vật tư, thiết bị y tế sử dụng cho các cơ sở điều trị trong ít nhất 1 tháng.

Đồng tình với các kiến nghị trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thị Yến cho rằng dù trang thiết bị y tế hiện nay không thiếu, song cần phải có dự phòng tăng thêm. Ngành y tế cần rà soát, tính toán số lượng dụng cụ, thiết bị, thuốc điều trị dự trữ, trình UBND tỉnh duyệt mua, chỉ khi bảo đảm đầy đủ điều kiện thì công tác chữa trị mới đạt hiệu quả cao.

Thông tin về việc mua bổ sung thuốc điều trị và trang thiết bị y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho biết, UBND tỉnh đã cho chủ trương Sở Y tế tính toán đặt mua dự phòng, nhưng quan điểm của tỉnh là không lãng phí và quản lý tốt. Tỉnh sẽ điều động đội ngũ y tế có chuyên môn đang làm công tác lấy mẫu xét nghiệm ở các chốt trực kiểm soát giao thông, thay thế bằng lực lượng phù hợp, trường hợp cấp thiết sẽ kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ các tỉnh, thành bạn.

Kết luận cuộc họp về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đánh giá cao sự trợ giúp và phối hợp tích cực của đội ngũ y, bác sĩ trong và ngoài tỉnh trong công tác chữa trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Các tuyến chữa trị càng ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, chất lượng tốt hơn. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cách tốt nhất để nâng cao hiệu quả chữa trị, tránh quá tải cho các cơ sở điều trị là phải giảm F0. Do vậy, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải ủng hộ những biện pháp mà tỉnh đang thực hiện nhằm kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Ông Phạm Viết Thanh cũng đề nghị đội ngũ y tế cẩn trọng khi chữa trị bệnh nhân COVID-19, song cần tế nhị, chu đáo với bệnh nhân tâm thần, bệnh nan y… Tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa về chế độ, chính sách cho đội ngũ y tế và cung cấp trang thiết bị đầy đủ.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16

Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, tính từ 18 giờ ngày 22/8 đến 18 giờ ngày 23/8, BR-VT ghi nhận 95 ca mắc COVID-19 mới; trong đó, 1 ca ghi nhận ngoài cộng đồng tại phường 12, TP. Vũng Tàu. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại TT. Long Hải (huyện Long Điền), phường Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu). Tỉnh đang tập trung kiểm soát chặt việc giãn cách ở mức cao nhất đối với TT. Long Hải bắt đầu từ 00 giờ ngày 23/8 đến 30/8. Các địa phương khác cũng tăng cường các biện pháp mạnh mẽ hơn việc trong việc giãn cách để nhanh chóng khống chế dịch bệnh.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ tỉnh cho biết, việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đã giúp tỉnh cơ bản kiểm soát dịch bệnh. Số ca mắc cộng đồng giảm mạnh, ngày 23/8 chỉ có 1 ca ghi nhận ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, một số địa phương đang diễn biến phức tạp, liên tục ghi nhận các ca mắc COVID-91 trong mấy ngày gần đây. Khả năng lây nhiễm cộng đồng cao giữa các khu phố trên địa bàn.

Các địa bàn nóng nói trên đã và đang triển khai nhiều biện pháp mạnh để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16; đồng thời xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ người dân. Tính đến nay, TP. Vũng Tàu đã hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 toàn bộ cư dân phường Thắng Nhì, đang chờ kết quả từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC).

Lãnh đạo TX. Phú Mỹ cũng cho biết, đang tăng cường kiểm soát chặt các chốt ra vào địa bàn và các khu nhà trọ, nhất là sau khi phát hiện ổ dịch COVID-19 là nhóm thanh niên sử dụng ma túy từ huyện Châu Đức sang địa bàn TX. Phú Mỹ.

Toàn tỉnh có 14 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với gần 3.000 giường bệnh, chia làm 3 tầng, trong đó tầng 3 - trung tâm ICU điều trị bệnh nặng và nguy kịch với 100 giường. Số bệnh nhân đang điều trị tính đến 23/8 là 1.124 người, giảm 122 người so với ngày 15/8. Ngành y tế đã huy động toàn lực cho công tác khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Về công tác tiêm vắc xin, Bộ Y tế đã phân bổ cho BR-VT số lượng vắc xin đợt 6, lần 1 là 1.170 liều. Đến trưa 23/8, các địa phương: huyện Xuyên Mộc, TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ đã nhận 870 liều và đang xây dựng kế hoạch để tiêm.

Phát biểu kết luận cuộc họp này, ông Phạm Viết Thanh nhận định, thời gian qua các lực lượng phòng chống dịch đã vào cuộc mạnh mẽ, nỗ lực rất lớn, và có sự phối hợp đồng bộ, xuyên suốt trong công tác phòng, chống dịch. Các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt ở mức cao nhất áp dụng cho TT. Long Hải là bài học kinh nghiệm để có thể triển khai ở các khu phong tỏa khác nếu các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đang áp dụng không triệt để. “Chúng ta không thể bắt người dân cứ chịu cảnh giãn cách quá lâu, mà cần phải quyết liệt, bằng những biện pháp mạnh hơn như đã áp dụng ở Long Hải để sớm đạt mục tiêu, khống chế triệt để dịch bệnh”, ông Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh đang thực hiện song song 2 giải pháp là siết chặt giãn cách và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc và hiện chưa có biện pháp nào hữu hiệu hơn. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần tập trung, nỗ lực hơn nữa để triển khai tốt, triệt để 2 biện pháp này.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ TT. Long Hải; huy động nguồn lực, lương thực, thực phẩm từ các địa phương cùng chung tay, góp sức cho Long  Hải trong những ngày giãn cách nghiêm ngặt.

Bài, ảnh: MINH THIÊN-ĐĂNG KHOA

;
.