Tình người trong những ngày giãn cách
Chia nhau từng con cá, mớ rau, cọng hành hay làm “shipper” cho hàng xóm để hạn chế người đi chợ trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp... là những việc làm thấm đẫm tình người. Những việc làm đó như ngọn lửa sưởi ấm lòng người trong những ngày giãn cách.
“Đi chợ dùm” trong những ngày giãn cách là việc làm hết sức nhân văn và sâu sắc trong việc phòng chống dịch. |
Chị Nguyễn Thị Hường (chung cư Seaview, TP. Vũng Tàu) cho biết, sau mấy ngày giãn cách xã hội, gia đình chị cũng như nhiều nhà khác thiếu rau xanh và các loại thực phẩm thiết yếu như: mì gói, thịt, cá… vì gần như siêu thị nào cũng hết hàng, chợ đóng cửa. Trong hoàn cảnh đó, chị được hàng xóm san sẻ thực phẩm. “Chúng tôi lập nhóm trên zalo, mỗi khi nhà nào cần gì thì lên nhóm hỏi. Nhà nào có thì họ mang tới treo ngoài cửa nhà rồi bấm chuông kêu mình ra lấy hoặc treo ở cửa phòng nhà đó rồi mình tới lấy. Cách làm này đã hạn chế được việc tiếp xúc trực tiếp, bảo đảm phòng, chống dịch. Đúng là hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Chưa bao giờ tôi thấm thía câu bán anh em xa mua láng giềng gần đến thế”, chị Hường xúc động cho hay.
Nhà có con nhỏ, chồng lại đi làm xa nên những ngày này chị Hoàng Linh Thảo (chung cư Vietubes, phường 9, TP. Vũng Tàu) sống cảnh nhà có gì nấu nấy, có hôm muốn nấu món riêu cá mà không có cà chua, rau nêm nếm. Chị “than thở” trên zalo cho vui, không ngờ chỉ 2 phút sau hàng xóm đã biết được nên người thì cho cà chua, người cho thì là, hành, ớt. “Vài cọng hành, với chút rau nêm mà quý giá vô cùng, những người hàng xóm quanh tôi luôn nhắc nhở nhau rằng, có gì mình chia nhau cái nấy. Nhờ giãn cách mà những người sống trong khu chung cư biết nhau, chia sẻ với nhau và thân thiết hơn. Thật ấm lòng”, chị Hoàng Linh Thảo chiêm nghiệm.
Giữa những bon chen, bộn bề của cuộc sống nơi phố thị, nhiều người xúc động khi thấy trước cửa nhà ai đó treo cho túi rau nhỏ, bên trong có vài cây sả, vài trái chanh, ớt, 2, 3 quả trứng và mảnh giấy nhỏ ghi vội: “Chị Linh hàng xóm biếu rau”.
Sẻ chia cho nhau những túi rau, những món thực phẩm thiết yếu là hình ảnh thường thấy trong các khu dân cư. |
Thói quen cuộc sống ở phố thị “đèn nhà ai nấy rạng” nên dù ở cạnh nhau mà có khi ít ai nhớ tên hàng xóm của mình, có khi cả năm cũng không qua nhà nhau. Nhưng những ngày giãn cách đã giúp mọi người có thời gian để hỏi han, động viên nhau, giữ cho nhau những hy vọng. Chia sớt cùng nhau ít khó khăn, tuy không gặp mặt nhau nhưng thành ra thân thiết. 1 người đi chợ là cả xóm nhắn gửi cái này cái kia. Mua về, họ ngồi chia ra từng phần, rồi mang tới treo ngoài cửa cho từng nhà. Nhiều chị khéo tay còn ươm hành vào các chậu nhỏ để ai cần thì lấy. Hành động gieo cây hành cho hàng xóm còn là gieo nên những tình cảm xóm giềng, cho mối quan hệ thêm bền chặt.
Có người nhận được túi quà cứu trợ, tuy không nhiều nhưng về tới là nghĩ ngay tới việc chia nhau với bà con, chòm xóm, tiết kiệm được chi phí và đặc biệt là thời gian đi chợ trong bối cảnh hạn chế tập trung đông người để phòng dịch. Chưa bao giờ họ cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi chia nhau 1 mớ rau như thế.
Chị Hoàng Hải Yến (chung cư 217, Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Vũng Tàu) chia sẻ, hôm rồi “được” đi siêu thị gặp lúc hàng hóa nhiều, chị tranh thủ mua về biếu hàng xóm, mỗi nhà vài mớ rau, trái bí vì mấy hôm trước chị đã được nhận nhiều món hàng tương tự. Ngoài ra, ai nhờ mua gì thêm chị cũng ráng mang về vì bây giờ 1 lần đi chợ là một lần khó. “Người quen gửi cho con gà, lần đầu tiên tôi chia làm 3, giữ lại 1 phần còn 2 phần gói cẩn thận thêm vài cái lá chanh, hành lá để mang qua biếu hàng xóm. Sẽ thật áy náy khi một mình ăn món ngon trong lúc này”, chị Yến tâm sự.
Cuộc sống giãn cách dù có chút khó khăn, bất tiện nhưng là dịp để mọi người cùng nhìn lại, quan sát, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Ai cũng cảm thấy ấm lòng khi nhìn thấy chòm xóm, người quen chắt chiu, gói ghém những món quà nhỏ chia sẻ với mình chứ không phải “đèn nhà ai nấy rạng’’. Trong khó khăn, những món quà dù nhỏ nhưng lại có giá trị động viên tinh thần rất lớn, làm ấm lòng người trong thời điểm dịch bệnh hoành hành.
Bài, ảnh: CHÂU GIANG