.

Rồi mai đây, chợ lại bình thường!

Cập nhật: 23:08, 09/07/2021 (GMT+7)

Chợ ồn ào? Chợ náo nhiệt? Chợ tấp nập kẻ bán người mua? Không. Chợ giờ im ắng. Chợ vắng. Chợ thưa...

Kể từ khi đợt  dịch COVID -19 lần thứ tư bùng lên, trong tôi đã nơm nớp có ngày lây lan sang khu chợ này. Chợ lớn. Người đến kẻ đi tấp nập. Vậy mà vẫn có nhiều người chưa ý thức hết sự nguy hiểm của nó để đâu đó vẫn còn chủ quan, lơ là cảnh giác.

Như cái hôm ra chợ, tôi nhìn thấy trước hàng thịt có bốn, năm người tụ lại chờ mua. Phía bên kia, chị hàng rau vô tư kéo khẩu trang xuống khi trò chuyện với khách. Dường như cái khẩu trang hay khoảng cách chỉ có tác dụng đối phó với lực lượng chức năng hơn là dùng để bảo vệ sức khỏe cho mình và những người xung quanh. Chợ giống như một quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu như có một người đi qua vùng dịch, trở về, mang trong mình mầm bệnh. Thế nhưng sự lo lắng đó của tôi không đủ để con virus kia thương tình mà lui gót đi xa. Hôm qua, một ca dương tính, chợ bị người ta phong tỏa.

Chợ đóng. Mấy dãy ki- ốt im lìm khép cửa. Lồng chợ cũng trống hoác, xác xơ. Vài người ở bên trong vật vờ như những “xác sống” ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng mấy sợi dây giăng ngang giăng dọc. Cạnh bên, một chốt canh mọc lên hối hả bao giờ. Chợ đóng. Người ở bên trong lo lắng. Người ở bên ngoài cũng chẳng khá hơn.

Sáng nay, bà xã tôi sau khi dạo đủ một vòng trở về nhà với gương mặt u uất cùng ít rau củ, chục quả trứng trên tay. Hỏi ra mới biết người ta tranh nhau tích trữ. “Không sao. Nhà nước bảo đảm nguồn cung không thiếu. Chợ này đóng thì còn chợ khác. Rồi cửa hàng, tạp hóa, siêu thị,... nữa chi”, tôi thầm thì an ủi. Lại nghe tiếng vợ trả lời: “Chắc là mới nghe nói ở ti vi”. Dẫu biết nguồn cung có thiếu cũng chỉ tạm thời và mai thôi, người ta bổ sung vào đó nhưng đàn bà vốn hay lo xa là thế. Không thèm tranh luận, tôi bước ra ngoài, mặc kệ bên trong nhà là những tiếng dài ngắn thở than. Nhìn ra phố, những căn nhà cũng đóng cửa lặng im. Tất cả chìm trong nỗi buồn của chợ.

Người ta nói rằng, chợ không chỉ là nơi mua bán, kiếm lời mà là nơi đem lại niềm vui của các bà các chị. Ra chợ, người ta có thể vô tư cười nói, mặc cả, thậm chí là chửi nhau nhưng rồi hôm sau vẫn đến. Ra chợ, người ta mang theo chuyện nhà, chuyện người, chuyện đời hay kín kẽ hơn là tiếng thở dài ngao ngán khi nhìn giá cả tăng cao. Đó là “văn hóa chợ”, một thứ đặc sản “nuôi” những ngôi chợ truyền thống có thể bao năm tồn tại mà những trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,... không thể nào thay thế đươc. Vậy nên chợ đóng dù bất cứ lý do gì cũng không ai lấy làm vui.

Chợ đóng cửa. Bữa cơm mùa dịch của gia đình tôi vốn dĩ đã nghèo, nay lại càng nghèo hơn trước. Một dĩa cải xanh. Chén mắm cà. Vài ba quả trứng. Những gì vợ tôi đã  thu nhặt được trong buổi sáng hôm nay. Ừ. Đành phải gắng gượng cho những ngày như thế qua nhanh. Mẹ gọi lên từ dưới quê hỏi thăm khi hay tin nhà tôi ở gần vùng có dịch, cũng chỉ dám nói gia đình mình vẫn ổn, chẳng có gì khốn khó, mặc dù trong lòng đang sóng gió ngổn ngang.

Đêm buông xuống. Chợ ngày phong tỏa càng thêm tĩnh lặng. Những ánh đèn tỏa ánh sáng vàng vọt chẳng đủ để xua tan bóng tối lấp đầy. Bất chợt vang lên đâu đây tiếng còi xe lảnh lót. Xe chở hàng, giao cá? Không. Hẳn tôi đang mơ. Nhưng vẫn tin giấc mơ sớm thành hiện thực.

Và rồi mai đây, chợ sẽ trở lại bình thường…

QUỐC VIỆT

 
.
.
.