Sáng 19/7, là ngày đầu tiên bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đều vắng vẻ. Người dân thực hiện tốt yêu cầu giãn cách, chỉ ra đường khi có công việc cần thiết. Các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đã đóng cửa.
TP. Vũng Tàu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: THÁI NGÔ |
TP.VŨNG TÀU: THAY ĐỔI QUY ĐỊNH BẮT BUỘC SHIPPER PHẢI CÓ GIẤY XÉT NGHIỆM COVID-19
So với các địa phương khác, TP. Vũng Tàu đã thực hiện áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sớm hơn 5 ngày (từ 14/7). Theo đó, người dân chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội, không ra đường khi không cần thiết. Đồng thời tăng cường mua thực phẩm qua các kênh online nhằm phòng, chống dịch. Tuy nhiên, một số người dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định này đã bị lực lượng chức năng nghiêm khắc xử phạt. Thành phố tiếp tục triển khai 10 tổ tuần tra các tuyến đường và các KCN. Trong ngày 19/7, các lực lượng chức năng đã xử lý 11 trường hợp không chấp hành việc thực hiện Chỉ thị 16 với tổng số tiền 9 triệu đồng. Sau 5 ngày giãn cách, các lực lượng chức năng đã xử phạt 179 trường hợp bị phạt với số tiền 292 triệu đồng.
Song song đó, UBMTTQ Việt Nam TP.Vũng Tàu và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai đồng loạt các hoạt động hỗ trợ người dân, tìm nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ dân trong các khu phong tỏa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, từ 17/7, Đoàn Thanh niên tại một số phường, xã gồm phường 1, 10, 11, 12, Rạch Dừa, Thắng Nhất, phường Nguyễn An Ninh và xã Long Sơn đã thành lập đội “Tình nguyện shipper” để hỗ trợ phần nào cho người dân có nhu cầu mua hàng, giao hàng tại nhà trong thời gian giãn cách phải hạn chế ra ngoài.
TP. BÀ RỊA: BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO CÁC CHỢ TRUYỀN THỐNG
TX.PHÚ MỸ: NGƯỜI DÂN THAY ĐỔI THÓI QUEN
Ghi nhận tại TX.Phú Mỹ ngay trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, đa số người dân rất đồng lòng từ bỏ những thói quen đi lại thường nhật, ở yên trong nhà, hạn chế di chuyển khi không có việc cần thiết góp sức cùng chính quyền tận dụng 14 ngày giãn cách để dập dịch.
Thay vì tập thể dục theo thói quen hàng ngày mỗi buổi sáng thì nay ông Nguyễn Văn Thái, ở đường Hùng Vương, khu phố Song Vĩnh, phường Tân Phước ở nhà đọc báo cập nhật tin tức và thư thái uống trà. Ông Thái cho hay, phường Tân Phước đã cấp cho gia đình ông 8 phiếu đi chợ trong 1 tháng. Hết đồ ăn thì mới đi chợ. Còn lại ông tạm gác mọi thói quen hàng ngày ở nhà để góp phần phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Thái đọc báo buổi sáng tại nhà. |
Các tuyến đường trung tâm thị xã như Trường Chinh, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương… hàng quán đóng cửa im lìm. Chỉ còn ít ỏi quán bán đồ ăn sáng còn hoạt động và chỉ bán mang đi. Các quán đều cho biết bán hết ngày 19/7 sẽ đóng cửa để phòng dịch.
TX. Phú Mỹ cũng đã hoàn thành phát phiếu đi chợ cho người dân trên địa bàn. Mỗi hộ gia đình được đi chợ một tuần 2 lần. Các quầy sạp bán hàng hóa thuộc nhóm hàng thiết yếu mới được mở cửa. Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ cho biết, trừ chợ Lam Sơn đã bị phong tỏa vì ca nhiễm COVID-19 trước đây thì 15 chợ truyền thống trên địa bàn thị xã vẫn hoạt động bình thường.
Đường Trần Hưng Đạo vắng vẻ trong buổi sáng ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16. |
Từ sáng sớm 19/7, 24 tổ công tác do công an TX.Phú Mỹ chủ trì phối hợp với công an các xã, phường đồng loạt ra quân kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ tịch 16 trên toàn địa bàn. Ghi nhận trong ngày đầu, người dân chấp hành tương đối tốt. Tuy vậy một vài người vẫn ra đường tập thể dục buổi sáng và đều được lực lượng công an nhắc nhở kịp thời.
Phụ trách tổ tuần tra địa bàn phường Mỹ Xuân và phường Phú Mỹ, Trung tá Phạm Mạnh Hùng, Đội CSGT-TT Công an TX.Phú Mỹ cho biết, qua công tác tuần tra kiểm soát nhận thấy đa số người dân chấp hành Chỉ thị 16. “Quá trình tuần tra chỉ phát hiện 1-2 người dân chưa thật sự hiểu nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị 16 nên có ra đường đi bộ thể dục. Lực lượng công an đã nhắc nhở người dân cũng đã ý thức và hứa cũng sẽ chấp hành tốt”, Trung tá Hùng nói.
Cũng trong ngày 19/7, có 20 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính vì không thực hiện các biện pháp bảo vệ trong phòng chống dịch.
HUYỆN CHÂU ĐỨC: NGƯỜI DÂN KHÔNG RA ĐƯỜNG, CÁC CỬA HÀNG KINH DOANH, BUÔN BÁN ĐÓNG CỬA
Ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở huyện Châu Đức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân chấp hành nghiêm túc. Các tuyến đường hay các chợ trên địa bàn huyện đều vắng vẻ, cửa hàng kinh doanh hàng hóa đóng cửa. Những điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động bình thường như cửa hàng Bách hóa xanh, cửa hàng Con cưng, Chợ Trung tâm Thương mại Ngãi Giao, nhằm đảm bảo yêu cầu phục vụ người dân. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, huyện lập các chốt phân định lối ra vào chợ và có lực lượng chức năng kiểm soát, tại các trục đường chính của huyện. Từ sáng sớm lực lượng chức năng của huyện cũng đã chốt trực tại các tuyến đường ra vào khu công nghiệp, để nhắc nhở, động viên công nhân, người lao động làm việc tại các công ty trong Khu công nghiệp áp dụng biện pháp đi lại an toàn, bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
HUYỆN XUYÊN MỘC: TĂNG CƯỜNG LỰC LƯỢNG TUẦN TRA, CẮM CHỐT
Tương tự, tại huyện Xuyên Mộc, vào sáng ngày 19/7, nhiều trục đường chính trên địa bàn TT. Phước Bửu và các xã khá vắng vẻ, chỉ lác đác vài xe. Các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đã đóng cửa.
Tại chốt kiểm dịch trên tỉnh lộ 328 thuộc địa phận xã Tân Lâm (giáp Đồng Nai) và trên Quốc lộ 55 thuộc địa phận xã Bình Châu (giáp Bình Thuận), người dân và phương tiện qua đây đều được kiểm tra các giấy tờ liên quan. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, do tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngoài 2 chốt nêu trên, tại địa bàn xã Bàu Lâm và Phước Thuận (điểm nóng của địa phương về số ca mắc COVID-19) vẫn phải duy trì 16 chốt nhỏ để kiểm tra, nhắc nhở người dân chấp hành tốt các quy định về phòng dịch.
Trên các tuyến đường liên huyện Phước Tân – Hội Bài, Mỹ Xuân – Hòa Bình, lực lượng chức năng lập các chốt kiểm soát người và phương tiện vào địa bàn huyện Châu Đức tại các khu vực giáp ranh xã Hòa Bình, xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc). |
Theo bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Mỗi thành viên trong Ban Thường vụ huyện tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương, khu vực mình được giao phụ trách. Ở các xã, thôn, ấp đều có các tổ giám sát COVID-19 cộng đồng kiểm soát người ra vào địa bàn, phối hợp với chính quyền điều tra, rà soát các trường hợp F1, F2, F3 và những trường hợp đi công tác, làm ăn xa, đi học tập, từ các tỉnh thành trở về địa phương; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế.
ĐẤT ĐỎ: LẬP 8 TỔ TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Tại huyện Đất Đỏ, 6 chợ truyền thống trên địa bàn huyện đều hoạt động bình thường và chỉ bán các mặt hàng thiết yếu. Người dân đi chợ được phát phiếu theo ngày chẵn, lẻ và đều tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Hàng hóa tại chợ bảo đảm cung ứng cho nhu cầu của người dân, giá một số mặt hàng rau củ tăng 50%.
BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 huyện Đất Đỏ đã cho tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động; tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động. BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 huyện cũng đã thành lập 8 tổ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội.
LONG ĐIỀN: CHỢ VẪN MỞ NHƯNG VẮNG NGƯỜI MUA
Tại huyện Long Điền các chợ truyền thống vẫn mở cửa nhưng thực hiện giãn cách tối thiểu 2 mét trở nên, bảo đảm 5K. Tuy nhiên, ghi nhận tại một số chợ như: Long Điền, An Ngãi, Tam Phước, người mua hàng khá thưa thớt, vắng vẻ. Ông Lâm Văn Hồng, Phó Chủ tịch huyện này cho biết: “Để người dân không thiếu hàng hóa, trên địa bàn huyện vẫn có 7 chợ hoạt động, người dân được phát phiếu đi chợ theo khu vực dân cư, với khung giờ khác nhau để vẫn mua được hàng hóa thiết yếu mà không bị tình trạng tập trung đông người. Tất cả các chợ đều có mã quét QR code và các lực lượng thanh niên, mặt trận, đoàn thể luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, quét mã QR code để phòng chống dịch”.
Bảo vệ Chợ Long Điền, huyện Long Điền kiểm tra thân nhiệt, phiếu đi chợ của người dân khi đến mua nhu yếu phẩm sáng 19/7. |
Sáng ngày 19/7, các cơ sở, cửa hàng dịch vụ không thiết yếu trong huyện đã đóng cửa. Thậm chí các cở sở kinh doanh hàng thiết yếu quy mô nhỏ cũng đã đóng cửa để tuân thủ giãn cách theo Chỉ thị 16. Những điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động bình thường như cửa hàng Bách hóa xanh, cửa hàng Con cưng, Chợ Trung tâm Thương mại Ngãi Giao, nhằm đảm bảo yêu cầu phuc vụ người dân.
Tại chợ Trung tâm Thương mại Ngãi Giao, nơi tập trung mua bán các loại nông sản, thủy sản, sáng nay đã không còn cảnh chen chúc mua bán. Thay vào đó, cảnh mua bán cũng hết sức vắng vẻ, mọi người thực hiện nghiêm việc mua bán có trật tự, giữ khoảng cách xa khi tiếp xúc; cán bộ thị trấn và ban quản lý dân phố có mặt từ sáng sớm, phát loa lưu động tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
CÔN ĐẢO: ĐỦ LƯỢNG LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM DỰ TRỮ
Tại huyện Côn Đảo, trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, hệ thống loa truyền thanh và xe tuyên truyền lưu động liên tục phát các bản tin về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của tỉnh và của huyện.
Đường Lê Duẩn, huyện Côn Đảo vắng vẻ trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ. |
Theo ghi nhận, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, các khách sạn… đều đóng cửa, treo biển tạm dừng hoạt động. Một số dịch vụ bán hàng thiết yếu đã chuyển đổi hình thức sang bán hàng online, ship mang về để phòng chống dịch COVID-19. Chợ Côn Đảo, siêu thị và các cơ sở kinh doanh những mặt hàng thiết yếu như tạp hóa, xăng dầu, gas, gạo, quầy thuốc vẫn hoạt động để phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo thống kê của Phòng Kinh Tế huyện Côn Đảo, hiện nay trên địa bàn huyện, lượng lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân: còn khoảng 51 tấn gạo; gần 2.000 thùng mỳ tôm; hơn 5.000 thùng nước uống đóng chai; 4.000 quả trứng gia cầm; hơn 3 tấn bột ngọt; 27,1 tấn đường; 12.000 lít dầu ăn; 31,6 tấn thực phẩm chế biến, thịt gia súc, gia cầm; 1.080 bình gas lớn, nhỏ; 6,7 tấn rau, củ, quả... bảo đảm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.
NHÓM PV