.

Công sở giữ an toàn trước dịch COVID-19

Cập nhật: 23:44, 29/07/2021 (GMT+7)

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, các công sở đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động (NLĐ).

Anh Trần Trung Đoàn, dân quân phường 2, TP. Vũng Tàu đo thân nhiệt cho công chức phường khi đến làm việc tại trụ sở.
Anh Trần Trung Đoàn, dân quân phường 2, TP. Vũng Tàu đo thân nhiệt cho công chức phường khi đến làm việc tại trụ sở.

Trời về trưa, nắng gắt, nhưng anh Trần Trung Đoàn, Phó Trưởng Ban CHQS phường 2, TP. Vũng Tàu vẫn túc trực trước cổng trụ sở UBND phường để ghi thông tin cá nhân, đo thân nhiệt, nhắc nhở CBCCVC, NLĐ rửa tay sát khuẩn khi ra, vào trụ sở. CBCCVC, NLĐ cũng chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại UBND phường 2 được đặt ở mức độ cao nhất. CBCCVC, NLĐ đều tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, rửa tay sát khuẩn và khai báo y tế khi đến trụ sở làm việc. UBND phường 2 đã tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trực tiếp nhằm hạn chế tiếp xúc đông người. Để bảo đảm an toàn cho CBCCVC, NLĐ, UBND phường 2 đã trang bị khẩu trang loại tốt, kính chắn giọt bắn, bao tay y tế, cồn sát khuẩn cho mỗi người.

Ngoài làm nhiệm vụ chuyên môn tại trụ sở, chị Võ Thị Lý, công chức Văn phòng - Thống kê UBND phường 2 còn được tăng cường đi cơ sở, trực chốt phòng, chống dịch trên đường Hạ Long. Mỗi ngày, chị Lý trực chốt ca sáng từ 6 - 12 giờ. Nhiệm vụ này đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nhưng chị Lý vẫn an tâm vì được cơ quan trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ và bản thân cũng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. “Tôi luôn nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, gia đình và đồng nghiệp. Đi đâu tôi cũng đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Mỗi lần ra vào trụ sở cơ quan, tôi đều thực hiện khai báo y tế, quét mã QR Code trên ứng dụng Bluezone”, chị Lý chi sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch UBND phường 11, TP. Vũng Tàu cho biết, phường 11 là “điểm nóng” dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Đội ngũ CBCCVC, NLĐ phường được huy động chốt trực ngày đêm tại các chốt kiểm soát, khu phong tỏa. Vì vậy, phường luôn đề cao yêu cầu bảo đảm an toàn cho CBCCVC, NLĐ. Trong đó, phường ưu tiên xét nghiệm cho CBCCVC, NLĐ làm việc tại các chốt kiểm soát, khu vực phong tỏa, những người đi phát nhu yếu phẩm cho người dân với tần suất 3-4 ngày/lần.

Phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu là một trong những “vùng vàng”, với số ca nhiễm COVID-19 tính đến 17 giờ ngày 28/7 là 12 ca. Công tác cô lập vùng dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh được siết chặt. Trong đó, lực lượng CBCCVC phường đóng vai trò quan trọng.

Bà Vũ Thị Hải Lâm, Bí thư Đảng ủy phường Rạch Dừa cho biết, phường luôn quán triệt tinh thần nâng cao ý thức phòng, chống dịch đến toàn thể CBCCVC, đặt sự an toàn lên trên hết. Cụ thể, phường đã trang bị 200 bộ đồ bảo hộ cấp 2 cho CBCCVC trực tiếp làm nhiệm vụ tại vùng dịch; trang bị găng tay, khẩu trang, kính chắn giọt bắn cho toàn thể CBCCVC, NLĐ. CBCCVC ra, vào trụ sở đều phải khai báo y tế bằng ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh. Tại cửa các phòng làm việc, sảnh chính trụ sở đều bố trí nước rửa tay sát khuẩn. Phường cũng ưu tiên tiêm vắc xin cho CBCCVC, đặc biệt là những người trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch ở cơ sở và các tổ COVID-19 cộng đồng với gần 100 người.

Tương tự, tại các sở, ban, ngành, công tác phòng, chống dịch cũng là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, song song với nhiệm vụ chuyên môn. Nhiều sở, ban, ngành đã chia ca làm việc tại nhà và tại trụ sở, hạn chế tiếp xúc.

Tại Sở VH-TT, việc tuyên truyền, triển khai các chỉ thị của Trung ương, văn bản, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Sở được lãnh đạo sở, các trưởng, phó phòng chuyên môn thực hiện thường xuyên qua phần mềm iDesk, Zalo. 100% CBCCVC, NLĐ của Sở VH-TT đều cài đặt ứng dụng Bluezone và thực hiện quét mã vạch QR Code khi ra, vào cơ quan. CBCCVC, NLĐ cũng tăng cường trao đổi công việc qua điện thoại, thư điện tử, hạn chế tiếp xúc trực tiếp; giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người xung quanh và tự mang theo thức ăn nếu ở lại trụ sở làm việc. Người ra, vào Sở được quản lý chặt chẽ, kiểm tra thân nhiệt đối với khách đến liên hệ công tác. 

Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT cho biết:  “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã tăng cường làm việc qua mạng. Phần lớn CBCCVC, NLĐ của Sở VH-TT thường trú tại TP. Vũng Tàu. Vì vậy, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở tạo điều kiện cho khoảng 40 người này làm việc tại nhà để bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, tại công sở, CBCC chú trọng việc giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn. Sở cũng tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn cho CBCCVC, NLĐ”.

Bài, ảnh: THI PHONG

Tăng cường xét nghiệm cho người lao động, khách hàng  ra vào doanh nghiệp

Ngày 29/7, UBND tỉnh đã ban hành công văn khẩn gửi các DN, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường xét nghiệm cho người lao động, khách hàng ra vào các DN.   

UBND tỉnh yêu cầu DN trong KCN, CCN, cảng thực hiện đầy đủ việc khai báo y tế, kiểm tra xét nghiệm COVID-19 cho tất cả khách hàng, công nhân, người lao động của các đơn vị vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa, đơn vị giao nhận hàng ngay từ khi vào DN. Trường hợp ở lại làm việc phải xét nghiệm COVID-19 (kể cả trường hợp đã có giấy xét nghiệm âm tính trước đó còn trong thời hạn quy định), để kiểm soát chặt chẽ nguồn lây nhiễm ngay từ đầu vào. Đối với người lao động của DN đang thực hiện “3 tại chỗ” xe đưa đón phải bảo đảm thời hạn quy định của giấy xét nghiệm. Khi xảy ra trường hợp có biểu hiện nghi ngờ về mắc COVID-19 khẩn trương cách ly tại chỗ và báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử lý; không được để công nhân, người lao động, khách hàng đi về nhà riêng, khu ký túc xá, nhà nghỉ, nhà trọ.

 

51 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động

Theo báo cáo của BQL các KCN tỉnh, tính đến ngày 29/7 đã có 228/370 DN trong các KCN thực hiện phương án “3 tại chỗ” cho 24.255 người lao động; 83 DN thực hiện đưa đón tập trung. Tuy nhiên, 51 DN với tổng số 13.010 người lao động đã chọn phương án tạm ngưng hoạt động cho đến khi hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 do không bảo đảm được quy định “3 tại chỗ”.

Theo các DN, hiện nay nhiều cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp đã ngưng hoạt động để phòng, chống dịch. Do đó, việc đặt cơm cho người lao động rất khó khăn. Ngoài ra, các DN kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xem xét việc phát phiếu để DN mua sắm hàng thiếu yếu cho người lao động và phục vụ nhu cầu hoạt động của công ty.

 

.
.
.