Bảo vệ tốt nhất cho lực lượng hàng hải tuyến đầu
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam (VMS-South) đã tăng cường các biện pháp mạnh, nhằm chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe người lao động cũng như bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoa tiêu mặc đồ bảo hộ theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi dẫn tàu vào cảng. |
Ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc VMS-South cho biết, hoa tiêu là lực lượng lao động hàng hải tuyến đầu, thường xuyên tiếp cận gần với thuyền viên trong nước và nước ngoài, có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 cao. Trước tình hình đó, VMS-South đã xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch bệnh nhằm bảo đảm duy trì thông suốt công tác cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng hải. Trong đó, chú trọng phương án điều phối, huy động lực lượng hoa tiêu, phương tiện trong tình huống dịch bệnh diễn biến xấu ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng dịch vụ hoa tiêu của DN.
Ngoài ra, VMS-South cũng yêu cầu các công ty hoa tiêu trực thuộc rà soát, bổ sung các phương án, giải pháp phòng chống, ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ như sau: trường hợp chưa có hoa tiêu bị nhiễm bệnh; xuất hiện hoa tiêu có biểu hiện bệnh; đơn vị có người bị nhiễm bệnh hoặc bị cách ly; khi thực hiện Chỉ thị của Chính phủ hạn chế đi lại và giãn cách xã hội. Và trong trường hợp xấu nhất là đơn vị phải thực hiện cách ly phòng dịch.
Đồng thời thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế bảo đảm không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. VMS-South yêu cầu các hoa tiêu phải mặc đồ bảo hộ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về quy trình phòng chống dịch trước khi lên tàu làm nhiệm vụ.
Thời gian qua VMS-South đã kiến nghị CDC các địa phương để chích ngừa vắc xin cho lực lượng hoa tiêu và lực lượng đưa đón hoa tiêu. Đến nay, 100% hoa tiêu đã được chích ngừa vắc xin mũi 1. Riêng Công ty Hoa tiêu Khu vực V ở Cần Thơ đã được chích hết 2 mũi.
Cano đưa đón hoa tiêu ra khu vực đón trả hoa tiêu để thực hiện nhiệm vụ. |
Cùng với việc bảo vệ lực lượng hoa tiêu, hiện VMS-South đã nâng cao mức cảnh báo, thực hiện các giải pháp phòng chống dịch tại toàn thể Tổng công ty như ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện khai báo y tế online; quét mã QR, triển khai họp trực tuyến; bố trí làm việc luân phiên, giãn cách (giảm 30% - 50% số người làm việc tại cơ quan, công sở), ưu tiên làm việc tại nhà; trang bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị phòng chống dịch….
Theo ông Bùi Thế Hùng, hiện công tác hoa tiêu dẫn tàu trong tình hình dịch bệnh cũng đang gặp những khó khăn như, chưa xác định được tình hình nhiễm bệnh của các thuyền viên khi hoa tiêu lên tàu, từ đó rủi ro hoa tiêu trở thành F1 là rất cao. Thế nhưng, trong trường hợp thiếu hụt hoa tiêu, DN phải điều động hoa tiêu từ tỉnh thành này sang tỉnh thành khác làm nhiệm vụ đang bị vướng vào các quy định như hiệu lực của giấy xét nghiệm COVID-19 có nơi yêu cầu 3 ngày, cũng có nơi là 5 ngày, 7 ngày… Chưa kể cũng bị vướng vào các quy định liên quan đến cách ly, giãn cách xã hội của từng địa phương.
Do đó, VMS-South đã kiến nghị các cơ quan, ban ngành liên quan để xin các hướng dẫn chi tiết, những cơ chế riêng đặc thù cho lực lượng hoa tiêu, lực lượng đưa đón hoa tiêu. Nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng dịch vụ hoa tiêu không bị gián đoạn, góp phần vào thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN