.

TUYỂN SINH LỚP 10 NĂM HỌC 2021-2022: Xét tuyển vẫn bảo đảm công bằng

Cập nhật: 18:25, 09/06/2021 (GMT+7)

Trong khi nhiều địa phương trên cả nước lùi lịch thi tuyển sinh lớp 10 do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thì BR-VT là địa phương đầu tiên quyết định điều chỉnh phương thức tuyển sinh từ thi tuyển sang xét tuyển. Lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định, việc xét tuyển trong điều kiện hiện tại là hợp lý và vẫn bảo đảm công bằng cho thí sinh.

Đại diện Sở GD-ĐT khẳng định không có việc
Đại diện Sở GD-ĐT khẳng định không có việc "làm đẹp" hồ sơ để xét tuyển bởi hơn 10 năm nay, tỉnh BR-VT đã tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển. Trong ảnh: Một tiết học của HS lớp 9 Trường THCS Hùng Vương (TX. Phú Mỹ). Ảnh chụp ngày 26/3/2021.

XÉT TUYỂN LÀ HỢP LÝ

Ngày 1/6, UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc điều chỉnh phương thức tuyển sinh từ thi tuyển sang xét tuyển kết quả học tập và rèn luyện lớp 6, 7, 8, 9 ở bậc THCS của HS. Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay: “Từ khi TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, nhiều HS, SV, người lao động tại thành phố này trở về BR-VT. Dù kiểm soát chặt chẽ những người trở về từ TP. Hồ Chí Minh nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam vẫn rất lớn. Cân nhắc giữa việc bảo đảm an toàn trước dịch bệnh, bảo đảm kết quả tuyển sinh lớp 10 và cả việc ổn định tâm lý của phụ huynh, HS, Sở GD-ĐT đã đề xuất UBND tỉnh chuyển từ phương thức thi tuyển sang xét tuyển vào lớp 10 chứ không lùi lịch thi".

Quyết định trên đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận. Ông Phan Ngọc Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc thay đổi phương thức tuyển sinh từ thi tuyển sang xét tuyển là hoàn toàn phù hợp. Theo ông Tấn, trước đây, ngành GD-ĐT tỉnh đã từng thực hiện phương thức xét tuyển trong tuyển sinh lớp 10 nên khi quay trở lại phương thức này, các trường THPT hầu như không gặp khó khăn, nhất là khi toàn bộ kết quả học tập, rèn luyện của HS đều đã được các trường THCS cập nhật lên hệ thống Vnedu. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạt, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Đức (huyện Châu Đức) cũng cho rằng năm học này, phương án xét tuyển là một quyết định mang tính nhân văn, vừa bảo đảm an toàn cho TS, cán bộ làm công tác thi, vừa bảo đảm công tác tuyển sinh. Ông Đạt khẳng định, phương thức tuyển sinh nào cũng tồn tại những ưu, nhược điểm nhất định, không phương án nào có ưu điểm tuyệt đối. Đơn cử như phương án xét tuyển, không chỉ phù hợp với điều kiện thực tế, mà còn đánh giá sự nỗ lực, rèn luyện của HS trong cả một quá trình chứ không phải chỉ bằng 3 bài thi. Tuy nhiên, phương án xét tuyển có thể sẽ gây thiệt thòi cho những HS học không đều, chỉ tập trung đầu tư cho 3 môn thi hoặc một số HS đến năm cuối cấp mới có tiến bộ vượt trội.

Em Trần Kim Xuyến, HS Trường THCS Duy Tân (TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Em không bất ngờ với phương án xét tuyển vì cuối năm học, ngành giáo dục đã công bố 4 phương án tuyển sinh lớp 10. Mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ cho kỳ thi tuyển sinh nhưng khi chuyển sang xét tuyển, em vẫn thấy thoải mái. Kết quả học tập 4 năm ở bậc THCS cũng là căn cứ đáng tin cậy để các trường phổ thông đánh giá, lựa chọn HS”.

Các trường có thể đề xuất bỏ hoặc thêm tiêu chí phụ
Việc xét tuyển vào lớp 10 sẽ thực hiện từ ngày 10 đến 30/7. Khi xét tuyển, kết quả học tập 4 năm của HS sẽ quy ra điểm số, sau đó xét theo nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Trong trường hợp nhiều TS có điểm bằng nhau, việc xét tuyển dựa vào tiêu chí phụ là điểm trung bình lớp 9; điểm trung bình năm học lớp 9 của 3 môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh; thí sinh đạt giải văn hóa, KHKT, TDTT, các kỳ thi chuyên môn cấp tỉnh.
Để công tác tuyển sinh THPT năm học 2021-2022 hợp lý, khách quan nhất có thể, ngày 8/6, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT các địa phương rà soát, nghiên cứu thực tế tại các đơn vị trường THCS trực thuộc để đề xuất bỏ hoặc bổ sung tiêu chí xét ưu tiên trong nội dung điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh lớp 10. Bên cạnh đó, các trường THPT cũng đề xuất các tiêu chí ưu tiên, đồng thời giải thích rõ lý do để báo cáo về Sở GD-ĐT trước ngày 10/6.

BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG VÀ SỰ CÔNG BẰNG

Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Ngọc Châu khẳng định, việc xét tuyển vào lớp 10 năm học này vẫn bảo đảm chất lượng và công bằng. Theo bà Châu, hơn 10 năm qua, tỉnh đã thực hiện thi tuyển vào lớp 10. Vì vậy, hồ sơ để xét tuyển là hồ sơ của HS trong tâm lý thi tuyển nên sẽ hạn chế tối đa việc “làm đẹp” hồ sơ. Hơn nữa, kết quả học tập, rèn luyện là của cả 4 năm lớp 6, 7, 8, 9 là học thật, không phải hồ sơ để xét tuyển. Ngoài ra, đến thời điểm công bố thay đổi phương thức tuyển sinh, hồ sơ, học bạ của thí sinh đăng ký vào trường THPT nào đã được chuyển về trường đó, đồng thời đã cập nhật và khóa trên hệ thống Vnedu nên không ai có thể thay đổi được. Việc xét tuyển vào lớp 10 cũng thực hiện theo từng địa phương, bảo đảm công bằng giữa các HS lớp 9 trên cùng địa bàn.

Bà Châu cũng khẳng định, không có khó khăn trong xét tuyển vào lớp 10. “Thông tư 03 /VBHN-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT đã hướng dẫn rất kỹ về phương thức này. Thông tư cho phép địa phương có thể chủ động các phương án: Xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt phương thức tuyển sinh, Sở GD-ĐT đã có hướng dẫn cụ thể cho các trường thực hiện. Hiệu trưởng các trường THPT là chủ tịch hội đồng xét tuyển. Sau khi các trường xét tuyển, Sở GD-ĐT sẽ thành lập hội đồng phê duyệt kết quả xét tuyển. Như vậy, Sở GD-ĐT là cơ quan quản lý, điều hành tạo sự công bằng giữa các nguyện vọng cho thí sinh", bà Châu nói.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.