Tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT
Từ ngày 31/5, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã gấp rút tổ chức ôn tập tại trường cho HS khối 12.
HS Trường THPT Vũng Tàu ôn tập trực tiếp tại trường đến hết ngày 29/6 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. |
GẤP RÚT ÔN TẬP
Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, gần 1 tháng nay, GV của 9 bộ môn thi tốt nghiệp THPT vẫn đều đặn lên lớp để ôn tập cho HS. Năm học này, toàn trường có 329 HS khối 12, trong đó có 226 HS đăng ký thi bài thi KHTN và 103 HS đăng ký thi bài KHXH trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Bà Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho hay, nhà trường chia HS khối 12 thành 12 lớp theo 4 tổ hợp xét tuyển ĐH, gồm A, A1, B, D để tổ chức ôn tập cho các em. Buổi sáng, HS ôn tập 6 môn dự thi tốt nghiệp, buổi chiều ôn 3 môn xét tuyển ĐH theo các chuyên đề. Về thời lượng ôn tập từng môn, các buổi sáng, HS chọn bài thi KHXH học các môn Lịch sử, Địa lý, GDCD mỗi môn 3 tiết/tuần, HS chọn bài thi KHTN học các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học 4 tiết/tuần/môn, môn Tiếng Anh và Ngữ văn học từ 3-5 tiết/tuần, riêng môn Toán, các lớp đều học 6 tiết/tuần. Vào 3 buổi chiều/tuần, các em học 3 môn xét tuyển ĐH với thời lượng 4 tiết/tuần/môn.
Tương tự, tại Trường THPT Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc), việc ôn tập cho HS lớp 12 kéo dài đến ngày 3/7. Tuy nhiên, nhà trường không bắt buộc các em phải ôn tập trực tiếp tại trường cả 6 môn thi tốt nghiệp. “Trường có 352 HS, trong đó 21 em dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, 331 em dự thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH. Mỗi HS đăng ký ôn tập ít nhất 3 môn xét tuyển ĐH hoặc những môn các em cần ôn tập thêm và được tự chọn GV giảng dạy. Dựa vào số lượng HS đăng ký, GV các bộ môn tự chia lớp, sắp xếp thời khóa biểu để ôn tập cho HS. Thời lượng mỗi môn là 2 ca/tuần, mỗi ca 2 tiết”, ông Cái Hoàng Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuyên Mộc cho biết.
Giai đoạn “nước rút” này, GV phân lớp theo năng lực của HS triển khai ôn tập theo ca nhằm bảo đảm giãn cách. Về nội dung ôn tập, GV cho HS làm các dạng bài bám sát ma trận đề mà Bộ GD-ĐT công bố theo năng lực của từng nhóm HS. Những em có học lực trung bình trở xuống tập trung làm các dạng bài cơ bản để đạt được mục tiêu trước mắt là đậu tốt nghiệp. Còn HS khá, giỏi sẽ làm bài tập và học thêm kiến thức nâng cao để chinh phục những câu khó trong đề thi.
Thời điểm này, một số trường đã kết thúc chương trình ôn tập trực tiếp tại trường và chuyển sang ôn tập trực tuyến cho HS. Đơn cử, tại Trung tâm GDTX TP. Vũng Tàu, nhà trường chuyển sang dạy học trực tuyến từ ngày 28/6 tới 2/7. Trường THPT Minh Đạm (huyện Long Điền) cũng đã cho HS dừng ôn tập trực tiếp từ trưa 29/6 và chuyển sang học trực tuyến từ ngày 30/6 đến hết ngày 3/7...
BÁM SÁT MA TRẬN ĐỀ CỦA BỘ GD-ĐT
Theo GV các bộ môn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, giai đoạn nước rút, HS nên tập trung giải đề và rèn luyện kỹ năng làm bài. Cô Trịnh Thị Thanh (GV Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) cho biết, thời điểm này, GV chủ yếu hướng dẫn HS tự ôn tập trên lớp và ôn tập tại nhà. GV giao bài tập đa dạng, với nhiều dạng thức khác nhau, hướng tới rèn luyện kỹ năng giúp HS xử lý được những vấn đề có liên quan tới môn học. Trên cơ sở đó, các em có thể đạt được kết quả cao nhất trong khả năng của mình. Bên cạnh việc giao bài tập, cô Thanh thường xuyên sửa bài một cách chi tiết, cụ thể cho từng HS, từ đó “phát hiện ra những lỗi sai có tính hệ thống để giúp các em khắc phục”.
Còn theo cô Đinh Thị Ngần (GV Trường THPT Vũng Tàu, TP. Vũng Tàu), ở câu nghị luận xã hội, khi ôn tập, HS nên bám sát những ngữ liệu mang tính thời sự, thiết thực, được dư luận quan tâm như: vấn đề dịch bệnh, lối sống của cộng đồng... “Trong thời gian ít ỏi còn lại, các em nên lược ôn kiến thức cơ bản, chú trọng kiến thức trọng tâm chứ không nên ôn dàn trải”, cô Ngần lưu ý.
Đối với môn Toán, đề thi minh họa năm nay được đánh giá là khó hơn một chút so với đề thi năm 2020. Thầy Nguyễn Viết Thuật (GV Toán, Trường THPT Vũng Tàu) cho rằng, đề minh họa có khoảng 5-7 câu hỏi ở mức độ vận dụng cao. Đề có 47/50 câu thuộc kiến thức lớp 12, chỉ có 3 câu nằm trong chương trình lớp 11. Do đó, trong quá trình ôn tập, các em nên ôn tập theo chuyên đề, bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ, ưu tiên ôn chương trình lớp 12 và tranh thủ tuần cuối để ôn lại kiến thức lớp 11.
1 HS thuộc diện F2 và 3 HS trong vùng phong tỏa
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, liên quan đến các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), tính đến ngày 30/6, ngành giáo dục địa phương qua rà soát đã ghi nhận có 1 HS thuộc diện F2 là HS Trường THPT Trần Văn Quan và 3 HS trong vùng phong tỏa (trong đó có 1 HS Trường THPT Long Hải-Phước Tỉnh và 2 HS Trường THPT Minh Đạm, cùng huyện Long Điền). Những trường hợp này sẽ được bố trí thi tốt nghiệp THPT trong đợt 2.
|
Với bộ môn tiếng Anh, nội dung kiến thức rải đều trong chương trình THPT và cả THCS. Cô Trần Thị Thu (GV Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP. Vũng Tàu) cho rằng, HS nên bám sát ma trận đề để ôn tập một cách hệ thống cả từ vựng và ngữ pháp. Trong quá trình làm bài, các em có thể căn cứ văn cảnh để đoán nghĩa của từ mà các em chưa biết rõ, dựa vào đáp án mà đề bài ra với những từ đã biết để suy luận những từ chưa biết trong câu hỏi.
Còn cô Nguyễn Thị Hiền Mai (GV Trường THPT Vũng Tàu), lưu ý, khi làm bài môn Tiếng Anh, làm đến đâu, các em tô đáp án đến đó chứ không chờ đến khi hết giờ. Bên cạnh đó, các em làm các câu theo thứ tự từ dễ đến khó, tập trung làm chắc chắn những câu trong khả năng của mình.
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG