.
HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ BIỂN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM (TỪ 1 ĐẾN 8/6)

Hành động để bảo vệ môi trường biển

Cập nhật: 20:14, 01/06/2021 (GMT+7)

Bảo vệ môi trường (BVMT) biển để nâng cao giá trị của biển được xác định là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.

Vùng biển ấp Bình Hải, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) bị biển ngoạm sâu vào đất liền.
Vùng biển ấp Bình Hải, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) bị biển ngoạm sâu vào đất liền.

NHIỀU VÙNG BIỂN ĐANG BỊ “TỔN THƯƠNG”

Tỉnh BR-VT có diện tích tự nhiên hơn 1.980km², trong đó, vùng ven biển và hải đảo có diện tích hơn 1.571 km², chiếm 79% diện tích toàn tỉnh. Với lợi thế về diện tích biển, BR-VT hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển, như: khai thác dầu khí, cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển...

Tuy nhiên thời gian qua, BR-VT còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường khu vực ven biển. Cụ thể như, hoạt động chế biến hải sản đã và đang là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, gây ra nhiều hệ lụy về ô nhiễm nguồn nước và trầm tích tại các vùng ven biển, cửa sông. Bên cạnh đó, chất thải phát sinh từ hoạt động của du lịch cũng là nguyên nhân làm môi trường biển bị suy thoái.

Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh đã kéo theo nhiều hệ lụy tới môi trường như: tình trạng chặt phá rừng ngập mặn ven biển ngày càng nhiều; lấn biển xây dựng công trình kiến trúc, du lịch, dịch vụ, sản xuất kinh doanh không theo quy hoạch… đã gây ra sự biến đổi địa hình, thay đổi dòng chảy và ngập nước, gây bồi lắng và xói lở vùng cửa sông, cửa biển; phá vỡ thế cân bằng tự nhiên. Đặc biệt, gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nên tình trạng sạt lở bờ biển tại nhiều địa phương trong tỉnh diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Chẳng hạn vùng biển Bình Hải, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) trong 2-3 năm trở lại đây, mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền 10-20m. Ông Trần Đình Ngọc (ấp Bình Hải) cho biết, 3 năm trước, biển cách nhà ông khoảng 50m, nhưng nay chỉ còn cách chưa đến 20m. “Chỉ cần thêm vài đợt triều cường, mưa to gió lớn nữa là sóng biển vào đến nhà. Mùa mưa bão, người dân không dám ở lại trong nhà”, ông Ngọc nói.

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, nhằm khai thác, sử dụng tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu xói lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, Sở TN-MT đã thực hiện nghiêm túc công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT, biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 40 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài bờ biển 48.618m. Trong đó, phần đất liền có 27 khu vực với tổng chiều dài bờ biển là 36.744m; phần huyện đảo, Côn Đảo có 13 khu vực với tổng chiều dài bờ biển 11.874m phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Bên cạnh đó, Sở TN-MT đang phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, chỉnh sửa Dự thảo ranh giới chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển; lập hồ sơ Tài nguyên hải đảo tỉnh BR-VT và dự án Thiết lập nền tảng cho quản lý tổng hợp vùng bờ bằng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ CỦA BIỂN

BR-VT xác định phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững, trên cơ sở tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu là đưa BR-VT trở thành địa phương mạnh của vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với BĐKH, nước biển dâng; ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển, xâm thực vùng ven biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển trên địa bàn tỉnh; ứng dụng thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trong phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, BR-VT tiếp tục phát triển các ngành kinh tế biển; phát triển kết cấu hạ tầng biển, ven biển và đô thị ven biển; tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển đảo; phát triển văn hóa - xã hội vùng biển đảo và ven biển; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, ngoài việc triển khai các nhiệm vụ được giao, Sở TN-MT còn tăng cường phối hợp với các cơ quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về BVMT biển, đảo, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, DN và nhân dân địa phương.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.