Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động
Nhu cầu lao động của các DN trên địa bàn tỉnh đang tăng cao. Nhiều DN đưa ra mức lương, thưởng hấp dẫn để thu hút lao động có tay nghề. Đây là cơ hội tốt cho nhiều lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tìm được việc làm lý tưởng.
Người lao động đăng ký thông tin tìm việc làm ở phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại TX.Phú Mỹ. |
VIỆC LÀM PHONG PHÚ, LƯƠNG THƯỞNG HẤP DẪN
Sau hơn 1 năm mất việc làm, anh Lê Minh Duy (phường 5, TP.Vũng Tàu) vừa tìm được việc làm mới tại một DN trong KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu), thông qua kết nối của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng/tháng. Anh Duy có kinh nghiệm 3 năm về lĩnh vực kỹ thuật điện, nhưng do ảnh hưởng COVID-19, nên anh cứ loay hoay mãi mới tìm được việc làm. Anh Duy cho hay: “Thời gian mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tôi vừa tìm việc, vừa tranh thủ tự học thêm tiếng Anh, cũng như rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng”.
Cũng như anh Duy, nhiều lao động thất nghiệp trong thời gian diễn ra dịch bệnh, nay đã có được việc làm mới. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong quý I/2021, toàn tỉnh có 3.000 lao động đã tiếp cận được cơ hội việc làm mới, với mức thu nhập trung bình từ 6-18 triệu đồng/người/tháng. Tín hiệu tích cực của thị trường lao động, việc làm cũng thể hiện rõ qua số lượng lao động được tư vấn việc làm với 8.000 lượt lao động. Thời điểm hiện nay, Trung tâm có hơn 150 lượt DN đăng ký tuyển dụng với hơn 6.000 vị trí việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong các hồ sơ tuyển dụng gửi tới Trung tâm, phần lớn DN thuộc lĩnh vực cơ khí, dệt may, sản xuất thép, chế biến thủy sản, điện-điện tử, quản trị kinh doanh, tư vấn tài chính... Đặc biệt, nhu cầu tuyển lao động phổ thông của các DN tăng cao. Có nhiều DN đã đăng thông tin tuyển hàng ngàn lao động qua các kênh để đáp ứng đơn hàng sản xuất.
Do nhu cầu tuyển dụng cao, nhiều DN đưa ra chế độ lương, thưởng hấp dẫn để thu hút lao động. Chẳng hạn, Công ty CP Bao bì đạm Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TX.Phú Mỹ) có nhu cầu tuyển 100 công nhân may (lương từ 6-12 triệu đồng/người/tháng), 100 lao động phổ thông-vận hành máy (lương từ 8-14 triệu đồng/người/tháng) và 5 nhân viên văn phòng. Để thu hút lao động, Công ty áp dụng nhiều chính sách ưu đãi chăm lo đời sống lao động như: hỗ trợ tiền cơm 650 ngàn đồng/tháng; phụ cấp ca, phụ cấp năng suất, hỗ trợ tiền nhà trọ cùng nhiều chế độ, chính sách khác. Mỗi lao động giới thiệu được người vào làm được thưởng 500 ngàn đồng.
Tương tự, Công ty TNHH Dong In Entech Việt Nam (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) đang cần tuyển gần 400 công nhân may, cắt chỉ, đóng thùng, vận hành máy cắt lazer... Công ty hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân ở xa với số tiền 400 ngàn/tháng và có đầy đủ các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN sau thời gian thử việc (6 ngày đối với vị trí công nhân); lao động được nghỉ 14 ngày phép năm giữ nguyên lương; được Công ty thực hiện đầy đủ các chế độ theo Bộ luật Lao động, đặc biệt cho lao động nữ; có ăn ca...
TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP KẾT NỐI CUNG - CẦU
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động, việc làm, tiền lương (Sở LĐTBXH) sau khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát thì thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi. Lý do thị trường việc làm dần khởi sắc là nhờ những giải pháp được triển khai linh hoạt nhằm ứng phó với tác động của dịch COVID-19. Để giải quyết việc làm mới cho lao động trong năm 2021, các cơ quan chức năng đã bám sát 2 giải pháp: Nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động; hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Theo đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp đổi mới hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích thị trường lao động. Từ sự vào cuộc tích cực này đã đưa ra dự báo chính xác về nhu cầu sử dụng lao động theo từng ngành, nghề, lĩnh vực để có cơ sở tổ chức đào tạo nghề phù hợp. Về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, BR-VT tạo điều kiện để DN tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề; tiếp cận với các chính sách ưu đãi nhằm duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, hạn chế tình trạng người lao động bị thất nghiệp. Về phía người lao động, những người có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm, nếu đủ điều kiện sẽ được ưu tiên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của DN.
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, theo ông Nguyễn Phi Hùng, Bộ LĐTBXH đã đề xuất Chính phủ trích 6.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại cho nhóm lao động trong DN có nguy cơ bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với nhóm lao động tham gia BHTN, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định nâng mức hỗ trợ tối đa cho người tham gia học nghề từ 3 triệu đồng/người/khóa đào tạo ở thời điểm hiện nay, lên mức 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Đây là hướng đi tích cực trong thúc đẩy tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy thị trường lao động, việc làm tiếp tục phát triển, ông Nguyễn Trọng Huy, Phó Trưởng Phòng Dịch vụ việc làm thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, hiện nay Trung tâm đang tăng cường tư vấn việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Đặc biệt, Trung tâm phối hợp cùng DN nắm tình hình biến động lao động tại DN hàng tháng qua hình thức trực tuyến để kết nối người lao động với DN với nguồn cơ sở dữ liệu nguồn lao động sẵn có tại Trung tâm. “Chúng tôi cùng với DN trực tiếp tư vấn cho lao động đang hưởng TCTN về các vị trí việc làm trống mà DN đang cần tuyển. Hằng tháng, Trung tâm chia sẻ các thông tin việc làm trống cho cán bộ phụ trách lao động việc làm tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để thông tin với lao động. Đồng thời, tăng cường liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đào tạo nghề cho lao động hưởng TCTN và lao động tự do”, ông Huy nói.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN