"Chìa khóa" vào lớp 10
Thời điểm này, HS lớp 9 trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Làm thế nào để việc ôn tập đạt hiệu quả cao? GV các bộ môn thi và thủ khoa của kỳ thi tuyển sinh năm trước đã có những gợi mở để trả lời câu hỏi này.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022, đối với môn Toán, GV bộ môn khuyên các sĩ tử nên ôn kỹ kiến thức cơ bản của các chủ đề và luyện tập nhuần nhuyễn các dạng bài liên quan. Trong ảnh: HS lớp 9A2 Trường THCS Hùng Vương (TX. Phú Mỹ) trong tiết học Toán do cô Nguyễn Thị Nữ giảng dạy. |
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, DẠNG BÀI
Với 2 môn thi môn Toán và tiếng Anh, GV bộ môn khuyên các sĩ tử nên ôn kỹ kiến thức cơ bản của các chủ đề và luyện tập nhuần nhuyễn các dạng bài liên quan.
Cô Nguyễn Thị Khương, GV Toán, Trường THCS Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu) cho biết, trong quá trình giảng dạy và ôn tập, cô cũng như các GV trong tổ bộ môn xây dựng các chủ đề để HS nắm chắc kiến thức cơ bản và các dạng bài có liên quan. Theo cô Khương, HS cần chú trọng hơn đến các chủ đề xuất hiện trong đề thi chính thức những năm gần đây như: căn bậc hai, hàm số, phương trình bậc 2 và hệ phương trình bậc nhất 2 ẩn, giải bài toán bằng cách lập phương trình và hệ phương trình, bài tập tổng hợp về hình học…
“Trong khi luyện tập làm đề thi, các em cần ghi lại những lỗi hay gặp, những phần kiến thức chưa chắc chắn, cũng như lưu ý, nhận xét của GV bộ môn để chủ động trong quá trình ôn luyện, kịp thời lấp lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng”, cô Khương nói. Cô Khương cũng lưu ý, khi vào phòng thi, HS cần đọc kỹ toàn bộ đề, xác định các dạng toán, đánh dấu các bài chắc chắn làm được để giải quyết từ bài dễ đến bài khó. Trong quá trình làm bài, làm xong câu nào, HS nên kiểm tra lại chắc chắn rồi mới chuyển sang câu tiếp theo.
Còn cô Nguyễn Thị Nữ, GV Toán, Trường THCS Hùng Vương (TX. Phú Mỹ) thì chia sẻ, các GV trong tổ bộ môn đã căn cứ vào ma trận đề do Sở GD-ĐT công bố để xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS khối 9. Trong quá trình giảng dạy, cô chú trọng củng cố kiến thức trọng tâm cho các em. Đồng thời, cô cũng phân loại HS để có hướng ôn tập phù hợp nhằm giúp các em giảm áp lực thi cử, đạt được kết quả tốt nhất trong khả năng của mình. Với HS có học lực chưa tốt, cô Nữ cho rằng, các em nên luyện tập kỹ những kiến thức căn bản để “ăn chắc” điểm ở những câu dễ. Với HS khá giỏi, các em được rèn luyện thêm kiến thức nâng cao để chinh phục những câu nâng cao trong đề thi. Không chỉ vậy, HS cũng cần chú ý kỹ năng làm bài thi môn Toán như kỹ năng vẽ hình, trình bày, tính toán… để không mất điểm vì những sai sót nhỏ. Song song với việc ôn tập, các em cần thường xuyên rèn giải đề để làm quen với cấu trúc đề thi, cách phân bổ thời gian làm bài…
Cô Lê Thị Ngọc Trâm, GV tiếng Anh, Trường THCS Kim Đồng (TP. Bà Rịa) lưu ý, HS cần xác định cấu trúc đề, các dạng bài, nắm vững hệ thống kiến thức ngữ pháp, từ vựng. “Theo cấu trúc đề những năm gần đây, muốn đạt kết quả cao môn tiếng Anh, HS cần nắm vững từ vựng, thì của động từ, giới từ, liên từ. Bên cạnh đó, cần nắm chắc ngữ pháp của câu điều kiện, các mệnh đề quan hệ, câu trực tiếp, gián tiếp và các câu bị động. Ngoài ra, HS cũng cần nắm vững các chủ điểm: môi trường, thiên tai, lễ hội, các nguồn năng lượng… Nhà trường cũng trang bị 20 máy cát-sét, tivi tại các phòng học nhằm hỗ trợ GV tăng cường kỹ năng nghe, nói cho các em”, cô Trâm cho hay.
HS lớp 9 Trường THCS Vũng Tàu đang gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới. |
PHƯƠNG PHÁP LÀM BÀI RẤT QUAN TRỌNG
Với Ngữ văn, phương pháp làm bài được GV bộ môn đặc biệt chú trọng. Cô Bùi Thị Thoa, GV Ngữ văn, Trường THCS Thắng Nhất chia sẻ, nội dung ôn tập cho HS được xây dựng trên cơ sở bám sát ma trận đề và hướng ra đề của những năm trước. Đề thi gồm 2 phần chính là đọc hiểu và tập làm văn (gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Phần đọc hiểu, GV tìm những ngữ liệu tương đồng, ra yêu cầu tương tự để HS làm quen, giúp các em không bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi chính thức.
“Để làm tốt phần tập làm văn, các em cần trang bị kiến thức về đời sống, các vấn đề xã hội. Và quan trọng nhất là các em phải nắm chắc phương pháp làm bài vì đó chính là “chiếc chìa khóa” mở ra mọi vấn đề mà các em gặp phải trong đề thi”, cô Thoa nhấn mạnh. Nói rõ hơn về phương pháp làm bài nghị luận, cô Thoa cho hay, với đề bài nghị luận các vấn đề xã hội, các em phải nêu được định nghĩa vấn đề, biểu hiện, ý nghĩa, phản đề… Khi viết bài nghị luận xã hội, HS cần “kết nối” với ngữ liệu của bài đọc hiểu ở phía trên để bài làm có sự thống nhất, liền mạch. Còn với phần nghị luận văn học, nội dung ôn tập chủ yếu là các tác phẩm truyện và thơ. Với truyện, các em phải nắm được cốt truyện, các đặc điểm chính của nhân vật. Riêng các tác phẩm thơ, cần nắm vững các yếu tố nghệ thuật, từ đó làm toát lên nội dung, ý nghĩa của tác phẩm.
Về kỹ năng làm bài môn Ngữ văn, cô Thoa cho rằng, trước khi làm bài, HS cần đọc kỹ đề và lập dàn ý với các luận điểm, dẫn chứng cơ bản để không bỏ sót ý, bởi khi chấm bài, muốn đạt điểm cao, trước hết, bài làm phải đủ ý. Bên cạnh đó, bài viết phải trình bày rõ ràng, mạch lạc trên cơ sở tách đoạn, tách ý, mỗi luận điểm phát triển thành một ý. Theo cô Thoa, HS có lực học trung bình trở xuống trong quá trình ôn tập, làm bài thi nên ưu tiên nắm vững kiến thức cơ bản để bảo đảm đủ ý. Còn HS khá, giỏi, ngoài kiến thức cơ bản, cần rèn luyện thêm kỹ năng khái quát, phát triển ý, liên tưởng, nêu quan điểm riêng của mình về vấn đề đề bài đặt ra.
“Bí quyết” của thủ khoa
“Bật mí” bí quyết học tập của mình, em Phạm Thị Thanh Tuyền, thủ khoa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 cho biết, trong mỗi tiết học, em đều cố gắng nghe giảng để hiểu bài ngay trên lớp. Phần nào chưa hiểu, em ghi chép lại để tranh thủ nhờ thầy cô giảng giải. Về nhà, sau khi hoàn thành bài tập thầy cô giao, em tự tìm thêm nhiều đề trong sách tham khảo hoặc trên mạng Internet để vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức đã học và rèn luyện kỹ năng làm bài. Em cũng phân bổ thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Em Hoàng Đình Trực, thủ khoa đầu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm học 2020-2021 chia sẻ, bên cạnh sự định hướng của thầy cô thì việc tự học chính là bí quyết giúp em hiểu sâu, nhớ kỹ những kiến thức đã được học. Với tất cả các môn học, em chú trọng việc nắm vững lý thuyết vì đó là nền tảng để giải quyết mọi bài tập. Riêng các môn tự nhiên, em thường đặt câu hỏi “Dữ liệu đề bài đưa ra có ý nghĩa gì, từ đó em đưa dữ liệu vào các công thức để tìm hướng giải quyết một cách linh hoạt”.
|
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Quỳnh Mai, GV Ngữ văn, Trường THCS Kim Đồng (TP. Bà Rịa) cho hay, trong quá trình giảng dạy, ôn tập, GV bộ môn luôn chú trọng rèn luyện cho các em kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng nhận diện đề, xác định đúng trọng tâm, yêu cầu của đề, kỹ năng làm bài, trình bày bài văn. Riêng với phần nghị luận xã hội, ngoài việc ôn tập các nội dung liên quan đến sự vật, hiện tượng, tư tưởng đạo lý, GV bộ môn còn thường xuyên cập nhật các vấn đề, tin tức thời sự để luyện cho các em bày tỏ quan điểm cá nhân về những vấn đề này. Với phần Nghị luận văn học, HS được ôn tập “cuốn chiếu” theo chương trình chính khóa. Chương trình chính khóa học đến đâu, các em sẽ được thực hành luyện đề đến đó.
-------------
Những “mẹo” để ôn thi hiệu quả
KHÔNG ĐỂ “KHOẢNG TRẮNG” VỀ KIẾN THỨC
Kiến thức rất phong phú, đa dạng nên ai cũng có những “lỗ hổng” kiến thức nhất định. Vài “lỗ hổng” nhỏ về kiến thức thì không quá nghiêm trọng, nhưng không được để những “khoảng trắng” về kiến thức, tức là hoàn toàn không hiểu, không biết gì về mảng nào đó. Bài thi có những câu không quá khó nhưng HS không làm được chút nào chính là do những “khoảng trắng” kiến thức. Do vậy, các em hãy bám sát chuẩn kiến thức mà thầy cô ôn tập, mạnh dạn nhờ thầy cô hoặc bạn bè giúp đỡ, bởi không ai cười chê người có tinh thần học hỏi.
THỰC HÀNH
HS hãy tự vận dụng, củng cố kiến thức qua việc giải bài tập, làm bài thực hành. Đừng học công thức suông, hãy kết hợp các bài tập có áp dụng công thức đó, làm đi làm lại nhiều lần, khi nào hoàn chỉnh mới thôi. Đừng đọc những bài văn mẫu rồi để đó, hãy tự viết lại một đoạn văn hoặc bài văn với những ý vừa tham khảo được theo cách diễn đạt của mình. Đừng học các cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh riêng lẻ, hãy làm các bài tập với dạng cấu trúc đó. Hãy giải thật nhiều bài tập và đề thi tham khảo, tiếp xúc nhiều dạng đề, thật cẩn thận và kiên nhẫn giải từng câu một. Hiện có nhiều sách bài tập, đề tham khảo có đáp án. Khi giải bài tập, HS đừng vội mở đáp án ra xem. Giải xong, xem đáp án, nếu thấy mình sai, hãy tự giải lại cho đúng mới thôi.
VẬN DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP GHI NHỚ
HS có thể dùng sơ đồ cây, sơ đồ tư duy để hệ thống lại kiến thức trong một thời gian ngắn. Thời gian nước rút không cho phép chúng ta “ôm” quá nhiều tài liệu để nghiên cứu. Thay vào đó, hãy hệ thống lại kiến thức bằng những sơ đồ và các em sẽ thấy hiệu quả bất ngờ từ phương pháp này.
VIẾT RA GIẤY
Đừng “lẩm bẩm” học thuộc lòng như … tụng kinh. Không chỉ các từ mới tiếng Anh, công thức Toán, mà cả kiến thức môn Ngữ văn đều cần viết ra giấy khi học bài, ôn tập. Viết ra giấy kết hợp với ghi nhớ chủ động sẽ giúp các em dễ dàng khắc sâu kiến thức. Các nhà khoa học cho rằng, viết sẽ kích thích não ghi nhớ, và đó cũng là một hình thức trực quan trong tiếp thu kiến thức.
HS lớp 9 Trường THCS Kim Đồng trong tiết học Ngữ văn. |
RÈN LUYỆN KỸ NĂNG TẬP TRUNG
Để ôn bài có hiệu quả, quan trọng nhất là sự tập trung. Hãy cẩn thận với chiếc điện thoại, headphone, ipad, ti-vi, máy vi tính... Chúng sẽ lấy đi của bạn khá nhiều thời gian cũng như cắt ngang dòng suy nghĩ của bạn. Chỉ dùng chúng trong giờ giải lao với một thời lượng có hạn.
KHÔNG THỨC QUÁ KHUYA
Nhiều HS cố thức khuya, thậm chí thức trắng đêm để học bài. Điều đó sẽ hại cho sức khỏe. Cơ thể cần giấc ngủ đủ 7, 8 tiếng vào ban đêm để phục hồi. Thiếu ngủ sẽ khiến bạn mệt mỏi, thậm chí suy nhược cơ thể, việc học tập, ghi nhớ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, đừng ép cơ thể trái với nhịp sinh học, đừng thức quá 10 giờ khuya, và hãy dậy khoảng 5 rưỡi sáng để tập thể dục khởi động cơ thể 10 phút, sau đó ngồi vào bàn học. Buổi trưa, nếu có thể, nên ngủ 30 phút đến 1 giờ, hoặc “chợp mắt” khoảng 15-20 phút cũng rất quý.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI