Sôi nổi tiết học kỹ năng sống

Chủ Nhật, 25/04/2021, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Nhặt rau, nấu ăn, làm bánh, xếp quần áo gọn gàng, chăm sóc cây... là những việc tưởng như các em thường được cha mẹ hướng dẫn tại nhà. Thế nhưng, hiện các môn kỹ năng này đã được nhiều trường học đưa vào các tiết ngoại khóa, tạo sự hứng khởi cho HS.

Các em HS lớp 5A2, Trường TH Quang Trung trong tiết học kĩ năng hợp tác.
Các em HS lớp 5A2, Trường TH Quang Trung trong tiết học kĩ năng hợp tác.

TẬP LÀM ĐẦU BẾP

Tiết học ngoại khóa của các em HS lớp 3/6, Trường TH Võ Nguyên Giáp, TP. Vũng Tàu ngày thứ Năm thật sôi nổi với chủ đề “bánh trứng nướng”. Các em HS mang chiếc tạp dề nhỏ, vây quanh cô Nguyễn Thị Phương Thảo, GV Tổng phụ trách Đội để nghe cô hướng dẫn. “Để làm món bánh này, các em cần chuẩn bị bột mỳ, trứng, đường và bơ nhé”, cô Thảo nói. Cô Thảo cẩn thận đặt nguyên liệu lên bàn, hướng dẫn HS từng bước để làm ra chiếc bánh trứng nướng như: tách lòng trắng trứng, dùng máy đánh bột đánh dậy lòng trắng trứng, trộn bột mì với lòng đỏ trứng, thêm ít đường rồi đánh đều hỗn hợp. Cẩn thận tách lòng đỏ trứng khỏi lòng trắng và đánh nhuyễn trứng với bột, sau đó cùng các bạn phết lớp bơ mỏng lên khuôn, đổ bột vào khuôn và chờ bánh chính, Nguyễn Khánh Linh, HS lớp 3/6 cho biết: “Đây là lần thứ 2 em được cô Thảo hướng dẫn làm bánh, lần trước tụi em học làm bánh Doraemon, còn lần này bánh trứng nướng với đủ các hình. Em thấy khó nhất là tách lòng đỏ và lòng trắng trứng, em phải làm thật khẽ để lòng đỏ được giữ nguyên. Ở nhà em cũng có bếp nướng, hôm nay về em sẽ xin mẹ tự làm bánh, đãi cả nhà”, Linh khoe.

Tiết học khoảng 40 phút nhưng sôi nổi từ đầu đến cuối, khi thì các em yên lặng nghe cô hướng dẫn, khi trầm trồ vỗ tay tán thưởng các bạn thực hành làm bánh tốt, lúc háo hức chờ bánh chín và cuối cùng là thích thú thưởng thức những chiếc bánh thơm lừng mùi bơ, có vị ngọt nhẹ của đường, vị béo của bột và trứng.

Tại Trường TH Quang Trung, hôm chúng tôi đến, đúng lúc các em HS đang được GV đến từ Công ty CP hỗ trợ đầu tư và phát triển Giáo dục Quốc tế VES hướng dẫn làm bánh trôi nước, nhân dịp Tết Hàn thực (mùng 3/3 âm lịch). Các em được giới thiệu nguyên liệu làm bánh trôi nước gồm: bột nếp, bột năng, đậu xanh, nước cốt dừa, đường phèn, gừng, hạt mè, được tự tay trộn bột với nước theo tỉ lệ nhất định sao cho không quá nát, cũng không quá khô, đánh nhuyễn đậu xanh làm nhân. Sau đó, mỗi em tự viên những viên bột nhỏ, bên trong nhân đậu xanh, nhóm khác đi rang mè cho thơm lừng hoặc nấu nước đường gừng để hoàn thành món bánh. Qua vài lần lúng túng, Mai Việt Đức (lớp 5A1) và các bạn đã khoe thành quả là những viên bánh tròn vo, trắng tinh và háo hức đợi bánh luộc chín, vớt ra đĩa, thêm nước đường cốt dừa, vừa thơm vừa ngon miệng. Đức nói em ăn bánh trôi nước nhiều rồi, nhưng hôm nay mới được tự tay làm.

HỌC NHIỀU ĐIỀU HAY

Thực tế cho thấy, việc các trường học áp dụng các tiết học ngoại khóa kỹ năng sống đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài kiến thức thực tế, các hoạt động này giúp học sinh hình thành những kỹ năng sống quan trọng. Hiện nay, các Trường TH trên địa bàn TP.Vũng Tàu đều áp dụng mỗi tuần 1 lớp có tiết kĩ năng sống vào các buổi chiều. Các em được học nhiều môn thực tế, như: xếp quần áo, chăn màn gọn gàng; ươm mầm, chăm sóc cây rau, nhặt rau, luộc trứng, nấu cơm, làm bánh, tập gói bánh chưng, bánh tét, kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm, trang trí thiệp... Những tiết học mang tính thực hành thực sự tạo sự thích thú cho các em, và được các em áp dụng khi về nhà.

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, GV Tổng phụ trách Đội Trường TH Võ Nguyên Giáp, TP.Vũng Tàu phân tích: Hiện nay, trước sự bùng nổ của công nghệ số, các em học sinh đều tiếp cận khá sớm với điện thoại nên ít có cơ hội để trải nghiệm các hoạt động kỹ năng sống. Do vậy, ngoài các tiết học chính khóa, thời gian qua, nhà trường đều lồng ghép các buổi học kỹ năng sống cho các em như: gấp chăn, màn, quần áo; làm bánh, trồng rau, chơi các trò chơi dân gian… Thông qua những hoạt động trải nghiệm này đã góp phần giúp cho các em học am hiểu thêm nhiều kiến thức xung quanh để vận dụng vào trong việc học tập cũng như cuộc sống. Đồng thời, cũng góp phần gắn kết tình cảm bạn bè với nhau bền chặt hơn.

Còn cô Bùi Thị Thanh Tuyền, Trưởng bộ môn hoạt động ngoài giờ, Trường TH Quang Trung, TP. Vũng Tàu thì cho rằng: Những năm qua, nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng giáo dục và rèn kỹ năng sống cho học sinh. Đây là một trong những nội dung quan trọng. Để làm được điều này, nhà trường đã phối hợp với VES tổ chức dạy kỹ năng sống 1 tuần 1 lần cho các khối lớp, dạy các em những kĩ năng, như: Tự phục vụ bản thân (học cách nấu các món ăn đơn giản; vệ sinh tay, chân sạch sẽ; thay quần áo, trải ga nệm, cách làm việc nhóm cùng bạn thông qua các trò chơi vận động, cách chào hỏi khi đến lớp và ra về, kỹ năng đọc sách…). Qua đó giúp các em hình thành nhân cách một cách toàn diện, đồng thời, các em sẽ thêm tự tin trong các cấp học kế tiếp.

Theo chị Đặng Thị Mai Thương, Chủ tịch Hội đồng Đội TP.Vũng Tàu, xác định giáo dục kĩ năng cho đội viên HS là nhiệm vụ cần thiết, ngay từ đầu năm học 2020-2021, Hội đồng Đội thành phố đã triển khai chương trình năm học, đồng thởi gắn với các chỉ tiêu thi đua cụ thể về giáo dục kĩ năng cho HS tại các Liên đội TH, THCS.  Từ đó các GV Tổng phụ trách tham mưu với lãnh đạo nhà trường xậy dựng những chương trình cụ thể cho cả năm học. Các em được trải nghiệm thực tế, nắm các kĩ năng cần thiết trong cuộc sống như: cắm hoa, làm bánh, cắt dán tranh, trồng rau, sắp xếp dọp dẹp phòng học, phụ giúp ba mẹ nấu cơm... Ngoài ra, một số trường học còn thành lập CLB võ thuật, lớp bơi lội, cầu lông, aerobic, bóng đá. Qua đó, giúp HS có thêm kiến thức, kỹ năng tự tin ứng xử tốt với các tình huống trong cuộc sống, thêm gắn kết hơn với ba mẹ, gia đình, bạn bè, đồng thời giúp các em tự tin, trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.