.

Thêm yêu những trang sử nước nhà

Cập nhật: 07:32, 27/03/2021 (GMT+7)

“Tự hào sử Việt” là hội thi do Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh vừa tổ chức cuối tuần qua tại Nhà thi đấu đa năng TP. Bà Rịa. Với hình thức sân khấu hóa, sân chơi ý nghĩa này đã góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước và niềm đam mê lịch sử trong HS, giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ lịch sử hơn.

Tiết mục của đội Châu Đức tại hội thi.
Tiết mục của đội Châu Đức tại hội thi.

SÂN KHẤU HÓA LỊCH SỬ

“Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, đội thi đến từ huyện Long Điền đã nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phần mở đầu tiết mục sân khấu kịch với tiêu đề “Nam quốc sơn hà” tại hội thi “Tự hào sử Việt”. Tiết mục của đội Long Điền kể về danh tướng Lý Thường Kiệt, đã đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà”, cổ động binh sĩ quyết tâm chiến thắng quân Tống xâm lược. Vở kịch kéo dài 12 phút, với gần 30 “diễn viên” là HS Trường THCS Nguyễn Công Trứ (thị trấn Long Hải). Vở kịch lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại, tạo sự tò mò, thích thú cho người xem. Mở đầu vở kịch, nhóm HS tay cầm cuốn sách và đọc vang “Dân ta phải biết sử ta”... nhiều lần. Tiếp đó là tóm tắt cảnh quân Tống sang xâm lược nước ta và Lý Thường Kiệt viết ra bài “Nam quốc sơn hà” để khích lệ tinh thần tướng sĩ, đồng thời khẳng định chủ quyền của đất nước.

Đoàn Trần Nhật An, lớp 9B, Trường THCS Nguyễn Công Trứ chia sẻ: “Đóng vai danh tướng Lý Thường Kiệt, em chịu nhiều áp lực vì vừa phải hát, vừa phải diễn sao cho có thần thái của một vị võ tướng. Tuy nhiên, sau 10 ngày miệt mài tập luyện, tụi em đã hoàn thành tốt phần thi diễn của mình”.  

Trong khi đó, đội thi đến từ TX. Phú Mỹ trình bày vở “Sấm vang dòng Như Nguyệt”, miêu tả chiến thắng vang dội của tướng Lý Thường Kiệt trên dòng sông Như Nguyệt. Vở diễn do Nguyễn Phúc Khang, HS lớp 11, Trường THPT Phú Mỹ tự xây dựng kịch bản và biên đạo. Tiết mục do HS Trường THCS Phú Mỹ thể hiện. Để làm mới vở diễn, Khang đã tìm hiểu qua Internet, tìm hiểu qua sách, báo về vị tướng và tự biên đạo một số động tác võ thuật trên sân khấu. Trong đó, màn “thổi lửa” của các tướng sĩ sau khi chiến thắng quân Tống đã khiến khán giả ồ lên thích thú và vỗ tay không ngớt. 

“Trước khi tập tiết mục, một số bạn còn chưa rõ về danh tướng Lý Thường Kiệt nhưng sau hội thi này, bạn nào trong đội cũng có thể trả lời vanh vách về vị tướng và những chiến công hiển hách của ông”, Phúc Khang chia sẻ. 

Tiết mục “Nam quốc sơn hà” của đội Long Điền.
Tiết mục “Nam quốc sơn hà” của đội Long Điền.

Trong khi đó, các đội khác đến với hội thi đã thể hiện các nhân vật, như: chị Võ Thị Sáu, Bà Trưng-Bà Triệu, vua Quang Trung đại phá quân Thanh... qua hình thức sân khấu hóa hoặc hát-múa. Qua đó truyền tải về những bài học lịch sử, các nhân vật lịch sử nổi tiếng và khiến HS đón nhận, hiểu môn Sử dễ dàng hơn.

BÀI HỌC DỄ NHỚ

Cô Nguyễn Thị Ngọc Linh, chủ nhiệm lớp 8A6, Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Cù Bị, huyện Châu Đức) cho biết, đến với hội thi, các em HS Trường THCS Nguyễn Huệ đã thể hiện tiết mục “Phất cờ nương tử” và hát múa “Hào khí Việt Nam”. “Sân khấu hóa các nhân vật lịch sử được Trường THCS Nguyễn Huệ duy trì nhiều năm qua. Các em đã tái hiện, hóa thân vào nhân vật lịch sử mình chọn, sau đó đưa lên sân khấu nhà trường vào các dịp kỷ niệm 20/11 hoặc 26/3. Nhờ đó, các em thêm yêu lịch sử hơn”, cô Linh cho hay. 

Tương tự, tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ, vào các dịp lễ, Tết, HS của trường cũng tái hiện hình ảnh chị Võ Thị Sáu, Lạc Long Quân, Thánh Gióng, Kim Đồng… bằng hình thức sân khấu hóa, giúp kiến thức lịch sử được ghi nhớ dễ dàng hơn. 

Hội thi “Tự hào sử Việt” thu hút 7 đội đến từ các địa phương trong tỉnh (trừ Côn Đảo). Hội thi gồm 3 vòng: Văn nghệ (1 tiết mục sử ca, 1 tiết mục văn nghệ ca ngợi quê hương, đất nước hoặc một nhân vật, anh hùng lịch sử); tìm hiểu kiến thức lịch sử (trả lời câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm về kiến thức lịch sử Việt Nam, BR-VT và các anh hùng dân tộc); sức mạnh đồng đội (trò chơi tập thể). Ban tổ chức đã trao giải Nhất, Nhì, Ba lần lượt cho các đơn vị: Châu Đức, Long Điền và Vũng Tàu-Phú Mỹ.

Nhạc sĩ Hoàng Lương, giám khảo hội thi nhận xét, hội thi “Tự hào Sử Việt” là một chương trình hay, thú vị, giúp HS hiểu hơn về lịch sử thông qua các loại hình ca múa, kịch. Tuy nhiên, chất lượng của các đội chưa đồng đều, một số đội có sự đầu tư tốt từ kịch bản, nhạc nền đến lời thoại, múa minh họa, trong khi một số đội mới chỉ dừng ở một tiết mục văn nghệ thông thường. “Theo tôi, các đội nên sân khấu hóa nhân vật, trong vở diễn cần có kịch, lồng ghép hát, múa và tạo mạch diễn để người xem hiểu về nhân vật các em đang hóa thân”, nhạc sĩ Hoàng Lương nói. 

Nhạc sĩ Hoàng Lương gợi ý, trong những lần thi sau, ban tổ chức có thể “ra đề” cho mỗi đội chọn một nhân vật (không trùng nhau) và thể hiện sao cho không cần nói tên mà khán giả vẫn biết các em đang hóa thân thành ai. Có như vậy các em mới hiểu kỹ, hiểu rõ về lịch sử Việt Nam hơn.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH 

 
.
.
.