Vợ quản con không khác gì đeo gông ở cổ. Công bằng mà nói, vợ không để con phải thiếu thốn thứ gì, chỉ cần con khó chịu trong người là vợ đã lo làm thức ăn bổ dưỡng. Muốn mua sách vở, đồ dùng học tập hay truyện, vợ đích thân chở con đến hiệu sách tha hồ mà chọn lựa, hay muốn học thêm môn nào vợ đều chiều tất bằng cách mời gia sư về nhà dạy chứ tuyệt đối không có đi học thêm theo chúng bạn. Chỉ cần con học hành đầy đủ, nghiêm túc, không kiếm cớ ra đường, luôn ở trong tầm kiểm soát của mẹ thì mọi thứ đều ok ngay.
Quan điểm của vợ là: “Chỉ có học chứ không có chơi, muốn chơi thì ở nhà mà chơi, chứ tuyệt đối không ra ngoài đường đầy cạm bẫy…”. Bữa nào con đi học cả ngày trên trường không về nhà ăn cơm trưa thì vợ đặt sẵn cơm dĩa trước cổng trường chứ nhất quyết không chi tiền cho con tự lo.
Vậy mà cô giáo bảo trong lớp có hiện tượng cho vay nặng lãi, có học sinh trở thành con nợ vì không còn khả năng thanh toán. Vì nợ xấu khó đòi nên dẫn đến chửi nhau, đánh nhau. Mà người cầm đầu đường dây lại chính là con gái tôi. Cô giáo thông báo để gia đình có biện pháp uốn nắn kịp thời, dù sao thì tuổi các em vẫn còn bồng bột, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại. Hiện tượng cho vay nặng lãi bắt nguồn từ các trò chơi ăn tiền trên mạng. Một phần khác là do ảnh hưởng từ gia đình và xã hội. Có phụ huynh khi biết con tôi cho vay nặng lãi còn bảo: Đúng là con nhà kinh doanh, mới học lớp 8, tí tuổi đầu đã biết kiếm tiền…
Tôi không hiểu con lấy đâu ra tiền cho bạn vay, trong khi vợ quản chặt chi tiêu đến thế cơ mà. Sau một hồi quanh co, con mới chịu khai thật rằng tiền con có được từ lì xì tết. Tôi không hề nghĩ đến chuyện đó, vì thấy ai lì xì là vợ tịch thu ngay. Con như nhà ảo thuật, lì xì 100 ngàn đồng thì đưa mẹ 50 ngàn đồng, chưa kể nhiều khoản lì xì mà ba mẹ bận rộn nên không hề biết.
Thời đại bây giờ dạy bảo con cái khó lắm. Chủ yếu là nhận thức của từng đứa con và cha mẹ phải uốn nắn để con cái đi đúng hướng. Theo tôi thì cha mẹ nên giáo dục con về kỹ năng sống, giới tính, kiến thức để tự bảo vệ mình chứ quản lý thời gian và tiền bạc e rằng không hiệu quả. Vợ tôi không đồng ý, quan điểm của vợ là: “Cứ giữ chặt ví là được”. Vợ bảo trong túi không có tiền thì con chả làm được gì, bạn bè thấy không có tiền thì chả đứa nào rủ rê đâu mà “lo bò trắng răng”.
Tôi thấy mệt mỏi, không yên tâm về cách dạy con của vợ, nhưng lại không biết phải làm sao cho vợ hiểu.
THU HIỀN