Lao động nữ trung niên khó tìm việc

Chủ Nhật, 21/03/2021, 15:34 [GMT+7]
In bài này
.

Trong bối cảnh thị trường lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến nhiều lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, lao động nữ tuổi trung niên là nhóm chịu tác động nặng nề nhất.  

Lao động trung niên, nhất lao động nữ rất khó tìm việc làm mới.  Trong ảnh: Lao động kê khai thông tin đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Lao động trung niên, nhất lao động nữ rất khó tìm việc làm mới. Trong ảnh: Lao động kê khai thông tin đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

MẤT VIỆC LÀM, THU NHẬP BẤP BÊNH

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ giữa năm 2020, một DN tại KCN Mỹ Xuân B1 (TX. Phú Mỹ) phải cắt giảm từ 2.000 xuống còn 400 lao động. Chị Đỗ Thị Thùy Dương, 50 tuổi, người đã gắn bó với công ty 15 năm là một trong số lao động bị cắt giảm đó. Gia đình chị Dương có 2 con nhỏ. Từ khi chị mất việc, mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu trông chờ vào đồng lương công nhân của chồng, cùng khoản trợ cấp thất nghiệp và tiền công làm phụ việc của chị ở một quán ăn. 

Chị Dương cho hay, sau khi bị cho thôi việc, chị đã đi xin việc ở nhiều DN có thông báo tuyển lao động, nhưng những nơi này đều từ chối. Để trang trải, chị xin làm phụ việc tại một quán ăn gần nhà trọ với mức lương thấp gần bằng phân nửa mức lương trước kia. “Để tìm công việc mới phù hợp với kinh nghiệm của mình thật không dễ. Những nghề làm trái với ngành mình đã gắn bó thì cần có thời gian để học hỏi, mà giờ đã lớn tuổi rồi nên việc học hành càng khó khăn hơn”, chị thổ lộ.  

Tương tự, từ cuối năm 2020, một DN chuyên sản xuất giày da ở phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu đã giải thể. Hơn 1.600 lao động phải nghỉ việc, trong đó có chị Lê Thị Giang, 45 tuổi. Chị Giang cho hay: “Sau khi mất việc làm, tôi đã nộp hồ sơ xin việc tại một số DN trên địa bàn nhưng đều bị từ chối khéo. Lao động lớn tuổi như chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi tìm công việc tương tự ở một DN mới”, chị Giang nói. 

Tìm hiểu tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, chúng tôi ghi nhận, trong số lao động nữ đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, có khá nhiều người ở độ tuổi trung niên không tìm được việc làm mới đúng sở trường tại các DN nên đành phải ở nhà làm nội trợ, buôn bán, giúp việc nhà, trông trẻ... 

Lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm năm 2020.
Lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm năm 2020.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2020, BR-VT đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 19 ngàn lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm hơn 56%. Đáng chú ý, số lao động nữ thất nghiệp ở độ tuổi từ 35 trở lên chiếm hơn 22% và chủ yếu người mất việc làm là công nhân trong lĩnh vực may mặc, giày da, dệt, thiết kế thời trang, chế biến nông sản, thủy sản… 

Bộ luật Lao động mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đã có những điều khoản quy định nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động. Việc từ chối tuyển dụng lao động tuổi trung niên là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là quy định rất nhân văn của pháp luật nước ta nhằm tạo điều kiện cũng như cơ hội để người lao động lớn tuổi, nhất là người lao động bị mất việc, có cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống gia đình, đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng cho xã hội do phải trợ cấp thất nghiệp từ ngân sách và quỹ BHTN.

KHÔNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ 

Ông Nguyễn Trọng Huy, Phó Trưởng Phòng Dịch vụ việc làm thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, hầu hết các DN đều giới hạn độ tuổi lao động trong tuyển dụng, kể cả DN ngành dệt may cũng chỉ tuyển lao động dưới 42 tuổi. Nguyên nhân là do nhiều DN cho rằng, lao động lớn tuổi không còn nhanh nhẹn, sức khỏe giảm sút dẫn tới năng suất lao động thấp hơn lao động trẻ. Đây cũng là lý do khiến cánh cửa việc làm trở nên hẹp hơn với lao động nữ tuổi trung niên. Thậm chí, một số DN còn tìm cách đào thải lao động nữ trung niên bằng cách chuyển họ sang vị trí công việc nặng nhọc hơn, giảm ngày công lao động... để lao động cảm thấy chán nản, mệt mỏi mà tự xin nghỉ việc.

Ông Phạm Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phân tích thêm, các DN chỉ muốn tuyển lao động trẻ và ngại tuyển lao động trung niên vì cho rằng khi tuyển lao động trung niên vào làm việc sẽ phải thỏa thuận lại mức lương. Nếu thỏa thuận mức lương cao do lao động có thâm niên làm việc thì DN sẽ phải đóng các khoản về BHXH, BHYT, BHTN cao hơn so với lao động trẻ. Do vậy, người lao động bị thất nghiệp ở độ tuổi trung niên thường khó tìm việc làm mới, dù có năng lực, kinh nghiệm và nhu cầu việc làm. 

Trước thực tế này, Trung tâm đã đề ra nhiều phương án hỗ trợ người lao động tìm việc làm mới và kết nối lao động mất việc với thị trường lao động. Chẳng hạn, Trung tâm đang triển khai các loại dịch vụ giúp việc nhà hoặc làm việc bán thời gian, lao động gia công tại nhà... để tận dụng tối đa nguồn lao động phổ thông tại địa phương. Với lao động có chuyên môn, Trung tâm trực tiếp kết nối với các đơn vị tuyển dụng tại các tỉnh, thành thông qua dịch vụ trực tuyến.

Tuy vậy, cánh cửa việc làm không phải đóng hoàn toàn với những lao động tuổi trung niên. Đại diện một DN cho hay, lao động tuổi trung niên thường tận tâm và trân quý công việc của mình sau khi thất nghiệp. Do thời gian gắn bó lâu nên họ đã hiểu văn hóa DN. Việc giữ chân hoặc tuyển lao động lớn tuổi sẽ giúp DN không phải đào tạo lại. Đồng thời, họ còn là người chia sẻ kinh nghiệm cho lao động trẻ. “Tôi nghĩ, không nên vì rào cản tuổi tác trong tuyển dụng mà bỏ qua những lao động thật sự mang lại lợi ích khi đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho công việc, cho sự phát triển của DN. Trong quá trình phỏng vấn, nếu ứng viên đáp ứng đủ yêu cầu về năng lực, chuyên môn thì DN vẫn mạnh dạn tuyển dụng”, đại diện DN trên cho hay.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.