.

Ấm áp dưới mái chùa Phổ Đà Sơn

Cập nhật: 19:29, 01/03/2021 (GMT+7)

Hơn 3 năm qua, bếp ăn từ thiện Chùa Phổ Đà Sơn (ấp Ông Trịnh, phường Tân Phước, TX.Phú Mỹ) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân vào ngày Rằm, mùng 1 hàng tháng. Hàng ngàn lượt người nghèo, khó khăn trên địa bàn đã được nhận những phần cơm chay miễn phí từ bếp ăn từ thiện này.

Đại đức Thích Huệ Hiếu, trụ trì Chùa Phổ Đà Sơn phát cơm cho người nghèo hôm Rằm tháng Giêng.
Đại đức Thích Huệ Hiếu, trụ trì Chùa Phổ Đà Sơn phát cơm cho người nghèo hôm Rằm tháng Giêng.

Ngày 26/2 (Rằm tháng Giêng), từ sáng sớm, bếp ăn Chùa Phổ Đà Sơn đã rất đông bởi sự có mặt của gần 20 phật tử, tình nguyện viên (TNV). Người xắt rau củ, người đi chợ mua đậu hũ về chiên, người vo gạo nấu cơm, người lo công việc xào nấu... Hôm nay, bếp chuẩn bị món: canh bí đỏ và nấm; đậu hũ kho sả, nấm; khổ qua xào. Khoảng 10 giờ trưa, các món ăn được nấu xong, màu sắc bắt mắt và nóng hổi. Các TNV đợi cho thức ăn nguội bớt rồi bắt đầu đóng hộp. Mọi người tự giác phân chia công việc, người xới cơm, người chia đồ ăn. Mỗi phần cơm gồm cơm, món kho, món xào và canh, kèm chai nước suối và một trái chuối.

10 giờ 30, các phần cơm được chuyển ra điểm “tập kết” ở cổng chùa. Người dân đến nhận cơm được nhắc nhở đeo khẩu trang và giữ khoảng cách để phòng chống dịch COVID-19. Cầm trên tay phần cơm nóng do Đại đức Thích Huệ Hiếu, trụ trì chùa và các phật tử trao, những người đến nhận cơm đều cảm thấy ấm lòng.

Bà Đinh Thị Hoa (76 tuổi) là hộ nghèo ở khu phố Ông Trịnh. Thấy bà tới, các TNV trao 4 hộp cơm nóng. Bà cẩn thận đặt những hộp cơm vào chiếc giỏ nhựa mang theo. Hai vợ chồng bà Hoa sống chung cùng người con bị tâm thần. Cả gia đình sống phụ thuộc vào đồng lương công nhân của cô con gái, nên nhiều năm nay, bà là “khách quen” của bếp. “Mỗi tháng 2 lần, gia đình tôi được nhận cơm ở chùa. Cơm nóng, thức ăn nấu vừa miệng, cả nhà tôi đều thích. Cảm ơn tấm lòng của thầy trụ trì và các phật tử”, bà Hoa chia sẻ.

Cũng đã 3 năm nhận cơm tại chùa, bà Trần Thị Hà, 59 tuổi, khu phố Ông Trịnh rất cảm kích khi TNV trao cơm cho bà. Chồng bà gần 70 tuổi, nhưng cả hai vợ chồng vẫn làm thuê, làm mướn nuôi người con duy nhất bị khuyết tật. Bà bảo qua người quen giới thiệu, mỗi tháng gia đình bà nhận 6 phần cơm từ bếp, đỡ được phần nào chi phí đi chợ, nấu nướng. 

Bếp ăn từ thiện Chùa Phổ Đà Sơn bắt đầu thành lập từ tháng 10/2017, xuất phát từ ý tưởng của Đại đức Thích Huệ Hiếu. Thấy người dân ở khu phố Ông Trịnh phần lớn là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, Đại đức Thích Huệ Hiếu đã tổ chức bếp ăn từ thiện vào Mùng 1 và ngày Rằm, cung cấp 300 phần cơm/buổi cho người nghèo. Người đến nhận cơm hầu hết là lao động nghèo, buôn bán vé số, nhặt ve chai, thợ đá...

Để phục vụ suất cơm đúng giờ (khoảng 10 giờ 30 sáng), các phật tử, TNV có mặt từ trước ngày nấu một ngày, chuẩn bị những nguyên liệu, thực phẩm cần thiết và sơ chế một số nguyên liệu. Bà Đinh Thị Ngân Hoa (phường 11, TP.Vũng Tàu) là phật tử của chùa, hàng tháng bà sẽ lên thực đơn, tính toán số lượng thực phẩm để đi chợ. Trung bình mỗi lần nấu khoảng 35 kg gạo và 80-100 kg rau củ các loại. Tổng chi phí hàng tháng bếp nấu cho người nghèo khoảng 10 triệu đồng. “Thời gian đầu mới tổ chức bếp ăn, vất vả lắm. Sau vài lần, mọi người quen dần và việc chuẩn bị 300 phần cơm chay mỗi ngày nấu trở nên đơn giản hơn. Mỗi bữa nấu, có từ 15-20 phật tử, TNV tham gia. Ngoài những món chủ đạo, chúng tôi cũng thường xuyên chế biến thêm những món mới để thực đơn phong phú hơn”, bà Ngân Hoa chia sẻ.

Cũng tham gia phục vụ bếp, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh (phường 7, TP.Vũng Tàu) bày tỏ:  “Mỗi tháng 2 lần, tôi sắp xếp việc nhà, việc cơ quan và lên phụ bếp. Tôi không tham gia nấu, mà chủ yếu phụ gọt, xắt rau củ, rửa rau, xới cơm vào hộp. Mỗi người một việc góp sức mình chia sẻ đến người còn khó khăn”.

Nhận xét về bếp ăn từ thiện Chùa Phổ Đà Sơn, ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Tân Phước đánh giá: “Phổ Đà Sơn là cơ sở tôn giáo luôn đồng hành cùng địa phương trong công tác từ thiện xã hội. Hiện bếp ăn từ thiện phát cơm tại 2 điểm: Chùa Phổ Đà Sơn và văn phòng khu phố Ông Trịnh. Đây là việc làm ý nghĩa, phát huy tinh thần sẻ chia, nhân ái, đúng như phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

.
.
.