.

Thoát nghèo bền vững nhờ vốn xoay vòng không tính lãi

Cập nhật: 19:06, 04/02/2021 (GMT+7)

Tại thôn 3 (xã Bình Trung, huyện Châu Đức), nhờ nguồn vốn xoay vòng không tính lãi, nhiều hội viên khó khăn có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn xoay vòng hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn xoay vòng hiệu quả.

Hội LHPN xã Bình Trung có 6 chi hội, 47 tổ hội, các gia đình đều sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình vì thế có hoàn cảnh khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Năm 2018, mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế không tính lãi đã được thành lập ở tổ 24, thôn 3 với mục tiêu giúp các hộ hội viên phụ nữ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có động lực vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, góp phần phát triển an sinh xã hội tại địa phương.

Theo đó, mỗi hội viên tham gia sẽ đóng 1 triệu đồng/tháng cho tổ trưởng tổ tiết kiệm. Đầu tháng, các hội viên trong tổ sẽ họp để đóng tiền và bốc thăm lấy vốn. Số tiền hội viên được vay mỗi lần từ 10 đến 15 triệu đồng không tính lãi trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, khi có hội viên khó khăn cần nguồn vốn trước, các hội viên khác sẽ chủ động nhường cho vay. Từ nguồn vốn này, hội viên đã sử dụng để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau, buôn bán…

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu (tổ 24, thôn 3, xã Bình Trung) sống neo đơn tại địa phương. Trước đây, chị thường xuyên nhận sửa quần áo, thu nhập không ổn định, chỉ khoảng 100 ngàn đồng/ngày. Biết được hoàn cảnh của chị, tổ phụ nữ thôn 3 đã thường xuyên đến thăm hỏi chị Thu để động viên và vận động các hội viên phụ nữ trong tổ đóng góp tiền, giúp chị tham gia tổ phụ nữ tiết kiệm không tính lãi, nhường cho chị rút trước. Đầu năm 2019, chị Thu nhận được nguồn vốn vay 15 triệu đồng từ tổ tiết kiệm của phụ nữ. Cùng với số vốn ít ỏi tích góp được trong nhiều năm, chị Thu đầu tư chuồng trại mua 4 con dê sinh sản và trồng cây đinh lăng. Trên diện tích đất hơn 1.000m2, chị tận dụng lá cây trong vườn làm thức ăn cho dê, phân dê làm phân bón cho cây đinh lăng. “Nhờ nguồn vốn vay không tính lãi của chi hội phụ nữ thôn, tôi có vốn đầu tư sản xuất. Đàn dê sau nhiều lần bán đi, hiện tại tôi còn 2 con dê mẹ 1 tháng sẽ sinh sản. Vườn đinh lăng khoảng 20 gốc thì nay đã được nhân lên gần 100 gốc. Tôi trồng thêm chuối để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Mỗi tháng tôi đóng 1 triệu đồng vào nguồn vốn xoay vòng để giúp các chị em khác trong tổ”, chị Thu vui vẻ cho biết.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (tổ 24, thôn 3, xã Bình Trung) tham gia vào tổ phụ nữ tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế từ hơn 1 năm nay, chị Hằng nhận thấy, đây là mô hình hữu ích, số tiền 10-15 triệu đồng tuy nhỏ nhưng đã giúp nhiều chị em phụ nữ trong thôn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Năm 2018, chị được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn xoay vòng không tính lãi. Chị Hằng mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đầu tư chuồng trại, hầm biogas để nuôi heo và trồng các loại rau ăn lá. Từ 1 con heo ban đầu, đến nay đàn heo nhà chị có 2 con heo nái, 5 con heo chuẩn bị xuất chuồng. Rau được trồng cuốn chiếu, mỗi ngày bán cho các chợ tại địa phương chị cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Những ngày đầu thành lập, tổ tiết kiệm chỉ có 10 hội viên tham gia, đến nay tổ đã vận động được 15 hội viên. Mỗi năm, tổ tiết kiệm huy động được 180 triệu đồng để xoay vòng giúp đỡ cho các hội viên trong thôn có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.

Bà Nguyễn Thị Bích Loan, Tổ trưởng tổ tiết kiệm tổ 24 (thôn 3, xã Bình Trung) cho biết, trong những buổi tập trung, các chương trình tập huấn được thông tin để thu hút nhiều hơn sự tham gia của các chị em. “Bên cạnh việc giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tham gia tổ tiết kiệm, các chị em được gặp gỡ, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế và chăm sóc gia đình. Đây còn là nơi để phụ nữ sinh hoạt, vui chơi, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa các chị em trong toàn thôn. Từ 2, 3 tổ trong 1 thôn, đến nay, mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm đã được phát triển rộng khắp 5 đến 6 tổ/thôn”.

Chị Phạm Thị Thùy Ân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trung cho biết, năm 2020, Hội LHPN xã Bình Trung đã vận động được hơn 350 triệu đồng giúp cho 105 hộ hội viên nghèo, khó khăn vay phát triển kinh tế. Nguồn vốn này các hội viên sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả cao, nếu như số hội viên nghèo làm chủ hộ ở xã Bình Trung năm 2019 là 30 hộ thì nay giảm xuống chỉ còn 26 hộ. “Số hội viên tham gia hội phụ nữ không ngừng tăng lên, từ hơn 500 thành viên những ngày đầu thành lập, đến nay Hội LHPN xã Bình Trung có 1.948 hội viên hoạt động nhiệt tình, sôi nổi trong các phong trào, công tác hội”, chị Phạm Thị Thùy Ân cho biết.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

.
.
.