.

Sẵn sàng phương án đón học sinh trở lại trường

Cập nhật: 18:10, 25/02/2021 (GMT+7)

 

Ngày 25/2, Sở GD-ĐT đã ban hành công văn số 377/SGDĐT-VP về việc chuẩn bị các điều kiện đón HS, SV trên địa bàn tỉnh đi học trở lại. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT về nội dung này.

* Phóng viên: UBND tỉnh quyết định cho HS, SV trên địa bàn tỉnh dừng đến trường đến hết tháng 2/2021. Điều này có đồng nghĩa với việc HS, SV sẽ đi học lại từ ngày 1/3 hay không, thưa bà?

- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Đến thời điểm này, UBND tỉnh vẫn chưa ban hành quyết định chính thức về việc cho HS, SV đến trường trở lại từ ngày 1/3. Trước đó, UBND tỉnh đã cho HS dừng đến trường đến hết ngày 28/2. Ngày 25/2, Sở đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị đón HS, SV tiếp tục đến trường trong trường hợp điều kiện dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt và UBND tỉnh quyết định cho HS đi học trở lại. Mặt khác, nếu như HS, SV trên địa bàn tỉnh tiếp tục phải dừng đến trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục duy trì việc dạy học trực tuyến.

* Vậy ngành GD-ĐT đã có sự chuẩn bị như thế nào trong trường hợp HS đi học trở lại?

- Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cập nhật và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị, đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước khi HS, SV đi học trở lại. Các trường học bắt buộc áp dụng khai báo y tế bằng mã QR-Code theo quy định của Bộ Y tế. Nhà trường chủ động phối hợp với ngành y tế địa phương vệ sinh, khử trùng, khử khuẩn trường, lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học… Nhà trường phải bố trí nơi rửa tay có xà phòng và nước sạch, trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay tại lớp học và xà phòng rửa tay, bố trí phòng y tế tại trường học với đầy đủ trang thiết bị y tế theo quy định và có phòng riêng để cách ly HS, GV, cán bộ, công nhân viên có biểu hiện ho, sốt, khó thở (trong trường hợp cần thiết)…

* Các giải pháp phòng dịch bệnh COVID-19 khi HS, SV đến trường là gì, thưa bà?

- Nhà trường phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra nhanh tình trạng sức khỏe HS, SV trước khi vào trường, yêu cầu đeo khẩu trang trên đường tới trường và từ trường về nhà; lập sổ theo dõi sức khỏe, ghi lại kết quả đo thân nhiệt hằng ngày.

Các trường học không cho phụ huynh HS, người không có nhiệm vụ vào trường. Nhà trường bố trí người đón và giao nhận trẻ MN, học sinh TH tại cổng trường. Các cơ sở giáo dục tổ chức chào cờ và các hoạt động giáo dục trong phạm vi lớp học; bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học phù hợp để tạo giãn cách; giám sát, nhắc nhở HS không tụ tập đông trong giờ ra chơi. Kết thúc mỗi buổi học, nhà trường duy trì việc vệ sinh, khử khuẩn trường lớp theo quy định. 

Cùng với đó, các nhà trường phải kiểm soát chặt chẽ việc ra vào trường học, kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu sát khuẩn tay trước khi vào trường đối với những người tới liên hệ công tác, đồng thời theo dõi và ghi sổ nhật ký. Các trường tổ chức bán trú cần tăng cường quản lý HS trong thời gian ở lại trường, hạn chế tối đa việc gia đình đến thăm HS. Đặc biệt, phải tăng cường kiểm soát bếp ăn tập thể, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

 

Các trường TH sẽ tổ chức dạy phụ đạo cho HS chưa đạt về kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 khi HS, SV trên địa bàn tỉnh được đi học trở lại. Trong ảnh: Một tiết học của HS lớp 1 Trường TH Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa).
Các trường TH sẽ tổ chức dạy phụ đạo cho HS chưa đạt về kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 khi HS, SV trên địa bàn tỉnh được đi học trở lại. Trong ảnh: Một tiết học của HS lớp 1 Trường TH Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa).

* Theo bà, việc HS, SV dừng đến trường như hiện nay có ảnh hưởng gì đến việc thực hiện kế hoạch, chương trình năm học hay không? 

- Khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT có 2 tuần để dự phòng. Do đó, đến thời điểm này, việc HS, SV trên địa bàn tỉnh nghỉ học đến hết tháng 2/2021 vẫn bảo đảm thực hiện kế hoạch năm học. Bộ GD-ĐT cũng đã có hướng dẫn cụ thể về việc tinh giản chương trình trong trường hợp việc dừng đến trường tiếp tục kéo dài do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, các cơ sở giáo dục không bị động trong việc triển khai giảng dạy. 

* Khi HS, SV đến trường trở lại, ngành có giải pháp gì để các em bắt nhịp ngay với việc học tập?

- Khi HS đi học trở lại, Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường rà soát kiến thức, chương trình dạy học trực tuyến. Từ đó, có kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức cho các em trước khi triển khai nội dung mới.  

Trước khi Bộ GD-ĐT có chỉ đạo, ngành GD-ĐT tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy phụ đạo cho HS lớp 1 chưa đạt về kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ I khi HS trên địa bàn tỉnh được đi học trở lại. Trước Tết Nguyên đán, ngành đã thống kê HS lớp 1 chưa đạt về kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1. Theo đó, có khoảng 9-10% HS lớp 1 cần được học phụ đạo. Các cơ sở giáo dục TH sẽ bố trí GV, phòng học riêng để dạy phụ đạo tập trung, không thu phí cho các em. Khi các em đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo sẽ chuyển về lớp học ban đầu. Sở GD-ĐT giao các trường chủ động xây dựng giải pháp thực hiện nhằm cải thiện tình trạng trên một cách phù hợp, thiết thực và chất lượng.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

KHÁNH CHI 

(Thực hiện)

.
.
.