Thầy thuốc của nhân dân
Gầy dựng, phát triển mạng lưới chuyên khoa mắt; khởi xướng thành lập chương trình phòng, chống mù lòa tỉnh; dẫn dắt Bệnh viện Mắt trở thành đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh tự chủ tài chính… là những đóng góp tiêu biểu của bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp khám mắt cho người bệnh. |
KHỞI XƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MÙ LÒA TỈNH
Gặp bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, ai cũng ấn tượng bởi sự gần gũi, thân thiện và cởi mở. Bác sĩ Giáp kể, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh năm 1990, ông được nhà trường giữ lại công tác. Trong 3 năm làm việc tại trường, ông có cơ hội tham gia khóa học chuyên khoa cấp 1 về nhãn khoa. Thời bấy giờ, tỉnh BR-VT chỉ có 1 bác sĩ về nhãn khoa. Vì vậy, năm 1993, bác sĩ Giáp xin chuyển công tác về Bệnh viện Lê Lợi và được phân công phụ trách phòng khám mắt.
Hai năm sau, ông được Bệnh viện Lê Lợi bổ nhiệm Trưởng liên chuyên khoa Mắt-Tai mũi họng-Răng hàm mặt. Từ đây, bác sĩ Giáp bắt đầu gầy dựng, phát triển mạng lưới chuyên khoa mắt và khởi xướng thành lập chương trình phòng, chống mù lòa tỉnh. Bằng tài năng, tâm huyết với nghề, năm 2005, ông được Sở Y tế bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Mắt (nay là Bệnh viện Mắt tỉnh). Từ một phòng khám mắt với trang thiết bị khiêm tốn và vỏn vẹn 3 bác sĩ, trung tâm đã phát triển thành Bệnh viện Mắt hạng II, với quy mô 100 giường bệnh cùng nhiều trang thiết bị hiện đại và 22 bác sĩ lành nghề.
Bên cạnh công tác chuyên môn, bác sĩ Giáp còn dành nhiều công sức đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và xây dựng mạng lưới chuyên khoa mắt cho các cơ sở y tế cũng như các hoạt động phòng, chống mù lòa trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 40 bác sĩ, hơn 50 điều dưỡng, 30 kỹ thuật viên khúc xạ và 20 kỹ thuật viên mài lắp kính. 100% Trung tâm Y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đã có bác sĩ và phòng khám mắt. 100% trạm y tế ở xã, phường, thị trấn có nhân viên chăm sóc mắt ban đầu và dụng cụ khám sàng lọc mắt cơ bản để phục vụ người dân.
Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện hàng chục đề án phát triển chuyên môn như: Đề án nâng cao chất lượng bệnh viện công lập, Đề án thuê chuyên gia y tế trong nước, Đề án xã hội hóa… Thông qua các đề án này, Bệnh viện Mắt tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật mới phục vụ người bệnh, mang lại hiệu quả trong điều trị và giảm chi phí chuyển tuyến cho người bệnh. Song song đó, ông còn trực tiếp khám và điều trị cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, thực hiện hơn 10 ngàn ca phẫu thuật mắt, trong đó có nhiều ca phức tạp như bệnh lý mắt do chấn thương, bệnh nhân mắc tiểu đường, bệnh lý tim mạch… Trong quá trình làm việc, ông chưa để xảy ra sự cố nào đáng tiếc.
NHIỀU NGHIÊN CỨU CÓ GIÁ TRỊ
Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp chia sẻ, ông có niềm đam mê nghiên cứu khoa học từ khi còn là SV. Đến nay, ông là chủ sở hữu của hơn 50 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến và ý tưởng sáng tạo có giá trị. Trong đó, tiêu biểu nhất là 2 sáng kiến khoa học và ý tưởng sáng tạo có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc. Đơn cử, sáng kiến Đánh giá các giải pháp can thiệp đối với kiến thức, thái độ, hành vi chăm sóc mắt của học sinh THCS tỉnh BR-VT. Đề tài này đã được các tổ chức phi chính phủ, ngành nhãn khoa ở các địa phương trong cả nước tham khảo làm cơ sở khoa học khi xây dựng, lập đề án chăm sóc mắt cho học sinh. Các y, bác sĩ, học viên sau đại học, nghiên cứu sinh ở lĩnh vực nhãn khoa sử dụng làm tài liệu tham khảo để phục vụ công tác nghiên cứu và học thuật.
Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Viết Giáp còn có hơn 10 đề tài nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo mang lại giá trị thực tiễn cao như: Nghiên cứu đánh giá các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh được tại tỉnh BR-VT; kết quả điều chỉnh tật khúc xạ bằng phương pháp chỉnh hình giác mạc với kính tiếp xúc qua đêm Ortho-K; lượng giá chương trình chăm sóc mắt dựa vào cộng đồng… Ông cũng dành tâm huyết thực hiện nhiều sáng kiến hữu ích khác như: Bảng thị lực đơn giản để phát hiện mù lòa tại cộng đồng, Bàn cố định trẻ em để thực hiện một số phẫu thuật và thủ thuật chuyên khoa mắt, cải tiến ống nghe tim phổi thành dụng cụ hỗ trợ giao tiếp với người khiếm thính…
Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp nói: “Tôi may mắn được học tập, đào tạo bài bản. Tôi nhận thức được trách nhiệm nghề nghiệp của mình đối với chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì vậy, tôi không quản ngại khó khăn, vất vả tìm kiếm các chương trình, phương pháp làm việc và rèn luyện nâng cao tay nghề để người dân được điều trị bệnh tốt nhất”.
Với những đóng góp cho ngành nhãn khoa của tỉnh, bác sĩ Nguyễn Viết Giáp đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý như: Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2010; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014; Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân năm 2021 và là bác sĩ đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu cao quý này; Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2013; Bộ Y tế tặng Bằng khen năm 2016; cùng nhiều Bằng khen của Hội Nhãn khoa Việt Nam, UBND tỉnh…
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG